Aa

Cúng mặn và cúng chay

Thứ Bảy, 23/02/2019 - 06:00

Mất là mất mát cái gì đó. Người sống mất đi một người thân. Nhưng quan trọng đối với người vừa nhắm mắt qua đời, là họ vừa mất thân thể của họ. Ngay khi vừa mất thân, điều họ muốn là không muốn rời thân.

Người Việt chúng ta thường nói “trần sao âm vậy”.

Nhiều lúc nghe mọi người nói thế, tôi cứ nghĩ, liệu chúng ta đã thực sự hiểu thấu đáo câu nói này?

Tôi thường chia sẻ với mọi người khi đến lễ ở gia đình họ về ý nghĩa của câu nói trên. Chúng ta nên làm chay hay mặn khi sửa soạn lễ cúng tổ tiên hay cúng hương linh vừa mất?

Hơn ai hết, chính người vừa mất - là hương linh - mới biết họ muốn gì.

Chúng ta thử xét xem họ muốn gì lúc đã mất?

Mất là mất mát cái gì đó. Người sống mất đi một người thân. Nhưng quan trọng đối với người vừa nhắm mắt qua đời, là họ vừa mất thân thể của họ. Ngay khi vừa mất thân, điều họ muốn là không muốn rời thân.

Không dễ dàng để một người vừa mất thân dễ dàng rời bỏ tâm thức chấp vào thân mình. Nhưng, trên thực tế, họ không làm chủ được thân xác họ nữa.

Sự chấp trước, bám víu vào hình hài đã được tích lũy qua nhiều đời kiếp và chúng ta quen dựa vào thân, vào danh, để thấy mình đang tồn tại. Tước bỏ hay đánh mất sự bám víu đó, nếu không được một vị thầy khai thị, hướng dẫn, thì khó và rất khó để hương linh rời được tâm chấp víu vào hình hài.

Phần lớn mọi người rơi vào hoảng loạn khi rời bỏ hình hài.

Khi một người vừa mất, người sống hoàn toàn không quan tâm đến tâm thức của hương linh. Ta chỉ lo xem ngày giờ tốt xấu khi người thân mất có hại đến ta không. Trong khi, đó là lúc họ "đi xa" nhất, một chuyến đi không có ước hẹn sự gặp lại. Hình như phần lớn thế nhân chúng ta, lại không quan tâm lắm họ (người thân) đi về đâu?

Xem vậy đủ thấy, cách ta làm cho người vừa mất không dựa trên một hiểu biết đúng và vì hương linh. Đây là một đơn cử nhỏ. Ta sẽ đi sâu hơn vào dịp khác.

Trong nghi lễ cúng linh có câu: "Âm dương vô nhị lý" - có nghĩa, Âm và Dương không hai lý. Trong cuộc sống chúng ta có "Sự" và "Lý". "Sự" - tức là phần DƯƠNG, phần nhìn từ hiện tượng.

Nhìn trên hiện tượng, người đã khuất không còn hình hài, không còn thân tứ đại, nên khác biệt với người đang sống, đó là khác ở "Sự". Lý là nguyên lý, là lý tính, hay là phẩn Âm, phần không thể nắm bắt được, là bản thể của vạn vật. Đó là phần làm nền cho phần Dương nói ở trên.

Không hai lý, là nói đến phần lý tính.

Còn câu nói, "Trần sao âm vậy" chính là nói đến "Lý" - tức là chân lý, là bản thể, bản chất. "Âm dương vô nhị lý" chính là như vậy. Sống chết là khác biệt về hiện tượng nhưng về bản thể là không khác.

Ví dụ, dù còn sống hay đã khuất, dù biểu hiện ở dạng thức nào chúng ta cũng đều có nhu cầu về thức ăn, nhưng ăn khi còn thân và mất thân là hoàn toàn khác nhau.

Thức ăn, còn là thức ăn tinh thần, thức ăn cho tâm thức hay thức ăn cho thể xác, là khác nhau?

Với tâm niệm thiếu thanh tịnh, với máu thịt loài vật đem lại từ chết chóc ta không tỏ được lòng thành đúng nghĩa...

Với tâm niệm thiếu thanh tịnh, với máu thịt loài vật đem lại từ chết chóc ta không tỏ được lòng thành đúng nghĩa...

Có thể nói dễ hiểu hơn, chúng ta còn sống đây nhưng ở các vùng miền quốc gia khác nhau cũng đã có nhu cầu về thức ăn khác nhau. Khác về mùi vị, màu sắc, nguyên liệu...v.v... Đó là khác. Nhưng, đều cần được ăn uống để nuôi sống cơ thể thì đó là không khác. Nhưng chung, giống nhau, là đều chuyển thành máu và năng lượng đi vào tế bào nuôi sống cơ thể, là không khác.

Quay trở lại với việc biện lễ cúng mặn hay cúng chay?

Chúng ta viện dẫn "trần sao âm vậy" để sửa soạn rượu thịt và dùng sinh mạng của loài vật cùng sự sợ hãi đau đớn của chúng để làm thành mâm cơm cúng cho hương linh, cho tổ tiên là một hành động cần nhìn nhận lại.

Việc đó chứng tỏ chúng ta đang dùng hiểu biết trên hiện tượng để lý giải mà chưa nhìn sâu vào bản chất. Cúng mặn, theo tôi, là một việc làm còn thiếu tình thương, thiếu tính hướng thượng và thiếu trân trọng sự sống.

Thứ nhất, chúng ta cần khẳng định: Lễ, chính là một hành động hướng thượng, là hướng đến sự thanh tịnh, linh thiêng đầy trong sáng. Lễ là sự kết nối mong muốn linh cảm tương đồng trong sự chân thành thanh cao nhất. Lễ cho hương linh, cốt yếu, nếu vì hương linh thực sự, phải nhắm đến sự siêu thoát cho hương linh. Mà muốn siêu thoát, tất phải thanh cao.

Chúng ta muốn dùng sự thành kính và thanh tịnh để gửi đến hương linh, chúng ta hãy quán chiếu và nhìn nhận cho thấu đáo.

Cả thân xác tứ đại, hương linh đã từ bỏ dù hình hài có được là do phước đức từ nhiều kiếp. Chúng ta vẫn giết hại sinh mạng mà biện lễ cúng mặn cho người đã khuất thì đó là do chúng ta vẫn còn bị mắc kẹt do những quan niệm của mình, chứ chưa chắc đã vì hương linh, vì người đã khuất.

Trần sao âm vậy - có nghĩa là người đã khuất cũng như người còn sống, đều cần có một hướng đi, một lối sống, cần có sự thanh tịnh, hướng thượng tức là hướng tới yêu thương, tới nguồn cội, tới sự thanh thản và siêu thoát an lành.

Thứ hai, tại sao tôi thường nói, ban thờ tổ tiên trong nhà quý vị là biểu tượng của nguồn cội. Đối với niềm tin của dân gian, qua năm đời là đã không gọi tên để cầu nữa. Khi đó, người khuất đã hòa vào nguồn cội.

Ban thờ trong mỗi gia đình không phải chỉ để thờ người mất, đó còn là biểu tượng của nguồn cội, của giống nòi, của vạn cổ anh linh hùng thiêng dân tộc.

Lễ nghi cũng chính là nhu yếu và là hành động hướng tới sự thiêng liêng. Nơi thờ tự, chỉ nên có sự thanh tịnh, có hương - hoa - đăng - trà - quả - nhạc từ lòng thành kính trong sáng vị tha.

Máu me, sự oán hận, đau đớn bởi mất đi sinh mạng không thể là biểu trưng cho tình yêu thương và thanh tịnh để chúng ta dâng lên ban thờ và để gửi đến hương linh nói riêng, đến tổ tiên của chúng ta nói chung.

Với tâm niệm thiếu thanh tịnh, với máu thịt loài vật đem lại từ chết chóc ta không tỏ được lòng thành đúng nghĩa. Kẹt vào lễ nghi cũng là một trở ngại lớn để phát triển đạo đức và văn hóa. Nhân danh người mất để no say đình đám rượu thịt thì không thể có nếp sống đẹp và đạo đức văn minh.

Hãy xem việc lễ nghi và cúng giỗ thờ tự là một nếp sống thực tập nuôi lớn tình yêu với cội nguồn và với con người để chúng ta sống có trách nhiệm hơn, biết hy sinh và phụng sự vì dân tộc hơn.

Hãy cùng nhau xây đắp một nếp nghĩ trong sáng hợp đạo đức và văn hóa trong việc thờ phụng tổ tiên, tâm Linh và tín ngưỡng trong ngày lễ của nhà, của làng và của nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top