Aa

Đà Nẵng đình chỉ hoạt động 4 tầng khách sạn Mường Thanh sông Hàn

Chủ Nhật, 08/07/2018 - 14:00

Đà Nẵng đình chỉ hoạt động 4 tầng khách sạn Mường Thanh sông Hàn; Thị trường đất nền vùng ven TP.HCM bây giờ ra sao sau cơn sốt?; Thời trang và ăn uống dẫn đầu nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ; Cổ phiếu đồng loạt tăng trần sau “cơn mưa”;... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

Đà Nẵng đình chỉ hoạt động 4 tầng khách sạn Mường Thanh sông Hàn

Cảnh sát PCCC Đà Nẵng vừa có quyết định tạm đình chỉ hoạt động tầng 2 đến tầng 5 công trình Khách sạn Mường Thanh Sông Hàn của Chi nhánh Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên .

Công trình này có địa chỉ 270 đường Võ Nguyên Giáp, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn.

Quyết định do Giám đốc Cảnh sát PCCC Đà Nẵng Trần Đình Chung ký tạm đình chỉ 4 tầng của công trình trong thời gian 1 tháng, từ 3/7 đến 3/8.

Ông Võ Văn Thân, giám đốc công trình có trách nhiệm thi hành quyết định và đảm bảo các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy tại công trình.

Trước đó ngày 25/6, cảnh sát PCCC Đà Nẵng cùng đoàn liên ngành đã kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại công trình này. Đoàn liên ngành đã lập biên bản kiểm tra làm căn cứ ra quyết định tạm đình chỉ.

Lý do công trình bị tạm đình chỉ được cho là vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy.

Xem chi tiết tại đây

Phần công trình chuyển đổi công năng thành 104 căn hộ (trong vòng tròn). Ảnh: Cao Nam

Phần công trình chuyển đổi công năng thành 104 căn hộ (trong vòng tròn). Ảnh: Cao Nam

Cổ phiếu đồng loạt tăng trần sau “cơn mưa”

Tuần vừa rồi miền Bắc hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục với nhiệt độ lên tới 40 độ C và thị trường chứng khoán cũng không khác gì chảo lửa khiến nhiều nhà đầu tư chao đảo. Tuy nhiên ông trời như chiều lòng người, chiều qua (6/7/2018) đã có một cơn “mưa rào” đổ xuống giải nhiệt Hà Nội cũng như Vn-index...

Thị trường mở cửa phiên giao dịch cuối tuần với những diễn biến tiêu cực, tâm lý bi quan vẫn chiếm ưu thế. Nhà đầu tư giao dịch một cách cầm chừng và nhiều người vẫn đứng ngoài để chờ đợi những thông tin liên quan đến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Dường như có sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa thời tiết với thị trường chứng khoán. Tuần vừa rồi, miền Bắc hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục với nhiệt độ lên tới 40 độ C còn thị trường chứng khoán không khác gì chảo lửa khiến nhiều nhà đầu tư chao đảo. Tuy nhiên ông trời như chiều lòng người, chiều qua đã có một cơn “mưa rào” đổ xuống giải nhiệt Hà Nội cũng như Vn-index.

Cổ phiếu như “nắng hạn gặp mưa rào” đã đồng loạt bứt phá tăng điểm, nổi bật là dòng ngân hàng và chứng khoán cùng ông lớn GAS (tăng trần). Các cổ phiếu như ACB, BID, CTG, MBB, SHB, STB và VPB đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, VCB cũng tăng 5,8% lên 55.000 đồng/cổ phiếu. TPB tăng 5,5% lên 26.700 đồng/cổ phiếu. HDB tăng 6,7% lên 35.000 đồng/cổ phiếu.

Xem chi tiết tại đây

Thị trường đất nền vùng ven TP.HCM bây giờ ra sao sau cơn sốt?

Ghi nhận thực tế thị trường, cho thấy các nhà đầu tư, người mua nhà không còn hiện tượng đổ xô đi tìm mua đất, nhất là tại khu Đông. Số lượng nhà đầu tư quan tâm đến đất nền bắt đầu có chiều hướng giảm. Giá cũng có dấu hiệu chững hoặc tăng nhẹ cục bộ ở một số khu vực.

So với cách đây khoảng 2 tháng, đất sổ đỏ ở các khu dân cư vẫn giữ giá ổn định, có nơi tăng nhẹ.

Chẳng hạn, nên đất 60m2 tại đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2 giá chào bán tháng 5/2018 là 50 triệu đồng/m2, hiện giá này tăng lên 53 triệu đồng/m2. Tương tự, giá thứ cấp nền đất KDC Hoàng Kim (quận 2) cũng tăng thêm 2 giá so với thời điểm chào bán cuối tháng 5/2018, tăng từ 46 triệu đồng/m2 lên 48 triệu đồng/m2.

Tại phường Phú Hữu, quận 9, đất thổ cư KDC Gò Cát vẫn lên giá khoảng 5% so với 1 tháng trước. Đặc biệt những nền đất có mặt tiền lớn giá dao động tăng thêm 10% so với thời điểm đầu tháng 6/2018, tức tăng thêm khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/m2.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thời trang và ăn uống dẫn đầu nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ

Theo báo cáo quý II/2018 của CBRE, Hà Nội đã có thêm nhiều nhãn hàng bán lẻ quốc tế mở rộng và phát triển như Xiaomi, Lyn và mở rộng chuỗi bán lẻ H&M, hướng tới người tiêu dùng trẻ tuổi. Do đó, sự cạnh tranh trên thị trường được dự báo sẽ ngày càng tăng, thúc đẩy các nhà bán lẻ nội địa cải thiện sản phẩm và hoạt động bán hàng.

Theo thông kê từ CBRE, tính đến hết quý II, thị trường bán lẻ tại TP.HCM không có thêm nguồn cung mới, các dự án bán lẻ tương lai đều có hoạt động xây dựng khá chậm chạp, một số dự án phải hoãn ngày khai trương. Mặc dù vậy, bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ của CBRE vẫn tiếp tục đón nhận phần lớn các yêu cầu thuê mới thuộc ngành hàng ăn uống và thời trang hướng đến đối tượng khách hàng là giới trẻ, như: Founder Bak Kut Teh, Wayne’s Coffee, Eat Street, Dickies, Steve Madden,...

CBRE dự báo, với đặc điểm dân số và phân bổ thu nhập khả dụng hiện nay của Việt Nam, hai ngành hàng này (thời trang và ăn uống) cùng với ngành hàng chăm sóc sức khoẻ sẽ tiếp tục phổ biến trong 3 - 5 năm tới.

Một điểm đáng chú ý khác là sự chênh lệch của giá thuê giữa khu trung tâm và ngoài trung tâm sẽ ngày càng lớn trong hai năm tới, khi nhiều khối đế bán lẻ hoàn thành và các trung tâm thương mại mới có diện tích lớn dịch chuyển ngày càng ra xa khỏi khu trung tâm, đến những nơi có mật độ dân số cao và thu nhập người dân được cải thiện.

Xem chi tiết tại đây

Đô thị thông minh kiểu "ôsin": Thảm họa nếu lướt qua nhau như những bóng hình

Những năm trở lại đây cụm từ "đô thị thông minh" được nhắc đến nhiều trong định hướng, chiến lược xây dựng thành phố ở Việt Nam. Một Đà Nẵng thông minh hay một TP.HCM thông minh đã và đang trong giai đoạn bắt đầu chuyển mình, áp dụng nền tảng của khoa học công nghệ 4.0.

Bức tranh về đô thị thông minh được vẽ lên sinh động và đẹp đẽ, nơi ấy chỉ cần qua chiếc smartphone, ta có thể dễ dàng xử lý thủ tục hành chính; qua tấm đèn biển hiệu, ta đã biết chính xác mấy giờ chiếc xe bus chạy. Nhưng đô thị thông minh nếu chỉ tồn tại các tiện ích mà vắng đi sự chia sẻ, giao tiếp thì liệu rằng con người ta có sợ hãi, rơi vào cô đơn bởi sự tương tác giữa người với người chỉ là con số 0. Đô thị thông minh là điều kiện cần cho cuộc sống của con người trong thời đại hiện nay và tương lai nhưng đã thực sự đủ để con người cảm nhận được giá trị cuộc sống?

Theo nhà văn Nguyễn Thành Phong, khái niệm "đô thị thông minh" của các nhà nghiên cứu, thiết kế và xây dựng đô thị hiện nay mới dừng ở sự "thông minh của ôsin". Dường như chúng ta muốn tạo ra một môi trường sinh sống mà mọi thứ luôn luôn sẵn sàng hiểu ý ta, phục vụ ta một cách tận tụy nhất có thể như xung quanh ta đầy những đầy tớ vậy. Những người đầy tớ thì chỉ phục vụ chứ không bao giờ có đủ năng lực để chia sẻ, yêu cầu, hỗ trợ, góp phần nâng cao phẩm tính của các ông bà chủ được.

Tôi nghĩ rằng cần phải hiểu sự "thông minh" mà con người cần là không chỉ phục vụ, chia sẻ, mà còn giúp con người ta hoàn thiện, có nhiều phẩm tính nhân văn và trở nên thông minh hơn. Nếu chúng ta cứ chăm chăm xây dựng "đô thị thông minh" kiểu ôsin thì sẽ là một thảm họa, làm cho con người trở nên lười biếng, ỷ lại, ít tương tác với nhau và với môi trường, nhanh trở nên mất nhân bản hơn. Tôi không hứng thú gì với "đô thị thông minh" kiểu này.

Xem chi tiết tại đây

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top