Aa

Đà Nẵng nghiên cứu xây dựng Quy chế quản lý condotel và tourist villa

Thứ Tư, 19/04/2017 - 02:31

UBND TP. Đà Nẵng vừa giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan kiểm tra, nghiên cứu các quy định của pháp luật xây dựng Quy chế quản lý việc đầu tư xây dựng và vận hành các dự án có loại hình căn hộ khách sạn (condotel) và biệt thự du lịch (tourist villa) tại các khu vực trên địa bàn thành phố.

Trước đó, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã có công văn trình UBND Thành phố đề cập đến việc phát triển “nóng” các loại hình condotel và tourist villa trên địa bàn, nhất là các vị trí ven biển, các khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan và các khu vực quy hoạch dịch vụ, du lịch không đảm bảo về kiến trúc cảnh quan và công tác quản lý quy hoạch đô thị.

Điều này, gây sức ép lên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của khu vực lân cận và không đảm bảo phục vụ nhu cầu hạ tầng kỹ thuật và xã hội (trường học, bệnh viện, thiết chế văn hóa...) cho chính cư dân của dự án.

Đặc biệt, ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua khi họ không hiểu biết đầy đủ quy định về loại hình này, khả năng lớn xảy ra khiếu kiện về sau.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Giai đoạn 2015 - 2016, thị trường BĐS có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, Đà Nẵng xuất hiện xu hướng nhà đầu tư đề nghị được chuyển đổi đất thương mại dịch vụ sang đất xây dựng căn hộ du lịch (condotel) và biệt thự du lịch (tourist villa) tại các dự án ven biển, các khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan và khu vực quy hoạch dịch vụ, du lịch. Do đó, cần có cơ chế quản lý phù hợp đối với việc đầu tư xây dựng theo hình thức Condotel.

Ông nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng nhấn mạnh: Để loại hình đầu tư condotel mang lại hiệu quả, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích Nhà nước – Chủ đầu tư – Chủ sở hữu, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng và các ngành liên quan sớm ban hành quy định loại hình này. Trong đó, quy định cụ thể về: Trách nhiệm của Chủ đầu tư, Chủ sở hữu, hình thức sở hữu (lâu dài hay có thời hạn) để đảm bảo theo đúng định nghĩa thuần túy là căn hộ du lịch.

Được biết, condotel (viết tắt của hai từ condominimum và hotel) là thuật ngữ được hiểu là dạng khách sạn chung cư hoặc khách sạn căn hộ; mỗi căn hộ (đơn vị nhà ở) có thể thuộc các chủ sở hữu riêng.

Chủ sở hữu căn hộ trong condotel có quyền ở, bán hoặc cho thuê. Như vậy, condotel có cả hai chức năng sử dụng là nhà ở và khách sạn. Các dự án condotel hiện được đầu tư xây dựng tập trung tại các đô thị du lịch, ven biển và được quản lý, vận hành, khai thác với chức năng chính là khách sạn (lưu trú ngắn hạn và không hình thành đơn vị ở).

Theo Bộ Xây dựng, các dự án đầu tư xây dựng căn hộ khách sạn - codontel chưa được quy định, điều chỉnh cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh BĐS, pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với công trình xây dựng. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2014 quy định nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm.

Do vậy, các địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý vận hành khai thác đối với các loại hình BĐS này, đặc biệt là việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn để lập quy hoạch, thiết kế đối với các dự án vì không có cơ sở áp dụng theo loại hình công trình nào (nhà ở hay khách sạn) cho phù hợp. Cụ thể:

Nếu sử dụng lâu dài (hình thành đơn vị ở) thì quy hoạch phải gắn với cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, dịch vụ, thương mại…; Nếu sử dụng lưu trú ngắn hạn (không hình thành đơn vị ở) thì quy hoạch, thiết kế, quản lý vận hành như công trình khách sạn.

Trong thời gian chờ ban hành quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia riêng, cụ thể đối với các loại hình công trình này, Bộ xây dựng đã có văn bản hướng dẫn, trả lời một số doanh nghiệp và địa phương (như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng) theo hướng:

Đối với dự án, công trình codontel mà các căn hộ ngoài sử dụng để kinh doanh cho thuê lưu trú ngắn hạn còn có thể sử dụng vào mục đích ở ổn định, lâu dài và hình thành đơn vị ở thì phải đáp ứng quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (trường học, sinh hoạt cộng đồng…) như đối với nhà ở chung cư.

Đối với dự án, công trình codontel mà các căn hộ chỉ sử dụng để kinh doanh cho thuê lưu trú ngắn hạn và không hình thành đơn vị ở thì có thể áp dụng quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về hạ tầng chung cư đối với công trình khách sạn.

Để giải quyết những vướng mắc trong công tác quản lý đối với các loại hình BĐS nêu trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có một số kiến nghị lên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.

Cụ thể, về pháp luật xây dựng, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cần nghiên cứu ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể đối với loại hình công trình này (Bộ Xây dựng sẽ sớm nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền).

Về pháp luật đất đai, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung quy định về việc phân loại và cơ chế sử dụng đất hỗn hợp (vừa sử dụng làm đất ở, vừa là đất thương mại dịch vụ) và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với loại hình BĐS này (đề nghị giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu).

Về tài chính đất đai, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị cần bổ sung quy định về thu tiền sử dụng đất đối với đất hỗn hợp để phù hợp với loại hình BĐS này (đề nghị giao Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu)./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top