Aa

Đặc khu sẽ là "nam châm" thu hút vốn

Thứ Ba, 17/04/2018 - 06:00

Đó là quan điểm của các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam trước giờ đề án đặc khu kinh tế được trình Quốc hội vào tháng 5 tới.

Vân Đồn (Quảng Ninh) sẽ trở thành một đặc khu kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu

Vân Đồn (Quảng Ninh) sẽ trở thành một đặc khu kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu

Động lực mới cho phát triển kinh tế

Dự thảo mới nhất luật Đặc khu bổ sung thêm nhiều vấn đề như các chính sách cho khu thương mại tự do; bổ sung quy định Thủ tướng Chính phủ xem xét không áp dụng một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó cũng loại bỏ một số điều kiện đầu tư kinh doanh như không yêu cầu về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, hình thức đầu tư đối với nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu...

TS Trần Hoàng Ngân cho rằng Việt Nam đang tìm thêm những động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế thì việc xây dựng luật Đặc khu là cần thiết. Các chính sách ưu đãi, thể chế đột phá sẽ giúp các đặc khu có sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Đây sẽ là luật khung và nếu cần thiết trong tương lai, Việt Nam có thể thành lập 1, 2, 3 hay nhiều hơn các đặc khu khác nhau, phù hợp với đặc điểm riêng của từng vùng miền. 

Đặc biệt quy định cụ thể một số thủ tục hành chính nhằm đảm bảo trình tự thông thoáng, tạo điều kiện tối đa cho các NĐT như hồ sơ đăng ký thành lập tổ chức kinh tế không bắt buộc phải có giấy chứng nhận (GCN) đăng ký đầu tư; rút ngắn thủ tục cấp GCN đầu tư đối với một số trường hợp. Đơn cử với dự án không có đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất hay cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thời gian cấp GCN trong vòng 5 ngày làm việc. Hoặc dự án đầu tư có đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, việc cấp GCN được thực hiện trong vòng 7 - 10 ngày làm việc.

Với các dự án đầu tư không thuộc những trường hợp quy định trong luật Đặc khu thì NĐT không cần phải xin GCN...Dự thảo cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như: Miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm đầu và giảm 50% trong các năm tiếp theo cho người làm việc tại đặc khu (nhà khoa học, chuyên gia thì miễn thuế kéo dài đến 10 năm đầu). Áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa.

Áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 30 năm cho các dự án đầu tư khác, sau đó miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước suốt thời hạn thuê cho các dự án nghiên cứu phát triển, giáo dục y tế...Theo đại biểu Quốc hội, TS Trần Hoàng Ngân, các chính sách ưu đãi được nêu ra trong luật đã vượt khung và đây là điều cần thiết nhằm thu hút các NĐT.

Thủ tục cần vượt trội

Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ưu đãi về thể chế, về quản trị cần vượt trội hơn nữa để tạo sức hút lớn với các NĐT chiến lược.

Nhấn mạnh đây là cơ hội để Việt Nam xây dựng được một hình mẫu, một thể chế phát triển, TS Thiên cho rằng chính sách cho đặc khu không thể duy trì hình thức chung chung. Ví dụ trong dự thảo luật vẫn giữ khuôn mẫu là hội đồng nhân dân với chủ tịch UBND đặc khu nhưng chỉ tương đương cấp huyện vì còn trực thuộc UBND các tỉnh.

Như vậy, hoạt động quản lý còn bị ràng buộc nhiều và tính khác biệt của đặc khu quá thấp. “Những chính sách ưu đãi về thuế, phí đưa ra thì dễ nhưng điều đó chỉ thu hút được các doanh nghiệp có chiến lược ngắn hạn. Trong khi đó phần thể chế hành chính vượt trội nếu làm được thì sẽ lợi hơn nhiều. Sẽ thu hút được các tập đoàn, các NĐT chiến lược lớn trên thế giới tham gia đầu tư. Đây chính là hiệu quả mong muốn cũng như lợi ích lớn khi xây dựng các đặc khu”, TS Thiên chia sẻ thêm.

Còn theo TS Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, quan trọng nhất là tổ chức mô hình đặc khu như thế nào để đảm bảo cung cấp được nền công vụ mang tính dịch vụ. Bởi sau khi chính sách được ban hành, vấn đề nhân sự, quản trị để thực thi là rất quan trọng. Con người thực hiện, bộ máy ở các đặc khu phải tạo điều kiện để doanh nghiệp an tâm khi vào đó hoạt động. Mọi việc phải được thực hiện nhất quán và minh bạch. NĐT phải được biết rõ giải quyết vấn đề này, xin phép thủ tục gì đó trong bao lâu là xong để không thắc thỏm chờ đợi như lâu nay.

TS Lịch khẳng định: “Bộ máy nhân sự quản trị phải được nâng tầm quốc tế. Đây là phần rất quan trọng để tạo ra nét khác biệt của các đặc khu. Nếu công chức của các đặc khu kinh tế vẫn chỉ hưởng lương như hiện nay thì tôi e không đủ để họ tận tâm phục vụ, tạo môi trường thông thoáng không có nhũng nhiễu phiền hà đối với doanh nghiệp như mong muốn”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top