Aa

Đại gia bất động sản “về quê khai hoang”

Thứ Ba, 15/01/2019 - 03:02

Không gian phát triển tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM không còn nhiều, các doanh nghiệp bất động sản chuyển hướng sang các thị trường tỉnh.

Sự phát triển mạnh mẽ, nhất là các khu công nghiệp, Thái Nguyên luôn là điểm đến của các đại gia bất động sản. Ảnh: Kim Đức

Sự phát triển mạnh mẽ, nhất là các khu công nghiệp, Thái Nguyên luôn là điểm đến của các đại gia bất động sản. Ảnh: Kim Đức

Đại gia bỏ phố về quê

Theo nhận định của các chuyên gia, tại khu vực phía Bắc, Quảng Ninh đang là điểm đến được nhiều doanh nghiệp bất động sản để mắt. Các ông lớn như Vingroup, Sun Group, FLC, BIM, HD Mon… đều đã có các dự án khủng tại địa phương này.

Cuối năm 2018, Tập đoàn FLC đã trình làng quần thể FLC Hạ Long gồm hệ thống sân gofl, biệt thự, condotel nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị quốc tế hiện đại quy mô 224ha trải rộng trên đồi Văn Nghệ thuộc địa phận bốn phường Hồng Hải, Hồng Hà, Hà Lầm và Hà Trung (TP. Hạ Long). Tập đoàn FLC đã rót khoảng 3.400 tỷ đồng vào dự án này, đồng thời thực hiện kế hoạch đầu tư tòa tháp đôi 50 tầng tại trung tâm TP. Hạ Long.

HD Mon Holdings cũng đưa ra thị trường dự án khu đô thị phức hợp Mon Bay Hạ Long tại trung tâm TP. Hạ Long. Dự án được xây dựng trên diện tích gần 20ha, tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng.

Ngoài Quảng Ninh, nhiều địa phương vùng ven Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… cũng đón nhận nhiều đại gia bất động sản về “khai hoang”.

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, tính đến hết năm 2018, địa phương này đã phê duyệt rất nhiều dự án bất động sản lớn nhỏ. Các hoạt động giao dịch mua bán bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền trong năm 2018 diễn ra rất sôi động.

Với vị trí thuận lợi, quỹ đất rộng, Bắc Giang đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư bất động sản.

Với vị trí thuận lợi, quỹ đất rộng, Bắc Giang đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư bất động sản.

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản Thái Nguyên năm 2019 hứa hẹn tiếp tục có những bước tiến đáng kể, đất nền tại các khu vực quanh nhà máy Samsung Phổ Yên sẽ tăng giá. Đặc biệt, năm 2020, khi thị xã Phổ Yên chính thức lên thành phố, đà tăng giá sẽ còn mạnh hơn. Đón đầu quy hoạch này, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đổ về đấy chọn quỹ đất để phát triển dự án. Đơn cử, Vinaconex 3 đã nhanh chân đầu tư Dự án khu dân cư Vinaconex 3 - Phổ Yên Residence.

Trước đó, “ông lớn” Vingroup cũng đã xuất hiện năm 2017 với “vị trí vàng” tại TP. Thái Nguyên.

Còn tại Bắc Giang, Dự án Apec Aqua Park của Apec Group đã đánh dấu bước chuyển trong xu hướng đầu tư mới: Đầu tư căn hộ khách sạn cao cấp, có yếu tố quản lý nước ngoài.

Không chọn đầu tư vào các thị trường lớn như Hà Nội hay TP.HCM, Apec Group tập trung phát triển tại các thị trường tỉnh, những nơi có tiềm năng phát triển và có quỹ đất sạch còn nhiều. Bên cạnh Apec Aqua Park tại Bắc Giang, Apec Group cũng đang “khai hoang” hàng loạt thị trường tỉnh khác như: Apec Royal Park Huế, Apec Royal Park Bắc Ninh, Apec Mandala Phú Yên, Hội An, Ninh Thuận, Vũng Tàu, Hải Dương…

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng giám đốc Apec Group cho biết, các doanh nghiệp chuyển hướng tìm đến thị trường bất động sản tỉnh và theo một cách tự nhiên, dòng vốn của nhà đầu tư thứ cấp cũng sẽ dịch chuyển về những thị trường đầy tiềm năng này.

Tại thị trường phía Nam, cuối năm 2018, UBND TP. Cần Thơ đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho liên danh ba công ty thuộc Tập đoàn Hải Phát (Hải Phát Invest) làm chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới An Bình 1, với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng.

Không chỉ các doanh nghiệp trên, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn khác cũng âm thầm thâu tóm quỹ đất ở các tỉnh để phát triển các dự án bất động sản. Cụ thể, Novaland, Nam Long, Hưng Thịnh, Thủ Đức House, LDG Group, Him Lam đều cho biết, trong năm 2019, sẽ ưu tiên săn quỹ đất đẹp để phát triển dự án ở các thị trường tỉnh vùng ven như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Phan Thiết.

Bên cạnh đó, các khu vực mới như Cần Thơ, Ninh Thuận, Hà Tiên, Phú Yên, Quảng Bình cũng được các chủ đầu tư chú trọng khai phá.

Làn sóng tất yếu

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hầu hết các doanh nghiệp cho biết, lý do họ chuyển hướng tới các thị trường tỉnh là do tại các thị trường truyền thống như Hà Nội, TP.HCM quỹ đất không còn nhiều, thủ tục pháp lý để triển khai dự án khó khăn, giá đất cao, nên lợi nhuận không còn hấp dẫn, trong khi tại các tỉnh, quỹ đất sạch lớn, giá thấp và tiềm năng phát triển còn nhiều.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, thị trường bất động sản TP.HCM hiện có xu thế hướng ra vùng ven rất rõ nét, do quỹ đất ở khu vực trung tâm không còn nhiều. Ngoài ra, TP.HCM đã đưa ra chính sách siết chặt cấp phép xây dựng dự án bất động sản ở khu trung tâm để đẩy mạnh chương trình giãn dân, nên các doanh nghiệp sẽ phải dịch chuyển ra ngoại ô để phát triển dự án.

Còn theo ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Hải Phát, quy mô thị trường bất động sản hiện nay không chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, mà đã mở rộng ra thị trường cả nước.

Thị trường bất động sản đang phát triển với độ phủ khá rộng, trong tương lai sẽ bao phủ tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Mặt khác, nếu như trước đây, người dân các tỉnh chưa quen với đầu tư bất động sản, thì hiện nay, họ đã dần quen với việc coi bất động sản như một kênh đầu tư, tích trữ tài sản và rất ưa chuộng loại hình đầu tư này.

Bên cạnh đó, để phát triển các dự án từ đầu tư bất động sản cần mất rất nhiều thời gian, thủ tục, chuẩn bị cho đầu tư, đền bù, lập quy hoạch thiết kế, giải phóng mặt bằng. Do đó, các doanh nghiệp phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để có các quỹ đất sạch triển khai dự án cho nhu cầu phát triển trung và dài hạn, 3 - 5 năm, thậm chí là 10 - 20 năm tới.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT HD Mon Holdings cũng cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay xuất hiện một xu hướng, là các nhà đầu tư rời xa các thành phố lớn để về các tỉnh đầu tư, xây dựng dự án. Nguyên nhân là do tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, hay các thành phố ven biển như Nha Trang, Đà Nẵng hiện nay để xin cấp phép cho một dự án rất khó khăn.

Bên cạnh đó, do hiệu suất đầu tư tại các địa phương này lớn, doanh nghiệp phải bỏ nguồn tiền đầu tư cao, song hiệu quả sinh lời không đạt kỳ vọng, tính thanh khoản khá chậm, khiến các chủ đầu tư không mấy mặn mà. Trái lại, khi đầu tư tại các dự án bất động sản tại các thị trưởng tỉnh, hiệu quả đầu tư cao hơn.

“Điển hình như tại Quảng Ninh, trong một vài năm trở lại đây, các chủ đầu tư đã để ý đến thị trường này và xem đây như một điểm đến đầu tư tiềm năng. Lý do là địa phương này có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện đại, chính sách của tỉnh tạo điều kiện tốt cho các nhà đầu tư”, ông Tuấn cho hay.

Về tiêu chí lựa chọn địa điểm đầu tư dự án, các doanh nghiệp địa ốc cho biết, dựa vào 3 yếu tố: Chiến lược phát triển của các địa phương; tiềm năng phát triển tốt về du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, khu chế xuất; tốc độ phát triển hạ tầng giao thông, sự gia tăng dân số.

Tại khu vực phía Bắc, các thị trường mới nổi như Quảng Ninh, Bắc Ninh đang là những địa phương rất thu hút các chủ đầu tư dự án. Trong đó, Quảng Ninh hiện đang đầu tư hạ tầng rất mạnh, du lịch tăng trưởng hàng năm, bất động sản chắc chắn sẽ là điểm đến rất hấp dẫn. Còn đối với Bắc Ninh, Thái Nguyên, các khu công nghiệp đang phát triển mạnh cũng là yếu tố giúp thị trường bất động sản phát triển tốt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top