Aa

"Đại gia" ngoại đầu tư vào ngân hàng Việt: Con đường nâng hạng thương hiệu được rút ngắn

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Sáu, 06/04/2018 - 06:00

Với khoản đầu tư lớn từ các "đại gia" ngoại, nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam bỗng “vừa có tiếng, vừa có miếng” sau cú hích lớn về nguồn vốn.

Đầu tư vào ngân hàng Việt: Xu thế của "đại gia" ngoại

Chưa đầy một tháng trước, giới đầu tư và các chuyên gia “bất ngờ” trước thông tin Công ty quản lý quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới Warburg Pincus đồng ý "rót" hơn 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) vào Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Trước đó, ngày 9/3, Tập đoàn tài chính Hana (Hàn Quốc) có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam bằng việc trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng BIDV. Theo đó, BIDV sẽ phát hành cổ phần cho đối tác Hàn Quốc để tăng vốn, từ đó cải thiện hệ số an toàn vốn đang tiệm cận mức giới hạn theo quy định.

Đầu tư vào ngân hàng Việt đã trở thành xu thế của đại gia ngoại.

Đầu tư vào ngân hàng Việt đã trở thành xu thế của "đại gia" ngoại.

Nhìn về giai đoạn vài tháng trước, cuối năm 2017, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) cũng gây chú ý khi có thông tin ký xong hợp đồng bán 4,99% vốn sau phát hành cho Quỹ đầu tư PYN Fund Management (Phần Lan), trị giá gần 40 triệu USD.

Trước TPBank, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) gây “sốc” với thương vụ nổi bật khi thông tin gần 50 nhà đầu tư nước ngoài đặt mua cổ phiếu cao gấp bốn lần lượng chào bán. Nhờ thương vụ này, VPBank đã thu về 250 triệu USD. 

Vietcombank cũng có kế hoạch bán hơn 350 triệu cổ phiếu (tương ứng 10% cổ phần) cho nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2018.

Chỉ trong vòng 2 năm, thị trường được chứng kiến liên tiếp các thương vụ "đại gia" ngoại nhảy vào "mảnh đất màu mỡ" là ngân hàng thương mại nội địa. Thực tế này phần nào chứng tỏ rằng, thị trường ngân hàng Việt thực sự trở thành “miếng bánh hấp dẫn" trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. 

Được gì khi các “ông lớn” rót tiền?

Ngay sau thông tin nhà đầu tư ngoại rót vốn vào các ngân hàng thương mại Việt, như một phản ứng dây chuyền, giá cổ phiếu của các ngân hàng này đã gia tăng đáng kể.

Ở thời điểm hiện tại, dù Techcombank chưa chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán song nhiều chuyên gia đã nhận định rằng, giá cổ phiếu chào hàng của Techcombank sẽ giữ ở mức cao.

Công ty Chứng khoán HSC (Sài Gòn) còn đưa ra dự đoán: “Một khả năng đặt ra là Techcombank bán toàn bộ hoặc phần lớn trong số 93,24 triệu cổ phiếu (tương đương 9,39% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) trong đợt 1 bán cổ phiếu quỹ cho Warburg. Nếu giả định này là đúng, giá bán có thể là khoảng 90.000 đồng/cổ phiếu”.

Nếu mức cổ phiếu tham chiếu là 90.000 đồng/cổ phiếu như dự đoán của Công ty Chứng khoán HSC thì Techcombank sẽ trở thành ngân hàng có mức giá cổ phiếu cao nhất trong toàn ngành ngân hàng bởi giá cổ phiếu của ngân hàng hiện đang đứng đầu hệ thống là Vietcombank (Mã: VCB) mới chỉ dao động ở mức 70.000 đồng/cổ phiếu, thời điểm cao nhất tính đến hiện tại là 74.700 đồng/cổ phiếu (giá cổ phiếu ghi nhận vào ngày 16/3 vừa qua).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một ví dụ điển hình thứ hai là ngân hàng VPBank. Trước thời điểm phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, thông tin 50 nhà đầu tư nước ngoài đặt mua cổ phiếu VPB đã đẩy giá cổ phiếu tham chiếu của ngân hàng này lên tới 39.000 đồng/cổ phiếu, chỉ thấp hơn so với mã cổ phiếu của Vietcombank thời điểm lên sàn.

Mặc dù ở giai đoạn sau, giá cổ phiếu của VPBank bị hạ thấp và phải mất khoảng một thời gian ngắn mới quay lại vị trí khởi đầu song không thể gạt bỏ một sự thật rằng: nguồn vốn đầu tư vào ngân hàng của "đại gia" ngoại như một cú hích đẩy giá cổ phiếu lên.

Cùng với nguồn đầu tư từ các ông lớn nước ngoài là sự hình thành những khoản thặng dư lớn mà trước đây các ngân hàng Việt đã từng nỗ lực rất nhiều năm nhưng con số tăng vốn đó khó có thể thực hiện được trong thời gian ngắn.

Tỷ lệ thuận với giá cổ phiếu và khoản thặng dư tăng là thước đo thương hiệu của các ngân hàng cũng nâng bậc đáng kể. Không là nói quá nếu cho rằng nhờ nguồn vốn ngoại mà một số ngân hàng thương mại Việt Nam đã được nâng hạng trong danh sách đánh giá về chất lượng ngân hàng của các tổ chức uy tín thế giới như S&P, Moody's vào thời điểm năm 2017 và đầu 2018.

Bên cạnh những lợi ích về thương hiệu mà nhà "đầu tư ngoại" mang đến, các ngân hàng thương mại trong nước cũng buộc phải đặt vào tình thế "phải nâng cấp" nhằm đáp ứng những cam kết trong quản trị điều hành, chuyển giao các công nghệ với "đại gia" ngoại.

Trước khung tiêu chí quốc tế, ngân hàng thương mại Việt Nam phải chuyển mình liên tục và cải tiến để đáp ứng sự đánh giá khắt khe của các tổ chức xếp hạng ngân hàng lớn trên thế giới cũng như hạng mức tín nhiệm trong nước. 

Trên góc độ tổng quan, rõ ràng rằng, lợi thế khi các nhà đầu tư ngoại rót vốn vào ngân hàng Việt Nam được hiện thực hóa trên từng con số. Tuy nhiên, làm thế nào để giữ chân nguồn vốn đó thì lại là bài toán nan giải khi thực tế, không ít các nhà đầu tư ngoại đã "rút chân" sau một thời gian đầu tư, kèm theo đó là sự biến động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của ngân hàng.

Song, một số chuyên gia cho rằng, hiện tượng này hoàn toàn là bình thường bởi ngân hàng mẹ buộc phải trích lập quỹ dự phòng đối ứng với nguồn đầu tư ngoại. Và xu thế nhận đầu tư ngoại vào ngân hàng Việt luôn được đánh giá cao bởi nó được ví như làn gió mới góp phần cải thiện chất lượng ngân hàng Việt và đẩy mạnh tính thanh lọc thị trường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top