Aa

Dân "cược mạng sống" vào ở trong dự án 317 Trường Chinh chưa nghiệm thu PCCC?

Thứ Tư, 28/08/2019 - 09:00

Vụ việc tranh chấp đồng chủ đầu tư chưa đi đến hồi kết, Công ty Tân Hồng Hà tiếp tục bị chủ đầu tư và khách hàng “tố” lừa đảo chiếm đoạn tài sản khi bán căn hộ cho nhiều người. Trái lại, khách hàng còn bị công ty này “lùa” vào ở, bất chấp nguy cơ cháy nổ xảy ra.

Bán căn hộ trái phép, tự ý “lùa” dân vào ở?

Ông Hoàng Kim Đồng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn Đầu tư dự án quốc tế ICC (Công ty ICC) cho biết, từ tháng 8/2015 đến nay, ông Nguyễn Minh Khoa và bà Lại Kim Trang lấy danh nghĩa Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư xây dựng Tân Hồng Hà (Công ty Tân Hồng Hà) bán trái pháp luật nhiều căn hộ chung cư và diện tích sàn thương mại tại dự án Khu siêu thị văn phòng giao dịch thương mại và nhà ở – gọi tắt là Dự án (tại số 317 đường Trường Chinh, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) cho nhiều tổ chức, cá nhân dưới danh nghĩa “được ủy quyền”, “đồng chủ đầu tư”, “chủ đầu tư” và thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Hiện tại, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đang thụ lý và chuẩn bị đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư” giữa bên nguyên đơn là Công ty Tân Hồng Hà và bị đơn Công ty ICC. Trong một diễn biến khác, Công ty ICC cũng đang tố cáo ông Nguyễn Minh Khoa và bà Lại Kim Trang có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến giao dịch bán một căn hộ cho nhiều người.

Bảo vệ tòa nhà cho biết, hiện có gần 20 hộ dân được tạo điều kiện vào “ở chui” trong công trình (vòng tròn đen) và dễ dàng thoát nạn khi bị lực lượng chức năng kiểm tra. (Ảnh: Hà Cường)

Ông Hoàng Kim Đồng cho biết, mặc dù Công ty ICC là chủ đầu tư hợp pháp của Dự án (theo Quyết định số 9603/QĐ-UB ngày 29/12/2004 của UBND TP. Hà Nội), thế nhưng Công ty Tân Hồng Hà đã tự ý cho khoảng 20 hộ dân nhận nhà vào ở tại chung cư.

Điều này tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ cháy nổ gây nguy hiểm đến tính mạng người dân. Bởi vì, Dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC) và chưa đủ điều kiện đưa vào sử dụng.

Đại diện công ty ICC cho biết toàn bộ phần căn hộ mà Tân Hồng Hà đã bán trái phép là thuộc sở hữu của công ty Linh Anh. Do mục đích thu tiền được của khách hàng mà Tân Hồng Hà cho người dân vào ở trái phép! Đồng thời, Công ty Tân Hồng Hà để người dân vào ở dường như muốn lấp liếm vai trò thực sự chỉ là nhà thầu thi công và coi như mình là “đồng chủ đầu tư” hay “chủ đầu tư” của Dự án.

Ông Hoàng Kim Đồng lo ngại, việc cho người dân vào ở khi công trình chưa được nghiệm thu PCCC thì trong trường hợp xấu nếu xảy ra cháy nổ và ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân, Công ty ICC với vai trò là chủ đầu tư hợp pháp của Dự án chắc chắn sẽ bị liên đới trách nhiệm. Bởi vậy, ông Đồng rất bức xúc cho rằng, Công ty Tân Hồng Hà đang coi thường mạng sống của cư dân, cũng như quyền lợi của Công ty ICC.

Phường "nỗ lực" kiểm tra, công trình "chưa đưa vào sử dụng"?

Ghi nhận thực tế tại dự án, tại tầng 2 tòa nhà, có một siêu thị Đông Nam (đã chứa nhiều hàng hóa) chuẩn bị hoạt động rầm rộ. Dưới tầng 1, một nhà hàng lẩu nướng cũng đã đi vào kinh doanh, khách hàng ra vào nườm nượp. 

Trao đổi với phóng viên Reatimes, ông Đinh Văn Hải – Chủ tịch UBND phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) cho biết, trước đó phường có nắm được thông tin phản ánh trên và một tổ công tác của phường đã xuống kiểm tra. Tuy nhiên, điều bất ngờ là lực lượng chức năng không phát hiện được các cơ sở kinh doanh tại tòa nhà đang hoạt động.

Thời điểm kiểm tra vào ngày 20/8/2019 ghi nhận, tầng 1 chung cư có một nhà hàng nhưng chưa đưa vào hoạt động. Tại tầng 2, đã đặt các quầy kệ làm siêu thị và đã có một phần hàng hóa. Tại tầng 4, có một văn phòng của Công ty Đông Nam.

Nhà hàng lẩu nướng tại tầng 1 Chung cư 317 Trường Chinh hoạt động tấp nập sau ngày lực lượng UBND phường kiểm tra vào ngày 20/8/2019. (Ảnh: Hà Cường)

Theo lý giải của lãnh đạo phường, cơ sở kinh doanh chỉ khai trương lấy ngày và không hoạt động. Khoảng 20 hộ dân vào căn hộ chỉ là hoàn thiện nội thất?

Vậy nhưng, tại Biên bản kiểm tra công tác PCCC tại Dự án vào ngày 20/8/2019 lại thể hiện, ngày 7/8/2019, Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an quận Thanh Xuân kiểm tra, công trình chưa đáp ứng đủ điều kiện về PCCC. Ngày 11/8/2019, nhà hàng lẩu nướng ở tầng 1 tòa nhà được khai trương hoạt động. Một ngày sau, cơ sở kinh doanh này tiếp tục bị kiểm tra và có bản cam kết không hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC.

Điều đáng nói, sau ngày lực lượng chức năng phường Khương Trung kiểm tra (ngày 20/8/2019), thì cơ sở kinh doanh lẩu nướng tại tầng 1 chung cư này vẫn hoạt động tấp nập. Bảo vệ tòa nhà còn tiết lộ, hiện có gần 20 hộ dân được tạo điều kiện vào “ở chui”. Nhiều ngày qua, vào buổi tối một số căn hộ đã sáng đèn. Mặc dù lực lượng chức năng phường đến kiểm tra nhưng việc này vẫn "trót lọt" dễ dàng.

“Tối 26/8/2019, đồng chí Phó Chủ tịch phường ra kiểm tra cũng không phát hiện gì. Lần trước kiểm tra, chúng tôi có gửi giấy mời nên có thể bị đánh động. Ngay trong ngày 27/8/2019, chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra bất ngờ”, ông Hải giải thích.

Ai phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra cháy nổ?

Trên thực tế, thời gian qua đã có hàng loạt vụ hỏa hoạn xảy ra tại các chung cư cao tầng, gây thiệt hại lớn về con người và tài sản. Đơn cử, ngày 23/3/2018, tại quận 8 (TP. HCM), vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư Carina Plaza đã khiến 13 người chết, trên 60 người bị thương. Quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện có nhiều sai phạm về công tác PCCC tại chung cư này.

Sau đó, cơ quan điều tra đã truy tố hai bị can Nguyễn Văn Tùng (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Sản xuất Hùng Thanh - chủ đầu tư Chung cư Carina) và Nguyễn Quốc Tuấn (nguyên Trưởng ban quản lý Chung cư Carina) về tội “vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.

Còn tại Hà Nội, chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên thảm kịch hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra tại quán karaoke (địa chỉ 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) khiến 13 người tử vong và nhiều người bị thương. Theo Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội, mặc dù quán karaoke chưa được nghiệm thu về PCCC, nhưng đã hoạt động, kinh doanh.

Chỉ 2 dẫn chứng trên đã đủ thấy được hậu quả khôn lường từ việc sử dụng công trình khi chưa đảm bảo về PCCC. Thế nhưng, rõ ràng là có nhiều chủ đầu tư, chủ công trình vẫn cố tình vi phạm và đang đùa giỡn với tính mạng người dân.

Hình ảnh bà hỏa bao trùm chung cư Carina Plaza tại quận 8 (TP. HCM) vào ngày 23/3/2018, đã khiến 13 người chết, trên 60 người bị thương.

Để phòng ngừa, ngăn chặn tình hình cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra tại khu dân cư, ngày 5/12/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg, yêu cầu tăng cường công tác PCCC tại khu dân cư.

Chỉ thị trên nêu rõ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC đối với khu dân cư, cơ sở thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý... Chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá, phân loại địa bàn trọng điểm, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao cần tăng cường quản lý nhà nước về PCCC. Chỉ thị cũng nêu rõ trách nhiệm của UBND khi để xảy ra cháy, nổ trên địa bàn quản lý.

Tại hội nghị sơ kết công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ 6 tháng đầu năm 2019 vào ngày 10/7/2019, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị, thời gian tới, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ; huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng vào cuộc đối với công tác này.

Chỉ đạo là vậy, thế nhưng, không hiểu sao các cấp quản lý chính quyền địa phương vẫn để xảy ra tình trạng người dân kéo nhau vào ở tại các khu chung cư cao tầng không đảm bảo điều kiện PCCC. Hay là, chỉ đến khi có cháy nổ, thiệt hại về con người và tài sản, lúc đó những nhà quản lý mới vội vàng đi “chữa cháy”, rồi tiếp tục “rút kinh nghiệm”,… Vậy, nguyên nhân ở đây là gì?

Còn nhớ, tại Chỉ thị 11/CT-UBND ngày 3/7/2019 do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành, đã phần nào chỉ rõ nguyên nhân để tình trạng mất an toàn, diễn biến về tình hình cháy nổ trở nên phức tạp như hiện nay.

Theo đó, nguyên nhân được chỉ ra là do ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của người đứng đầu cơ sở chưa cao và công tác quản lý Nhà nước về PCCC đối với cơ sở, tại khu dân cư còn những hạn chế nhất định. Vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị chưa quyết liệt, thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu “buông lỏng” trong quản lý. Đồng thời cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm túc, triệt để…

Quay trở lại vấn đề nóng bỏng tại dự án 317 Trường Chinh, có lẽ ngay lúc này UBND TP. Hà Nội cần có chỉ đạo kịp thời và cấp cơ sở là UBND quận Thanh Xuân, UBND phường Khương Trung nên vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm và có biện pháp ngăn chặn. Từ đó, pháp luật được đảm bảo sự nghiêm minh và tránh được hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top