Aa

Đàn ông nấu cỗ

Chủ Nhật, 03/02/2019 - 06:00

Cái làng “Đông Bắc Cao Mật” ven sông Hồng quê tôi vẫn còn giữ lệ đàn ông nấu cỗ và bày cỗ. Nhà ai có việc hiếu việc hỉ, trong làng luôn có đội nấu cỗ sẵn sàng.

Nhớ lại từ thủa nhỏ đi ăn cỗ, thường hay lỉnh xuống khu nhà ngang là khu nhà người ta hay nấu cỗ để xem trai làng bày cỗ, nói thẳng là đói, được các anh dúi cho cái chân gà hay miếng cật, thấy rặt toàn đàn ông mặt mũi bặm trợn, ngày thường các thánh này toàn đón đường trêu gái học trường cấp ba, tối thì đón đánh trai lạ đến tán gái làng. Ấy thế mà hôm nay lành đến lạ, bàn tay thô kệch nay đơm xôi cúng một cách nhẹ nhàng, nắn nót. Cái tay cầm côn nhị khúc múa như Lý Tiểu Long tối trước thì nay chặt gà thoăn thoắt, miếng nào ra miếng ấy. Lạ…

Chưa kịp lớn thì tôi rời quê ra đô thị, đời trai phiêu bồng lang thang, thỉnh thoảng cũng về làng mỗi năm chục bận nhưng khi đi ăn cỗ thường được mời vào trong nhà hay giữa rạp, ăn xong rồi “tếch” nên không chú ý chuyện cỗ bàn có món gì.

Đàn ông bày cỗ làng tôi có tích của nó. Đơn giản mà nhiêu khế thế này…

Nhâm nhi chén trà cuối năm với các cao niên làng hay diện quần ta, áo mặc cũ của con đi làm thành phố thải về mới hay làng tôi coi trọng việc cỗ bàn lắm lắm. Việc to của nhà không bao giờ để đàn bà làm, người ta kiêng trong số đàn bà đến làm giúp mà chẳng may có ai “bẩn mình” thì việc cỗ không được sạch. Vậy thì đàn ông làm.

Đàn ông nấu cỗ (ảnh minh họa)

Đàn ông nấu cỗ

Nhưng để được cỗ ngon thì thật là nhiêu khê. Nhớ là cỗ làm cho thiên hạ ăn, người ta ăn xong người ta khen thì mới được, mới thể hiện đẳng cấp gia thế, cỗ nhà ai không ngon thì nhà ấy đẳng cấp kém, lần sau có mà… các cụ thèm vào đến. Đám mà không thỉnh được các cụ cao niên đến ăn thì coi như bỏ, vậy các ngữ đàn ông làng tôi phải làm sao?

Học, học lẫn nhau, anh nọ học anh kia. Làng tôi có nhà năm anh em trai, đám cỗ nào mời được đủ năm ông ấy thì yên tâm, gia chủ mặt tươi như hoa, miệng chém gió như các anh chị làm công tác đoàn hay tuyên giáo, tay chỉ cầm ly rượu dạo quanh rạp mà nhìn khách sì sụp, hỉ hả. Đàn ông bày cỗ trước nhất phải có sức khỏe và khéo tay. Hãy tưởng tượng rằng, nhà có cỗ đông ăn hai ba ngày cần mổ chục con lợn tạ, vài trăm con gà cồ… tay các ông ấy làm thoăn thoắt, rồi còn rau nộm… đủ 12 món. Mâm cỗ bưng lên thật đẹp như mâm hoa, trông vào các bà thì sức đâu mà chọc tiết lợn tạ, vật bò… các bà ấy à, các bà chỉ iu tiên cái món… vặt lông gà ngoài ao. Người trước chuyền người sau, những anh đàn ông ở làng giờ đây ai cũng khéo bày cỗ, lạ thế.

Hôm rồi rảnh về ăn cỗ cưới đứa cháu họ. Vui chân tạt xuống nhà ngang... vẫn thấy cảnh bày cỗ thủa ngày xưa, các mâm chạy dài trên dóng cỗ. Những bàn tay đàn ông thoăn thoắt chặt thịt gà tăm tắp, múa đũa xào mực với cần tây thơm nức. Tôi hỏi anh T. cựu bày cỗ nay ngoại thất tuần, giờ có dịch vụ nấu cỗ thuê nhan nhản đầy phố chợ, sao không thuê mà để anh em nấu làm gì cho khổ. Anh T. cau mặt gắt: “Hây dà, tưởng chú ăn học thế nào, việc cỗ bàn quan trọng sao lại đi thuê, để cái lũ đàn ông trong làng này làm gì. Nhà ai có việc, xúm lại nấu cỗ mới tình cảm chứ!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top