Aa

Đánh thuế tài sản: Nên dời lại thời điểm sau 2020, áp dụng trên cả nước

Thứ Bảy, 18/11/2017 - 05:51

Đó là quan điểm của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) tại văn bản số 131/CV-HoREA gửi Thủ tướng chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà Nước, kiến nghị chưa thí điểm thu thuế tài sản trên địa bàn TP.HCM vào thời điểm này.

Chưa nên thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản

HoREA đề nghị cơ quan quản lý nên xem xét thật cẩn trọng, chưa nên thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản trên địa bàn TP.HCM tại thời điểm hiện nay, mà nên dời lại thời điểm sau năm 2020 thì phù hợp hơn. Và nếu thực hiện thì áp dụng đồng thời trên cả nước, không nên thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản chỉ riêng tại TP.HCM hoặc bất cứ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào.

Theo lý giải của HoREA, nền kinh tế đất nước và thị trường bất động sản vẫn còn đang trong quá trình phục hồi và tăng trưởng, nhưng chưa thật sự vững chắc. Giá nhà vẫn còn rất cao, gấp khoảng trên dưới 25 lần thu nhập trung bình của xã hội (trong khi ở các nước phát triển thì biên độ này chỉ khoảng từ 5 - 7 lần), thu nhập của người dân nhìn chung vẫn còn thấp và chưa thật ổn định.

Nếu thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản có thể giúp tăng thêm nguồn thu ngân sách thành phố, nhưng sẽ tạo ra hệ quả rất lớn là sẽ làm giá nhà, đất của TP.HCM tăng lên

Nếu thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản có thể giúp tăng thêm nguồn thu ngân sách thành phố, nhưng sẽ tạo ra hệ quả rất lớn là sẽ làm giá nhà, đất của TP.HCM tăng lên.

Đối với TP.HCM, HoREA cho rằng mặc dù tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh hàng năm, thu nhập GDP đầu người hiện đã vượt mức 5.000 USD/người, và dự kiến sẽ vượt mức 10.000 USD/người vào năm 2020, nhưng chi phí thực tế để đảm bảo nhu cầu cuộc sống tại thành phố vẫn rất đắt đỏ so với các tỉnh, thành khác. 

Nếu thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản có thể giúp tăng thêm nguồn thu ngân sách thành phố, nhưng sẽ tạo ra hệ quả rất lớn là sẽ làm giá nhà, đất của TP.HCM tăng lên, kể cả giá đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng tăng lên. Đẩy giá thành, giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tăng theo, làm cho chi phí cuộc sống đắt đỏ hơn nữa, đặc biệt là tác động làm giảm sức cạnh tranh của thành phố, bởi lẽ các địa phương khác chưa thực hiện đánh thuế tài sản.

Mặt khác, HoREA cũng đề nghị dự thảo thuế tài sản cần được xem xét tổng thể trong việc cấu trúc lại hệ thống và chính sách thuế một cách đồng bộ, để tránh tình trạng tận thu, hoặc thuế chồng thuế. Hiệp hội nhận thấy giá nhà, đất hiện đang cao so với thu nhập của người dân, mà một nguyên nhân là do chính sách thuế, chính sách thu tiền sử dụng đất.

"Tiền sử dụng đất" mặc dù không gọi là thuế, nhưng là một khoản nộp vào ngân sách nhà nước rất lớn. Thông thường, "tiền sử dụng đất" chiếm khoảng trên dưới 10% giá căn hộ chung cư; chiếm khoảng trên dưới 30% giá nhà phố; chiếm khoảng trên dưới 50% giá nhà biệt thự. Do vậy, khi áp dụng sắc thuế tài sản, thì phải đồng thời thay đổi chính sách thu tiền sử dụng đất theo hướng giảm đi", HoREA kiến nghị.

 Nên tăng từng bước thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Cũng liên quan đến những vướng mắc trong chính sách thuế hiện nay, trao đổi bên lề Diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên lần I, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng: Thuế chuyển quyền sử dụng đất hiện nay có quy định nếu trên hợp đồng cao hơn giá nhà nước thì đánh theo giá trên hợp đồng, thấp hơn giá nhà nước thì đánh theo giá nhà nước.

GS. Đặng Hùng Võ đề xuất nên tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp lên từng bước.

GS. Đặng Hùng Võ đề xuất nên tăng từng bước thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Theo ông Võ, đây là quy định rất không đúng. Bởi vì sẽ dẫn đến tình trạng ghi không đúng giá trên hợp đồng, như vậy tại Việt Nam sẽ không bao giờ nhìn thấy giá thực trên thị trường.

“Chúng ta chỉ có thể làm cho hợp đồng chuyển nhượng ghi đúng giá thì mới có căn cứ về giá thị trường. Cho đến hiện nay, Việt Nam không nhìn được giá thị trường trừ 1 số trường hợp rất ít có đấu giá nhưng dù như vậy cũng không phải giá thị trường thật mà đấu giá là bởi nguồn cung một lúc ồ ạt. Chuyển nhượng bình thường từng trường hợp mới phản ánh đúng giá thị trường”, ông Võ cho biết.

Theo GS. Võ chỉ cần nhà nước đánh thuế vào việc chuyển quyền theo giá nhà nước. Khuyến khích viết giá thật. “Điều này rất có ý nghĩa với thị trường bởi vì chúng ta có thể có được cơ sở dữ liệu về giá đất, giá bất động sản trên thị trường rất dễ dàng. Còn nếu cứ viết theo kiểu kia thì không bao giờ thiết lập được giá trên hợp đồng, đồng nghĩa với việc không thể có dữ liệu giá đất trên thị trường”, ông Võ nói.

Ông Võ cho biết thêm: "Nhiều khi có trường hợp chúng ta miễn thuế như sử dụng đất nông nghiệp hiện nay, gần như chúng ta miễn thuế hoàn toàn. Nhưng không biết rằng, miễn thuế có tích cực là giảm đóng góp của nông dân, người nghèo nhưng có tiêu cực là rất nhiều người bỏ ruộng vì không phải nộp đồng thuế nào cả, làm hay không làm không quan trọng, miễn là kiếm được việc phi nông nghiệp nào đó và lập tức đất nông nghiệp bị bỏ hoang, cũng không cần cho thuê. Việc này cần tư duy lại vấn đề miễn thuế, sẽ là tốt nếu đối với người có thu nhập thấp nhưng phải có biện pháp về thuế trong trường hợp bỏ hoang, lãng phí nguồn lực”.

“Cách thức tốt nhất hiện nay là nên tăng từng bước thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, đây là điều cần thiết bởi làm cho tính công bằng trên thị trường tốt hơn. Người ta cứ tưởng tăng thuế này lên thì giá đất tăng lên nhưng không phải, thực chất sẽ làm giá đất giảm xuống. Đó là hiệu ứng mà mọi người không hiểu”, ông Võ đề xuất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top