Aa

Đánh thuế tài sản với bất động sản: Làm gì để tạo được sự đồng thuận?

Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Hai, 24/12/2018 - 06:00

Dự thảo Luật thuế tài sản khiến dư luận một lần nữa “dậy sóng” khi gần như tất cả nhà ở trong các đô thị lớn đều phải nộp thuế. Đã có nhiều lo ngại về những kịch bản mà người dân cũng như thị trường bất động sản phải đối mặt nếu dự luật này được áp dụng ngay.

Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này đề xuất sẽ đánh thuế tài sản đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp nhưng sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc để ở.

Nhà và công trình trên đất có giá trị trên 700 triệu đồng trở lên sẽ bị đánh thuế. Mức thuế suất dự kiến ở mức 0,3% hoặc 0,4%. Dự thảo Luật thuế tài sản của Bộ Tài chính nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân và giới chuyên gia.

Việc đánh thuế với bất động sản là cần thiết

Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, trên thế giới thuế tài sản là một luật thuế khá phổ biến. Tính ra có khoảng 174 nước trên thế giới có luật thuế này. Trong đó, phổ biến nhất là thuế về nhà và đất. “Bất động sản ở hầu hết các nước đặc biệt là đất đai, người ta đều coi đó là những tài sản quốc gia và số lượng của nó là hữu hạn. Và mọi người dân đều có quyền tiếp cận những tài sản này. Chính vì vậy phải sử dụng một yếu tố về thuế để điều tiết việc sử dụng sao cho hiệu quả nhất, tránh lãng phí”, ông Cường cho hay.

Bên cạnh đó, theo ông Cường, mục đích chính của đánh thuế không nhằm tăng thu mà để điều tiết hành vi sử dụng đất một cách tiết kiệm, hiệu quả, chống sử dụng lãng phí hoặc đầu cơ trục lợi. Việc điều tiết nó không chỉ mang lại lợi ích cho người yếu thế của xã hội để họ có cơ hội tiếp cận nhà ở mà đồng thời mang lại nguồn thu khá lớn cho ngân sách.

PGS.TS Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, việc đánh thuế sẽ không làm tăng giá nhà, thậm chí, đánh thuế tài sản có thể khiến giá nhà giảm đi. Đây là bằng chứng mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Vì có thuế nên không phải công dân nào cũng giữ ngôi nhà khi không có nhu cầu sử dụng. Ở các nước, khi mua đi bán lại bất động sản cũng đánh thuế để chống đầu cơ.

Việt Nam đang là nước thu nhập chưa cao, thậm chí chúng ta cũng chỉ vừa thoát khỏi ngưỡng nghèo và đang ở ngưỡng trung bình nhưng thấp. Tuy nhiên, giá nhà đất của chúng ta lại rất cao, thậm chí nếu tính tương quan giá nhà đất với thu nhập ở Việt Nam là cao nhất. Nguyên nhân là bởi tình trạng đầu cơ, đẩy giá bất động sản, đẩy giá nhà lên.

Dân số đông, nhu cầu sở hữu nhà đất lớn nhưng số lượng nhà ở đất đai có hạn, nếu một nhóm người chiếm hữu quá nhiều sẽ khiến nguồn cung ít đi. Trong khi nhu cầu nhiều lại là nguyên nhân khiến giá tăng, người đầu cơ hưởng lợi, vô hình trung khuyến khích thúc đẩy đầu cơ. Trong bối cảnh đó, nếu như thuế tài sản điều tiết được hành vi chiếm hữu này, hạn chế những người chiếm hữu quá nhiều bất động sản sẽ tạo cơ hội tiếp cận nhà đất cho những người không có nhiều tiền.

…nhưng cần “nhắm” đúng đối tượng

PGS.TS Hoàng Văn Cường khẳng định, đánh thuế tài sản cần phải hướng vào trúng đối tượng thì mới đạt được mục tiêu là điều tiết thị trường : “Khi người ta xây nhà đã phải nộp thuế cho vật liệu, hay thuế trong quá trình xây dựng, chuyển đổi. Nếu đánh thuế vào diện tích nhà đó mà lại là diện tích nhà thiết yếu đang sử dụng để ở thì điều đó có lẽ không phù hợp. Do đó, chỉ nên đánh thuế vào nhà ở đầu cơ, tích trữ thì mới điều tiết được thị trường. Phải đánh thuế thì những người không có nhu cầu sử dụng nhà mà chỉ tích trữ tài sản họ sẽ có nhu cầu bán đi. Như vậy, nguồn cung cho thị trường sẽ tăng lên, sẽ có nhiều người có cơ hội tiếp cận nhà hơn”.

Nếu hiện nay chúng ta áp dụng thuế với các bất động sản từ 700 triệu đồng thì phần lớn các ngôi nhà đều phải chịu thuế. Theo đó, vị chuyên gia này đề xuất, nên xem xét mức đánh thuế từ mức giá trị tài sản trung bình của xã hội. Những ai sở hữu tài sản có giá trị trên mức trung bình xã hội thì mới phải nộp thuế, dưới mức đó thì không cần thiết. Còn nếu chỉ hướng vào việc cứ có nhà, có đất là phải nộp thuế thì tất yếu nó sẽ tác động xấu đến nhóm đối tượng thu nhập thấp và ý nghĩa điều tiết của luật thuế này sẽ không còn nữa. “Người ta kiếm được chỗ ở đã khó, nay còn chồng thêm thuế nữa thì họ sẽ khó lòng chấp nhận”.

Ông Cường phân tích thêm, nếu áp dụng một cách đại trà, người dân phải đóng vài triệu mỗi năm trong bối cảnh thu nhập bình quân hiện nay đang ở mức 2.400USD/ năm thì sẽ tạo sức ép quá lớn. Ngoài ra nếu thu đại trà như hiện nay thì chi phí cho công tác thu phí cũng sẽ rất lớn.

Phải có cơ chế công khai, minh bạch việc thu thuế

Bên cạnh đó, PGS.TS Hoàng Văn Cường nhận định, nếu không có cơ chế chặt chẽ, ắt sẽ dẫn đến câu chuyện lách luật, trốn thuế khi luật này được ban hành.

“Nhà nào là nhà dưới 700 triệu đồng, có thể 1 căn chung cư rất bình thường có giá trên 700 triệu đồng nhưng 1 căn biệt thự rất đẹp lại có giá dưới 700 triệu đồng. Để trốn thuế chắc chắn người ta sẽ không bao giờ kê khai đúng giá trị của căn nhà mà sẽ đánh giá giá trị căn nhà thấp hơn so với ngưỡng chịu thuế. Và khi xác định giá trị tài sản sai lệch như vậy thì sẽ dẫn đến hiện tượng có những tài sản lẽ ra phải chịu thuế cao nhưng lại không bị thu thuế.

Vậy vấn đề đặt ra là phải định giá tài sản theo khung  giá thị trường hay giá nhà nước? Con số 700 triệu đồng ấy là bao gồm cả giá trị của miếng đất mà ngôi nhà tọa lạc hay chỉ đơn thuần là giá trị ngôi nhà? Nếu không biết được giá trị thì sẽ không tính được thuế. Còn giá trị xác định không đúng thì thuế sẽ sai.

Do vậy, cần phải có một cơ chế, một cơ quan độc lập chuyên trách về việc định giá nhà đất sao cho đúng với giá trị tài sản đó trên thị trường. Cơ quan này phải chịu trách nhiệm nếu đánh giá sai. Đồng thời trong quá trình đó, phải có sự tham gia của người dân, của cả cộng đồng dân cư. Tôi cho rằng đó là yêu cầu tất yếu.

Ngoài ra, các đối tượng còn có thể lách luật bằng cách phân tán tài sản cho nhiều người đứng tên để thoát khỏi ngưỡng phải chịu thuế. Do đó, đi kèm theo Luật thuế tài sản này, cần phải có một quy định pháp luật về công nhận và ràng buộc sở hữu chính danh. Nếu như cố tình lách luật bằng cách cho người khác đứng tên thì về mặt pháp lý, phải công nhận tài sản đó là của người khác. Và như vậy, người này sẽ có nguy cơ bị mất tài sản cho nên họ sẽ phải nộp thuế để sử dụng tài sản thay vì cho người khác đứng tên thay.

Để luật thuế tài sản được thực thi một cách có hiệu quả và tạo được sự đồng thuận, PGS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, cần phải hoàn thiện các cơ sở điều kiện liên quan như hệ thống thông tin dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản và các quy định pháp luật bổ trợ. Khi chưa có hệ thống thông tin, khó có thể thực hiện đánh thuế một cách công minh và đúng mục đích.

Để làm được thì điều đầu tiên đặt ra đó là vấn đề liên quan đến việc bắt buộc và tạo điều kiện cho người dân đăng kí tài sản, cụ thể là đăng kí nhà và đất. Bên cạnh đó phải công khai thông tin thuế của từng nhà. Bản thân người dân sẽ là người giám sát xem đánh giá thuế như thế có đúng hay không, hợp lý hay không. Đồng thời, thuế tài sản phải để cho chính quyền địa phương trực tiếp thu và quản lý, sử dụng để tái tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ cho sự phát triển cho địa phương đó và cần phải công khai, minh bạch thu, chi. Có như vậy, người dân mới đồng thuận và sẵn sàng nộp thuế.

Thiết kế: Đức Anh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top