Aa

Đất công ích biến thành đất thương mại mà không cần đấu giá?

Thứ Sáu, 06/09/2019 - 15:00

Làm thế nào để "biến hình" một mảnh đất “vàng” phục vụ công ích thành dự án nhà ở thương mại mà không cần qua đấu giá? Hãy tìm câu trả lời tại Dự án nhà ở số 90 Nguyễn Tuân (Hà Nội)...

Lập lờ xin chuyển đổi

Dự án nhà ở số 90 Nguyễn Tuân (Hà Nội) từng được cho phép thực hiện, với mục đích là xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco). Công văn số 10089/UBND-QHXDGT ngày 17/12/2012, UBND TP. Hà Nội thông báo chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất của Transerco, chỉ định nhà đầu tư nghiên cứu và triển khai thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên của mình.

Theo cách hiểu thông thường đương nhiên dự án này phải do Transerco - một doanh nghiệp nhà nước của thành phố Hà Nội - làm chủ đầu tư.

Nhưng thực tế, qua quy trình thủ tục và sự cho phép của UBND TP. Hà Nội, dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên Transerco đã trở thành dự án nhà ở thương mại do Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 của ông Nguyễn Mạnh Thắng làm chủ đầu tư (gọi tắt là Sông Đà 7).

Vậy giữa Transerco và Công ty Sông Đà 7 đã có thỏa thuận nào về việc sang nhượng chủ đầu tư mảnh đất “vàng” này thì UBND TP. Hà Nội mới có thể cho phép Sông Đà 7 xây dựng?

Dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân

Vì từ thông tin công khai, trên vô số website rao bán nhà tại tổ hợp nhà phố liền kề, shophouse, chung cư này không hề tìm thấy bất kỳ thông tin nào liên quan tới cán bộ công nhân viên Transerco. Nếu tìm hiểu sâu danh sách những người mua nhà tại dự án, đâu đó, chỉ có thể gặp một vài khách hàng có danh tính liên quan tới lãnh đạo của Tổng công ty này.

Ở đây có điểm cần lưu ý. Về nguyên tắc, việc Transerco xin chuyển mục đích sử dụng khu đất 90 Nguyễn Tuân là để thực hiện mục tiêu xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên của tổng công ty. Nhưng “xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên” không có nghĩa tính chất dự án này là nhà ở xã hội. Pháp luật không có quy định này.

Tức là, ngoại trừ quyền được ưu tiên mua, cán bộ công nhân viên của Transerco không được hưởng quyền ưu đãi như pháp luật quy định dành cho nhà ở xã hội. Cách nói đơn giản hơn, dự án do Transerco xin chỉ “mượn danh” cho cán bộ công nhân viên để dễ được thông qua hơn về chủ trương. Còn về pháp lý, đây vẫn là dự án bất động sản thương mại thuần túy.

Đó cũng chính là cái “bẫy” mà lãnh đạo Transerco giăng ra với cán bộ công nhân viên của tổng công ty. Như những gì sẽ diễn ra sau đó.

Như vậy, 3ha đất của Hà Nội vốn dùng cho mục đích công cộng - phục vụ sửa chữa xe buýt - đã trở thành đất xây dựng nhà ở thương mại, mà không cần qua bất kỳ khâu đấu giá chuyển mục đích sử dụng đất nào (?)

Điều đáng nói, qua nhiều khâu “mập mờ”, “đánh lận con đen”, ngày 08/12/2017, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã cấp Giấy phép xây dựng số 151/GPXD cho dự án 90 Nguyễn Tuân cho Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7. 

Khi ấy, về cơ bản, ty CP Sông Đà 7 đã hoàn tất thủ tục để được UBND TP. Hà Nội giao đất phục vụ mục đích công cộng, công ích để làm dự án nhà ở, mà không cần qua đấu giá mua quyền sử dụng đất.

Khi công nhân viên được “ưu tiên” thành "món nhắm"

Những thủ tục chuyển đổi tại 90 Nguyễn Tuân thành khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên Transerco đã được tổng công ty này bắt đầu tiến hành từ khoảng năm 2009. Tới tháng 12/2012, UBND TP. Hà Nội thông báo chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất, chỉ định nhà đầu tư nghiên cứu và triển khai thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên của Transerco (Công văn số 10089/UBND-QHXDGT ngày 17/12/2012).

Đáng nói, những thay đổi trong dự án đầy nhân văn hướng tới việc cải thiện nhu cầu và điều kiện về nhà ở cho cán bộ công nhân viên của Transerco, sẽ bắt đầu sau khi có thông báo này. Oái oăm là, sự thay đổi ấy đã diễn ra đầy hợp pháp với sự cho phép của UBND TP. Hà Nội.

Kết quả là đa số cán bộ công nhân viên của Transerco không “với” tới được những ưu ái dành cho họ. Vì hiện nay, giá căn hộ của dự án này được rao bán với mức giá hơn 30 triệu đồng/m2, thậm chí, nhà liền kề lên có giá lên tới 220 triệu đồng/m2. 

Về quy mô, dự án tại số 90 đường Nguyễn Tuân của Công ty CP Sông Đà 7 gồm 919 căn hộ, với 87 căn liền kề và thấp tầng, 832 căn hộ chung cư. Lý do xây chung cư không phải vì giá bán sẽ phù hợp với thu nhập của cán bộ công nhân viên Transerco, mà chủ yếu để tăng tính thanh khoản của dự án và giảm số bình quân tiền chuyển mục đích sử dụng đất phân bổ trên mỗi mét vuông xây dựng. 

Cho đến nay, Công ty CP Sông Đà 7 nộp chưa tới 700 tỷ đồng cho ngân sách để thâu tóm được 37.062,2m2 đất của dự án. Tức là chi phí chưa tới 18 triệu đồng cho mỗi mét vuông đất ngay trung tâm Hà Nội.

Như đã nói ở trên, do không phải là dự án nhà ở xã hội, nên đại đa số cán bộ công nhân viên của Transerco cũng không có đủ thu nhập để “với” tới giá nhà đang rao bán trên thị trường (30 - 220 triệu đồng/m2). 

Nói cách khác, cán bộ công nhân viên của Transerco bị đem ra làm bình phong để chuyển mục đích sử dụng khu đất 90 Nguyễn Tuân, nhưng cũng đồng thời bị gạt luôn khỏi dự án trên khu đất ấy, vì giá bán quá cao.

Như vậy, cán bộ công nhân viên Transerco đã được “ưu tiên” thành món nhắm giữa Tổng Công ty vận tải Hà Nội với Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 và UBND TP. Hà Nội từ lúc nào không hay.

“Nhắm” thế nào ?

Thông báo số 10089/UBND-QHXDGT ngày 17/12/2012 UBND TP. Hà Nội là “chìa khóa” quan trọng nhất trong việc dùng bình phong “cán bộ công nhân viên” để thâu tóm khu đất 90 Nguyễn Tuân - khi đó đang do một xí nghiệp xe buýt thuộc Transerco - quản lý, khai thác.

Vì bên cạnh việc chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng, thông báo này còn đồng ý cho phép chỉ định nhà đầu tư nghiên cứu và triển khai thực hiện dự án xây dựng nhà ở trên khu đất này. 

Nhưng do Transerco là tổng công ty vận tải, không có chức năng lập quy hoạch, triển khai dự án nhà ở, nên đương nhiên phần việc này sẽ giao lại cho một doanh nghiệp chuyên ngành khác. Đó là Công ty CP Đầu tư Đô thị & KCN Sông Đà 7 (Công ty CP Sông Đà 7) - một công ty mà đến tháng 12/2011 thuộc về một cá nhân nắm cổ phần chi phối, các doanh nghiệp “họ” Sông Đà chỉ còn là cổ đông thiểu số.

Sau 3 năm thực hiện thủ tục, ngày 24/12/2015, Công ty CP Sông Đà 7 có tờ trình số 415/TTr/CT-ĐT về việc đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân.

Chỉ 6 ngày sau, ngày 31/12/2015, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội có tờ trình số 14545/TTr/SXD gửi UBND TP. Hà Nội về việc chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân. Tới ngày 20/01/2016, Sở Xây dựng Hà Nội lại tiếp tục có Văn bản số 575/SXD-QLDA với cùng một nội dung như trên.

Hơn 1 tháng sau, ngày 03/02/2016, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký Quyết định chủ trương đầu tư số 597/QĐ-UBND cho dự án 90 Nguyễn Tuân.

Như vậy, sau khi chờ 3 năm với danh nghĩa thực hiện nghiên cứu, lập dự án, Công ty Sông Đà 7 chỉ mất 1 tháng 9 ngày từ khi có tờ trình, tới khi UBND TP. Hà Nội ra quyết định chủ trương đầu tư cho dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân.

Tới ngày 22/06/ 2017, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - lúc này là ông Nguyễn Đức Chung - đã quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án 90 Nguyên Tuân - căn cứ theo đề nghị của Công ty CP Sông Đà 7 và ý kiến thẩm định của các ban ngành thành phố.

Tuy nhiên, ngày 22/06/2017, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ban hành Quyết định số 3726/QĐ-UBND về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Nội dung điều chỉnh đáng chú ý là, từ 21 tầng lần 1 lên 29 tầng lần 2 với độ cao từ 80,5m lên 110m, từ 2 tầng hầm lên 3 tầng hầm của khối chung cư. Điều chỉnh tiến độ từ quý I/2017 lên quý I/2020 hoàn thành dự án.

15 ngày sau đó, ngày 07/7/2017, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4379-QĐ/UBND, thu hồi 37.062,2m2 đất tại số 90 đường Nguyễn Tuân giao cho Sông Đà 7 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở. 

Ngày 8/12/2017, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã cấp Giấy phép xây dựng số 151/GPXD cho dự án trên. Khi ấy, về cơ bản, Công ty CP Sông Đà 7 đã hoàn tất thủ tục để được Hà Nội giao đất phục vụ mục đích công cộng, công ích để làm dự án nhà ở, mà không cần qua đấu giá mua quyền sử dụng đất.

Vậy thì những ai được lợi tại dự án 90 Nguyễn Tuân, Công ty CP Sông Đà 7 là của cá nhân nào, doanh nghiệp này đã tham gia những dự án tai tiếng nào về bất động sản, thủy điện? 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top