Aa

Đất nền Hà Nội có đang bị "hét giá" theo dự án?

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 16/03/2019 - 21:00

Bắt đầu từ giữa 2018 đến nay, giá đất nền ở những vùng ven của Hà Nội như Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm… đã được đẩy giá lên cao. Đặc biệt một số khu vực, theo dự án, giá đất tăng đến 40 - 50%, có nơi tăng gần 100%.

Thông tin Hà Nội xin cơ chế đặc thù đưa 4 huyện Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm lên quận vào năm 2020 khiến thị trường bất động sản các khu vực này dậy sóng. Khảo sát từ một số sàn giao dịch, nhân viên môi giới cho hay tại Đông Anh, các khu vực Xuân Canh, Nguyên Khê, Lễ Pháp, Thiên Ca, Trung Oai, Vĩnh Ngọc… giá đất đang bị đẩy lên gấp đôi, tức mức tăng đạt 100% so với thời điểm đầu năm 2018. Đơn cử, đất tại khu đô thị Nguyên Khê được “hét” lên 28 - 30 triệu đồng/m2 trong khi cùng kì năm ngoái giá rao bán là 15 - 17 triệu đồng/m2. Đất tại Xuân Canh, giá bị đẩy từ 20 triệu đồng/m2 lên 35 - 40 triệu đồng/m2. Đất khu Lễ Pháp, Nguyên Khê, giá rao tăng từ 15 - 18 triệu đồng/m2 lên mức 30 - 35 triệu đồng/m2…

Đất phân lô Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp (Thanh Trì) cũng được nhiều môi giới báo giá khủng, dao động từ 55 - 65 triệu đồng/m2 trong khi đầu năm 2018, giá đất chỉ dao động 30 - 40 triệu đồng/m2. Tại Hoài Đức, đất mặt tiền quốc lộ thị trấn Trạm Trôi đang được chào giá 120 - 130 triệu đồng/m2, thời điểm cuối năm 2017, giá chào bán là 80 - 110 triệu đồng/m2, đất có vị trí đẹp tại các xã An Khánh, An Thượng được chào giá 30 - 37 triệu đồng/m2 trong khi thời điểm đầu năm 2018, giá chỉ quanh quẩn 23 - 28 triệu đồng/m2…

Chị Trần Hồng Hà, nhân viên môi giới sàn bất động sản Xuân Phương, giới thiệu cho chúng tôi một mảnh đất hai mặt tiền thoáng rộng ở phố Cầu Cốc (Tây Mỗ). Cách đây một năm, mảnh đất này có giá 67 triệu đồng/m2 nhưng giá hiện tại đã tăng lên 120 triệu đồng/m2. Đất ở trong ngõ rộng 3m, khu vực Tây Mỗ có giá 53 triệu đồng/m2, trong khi đầu 2018 chỉ có giá từ 25 - 35 triệu đồng/m2, đất trong ngõ ô tô vào được có giá 40 triệu đồng/m2. 

Sự xuất hiện của VinCity Sportia đang khiến giá đất nền ăn theo tăng giá

Sự xuất hiện của VinCity Sportia đang khiến giá đất nền ăn theo tăng giá

“Sắp tới khu vực này sẽ xây dựng thêm tuyến đường Hữu Hưng, thuận tiện cho ô tô di chuyển. Nếu muốn đầu tư thì đây là thời điểm rất tốt khi còn đất để mua. Vì với đà này, giá đất vẫn còn tăng nữa trong khi không có nhiều người có nhu cầu bán”, chị Hà nói và cho biết thêm, từ lúc ra Tết đến nay, riêng chị đã chốt được hai mảnh, trong đó một mảnh trong ngõ, diện tích 98m2, hai mặt tiền thoáng với giá 62 triệu đồng/m2. 

Tham khảo thêm khu vực làng Miêu Nha (xã Tây Mỗ), gần VinCity, mức giá trung bình dao động từ 21 - 45 triệu đồng/m2. Trong đó, đất trong ngõ sâu có giá 23 triệu đồng/m2, ngõ vừa phải ô tô không vào được có giá dao động từ 28 - 31 triệu đồng/m2, đất trong ngõ ô tô vào được có giá 35 triệu đồng/m2, đất dọc trục đường chính làng Miêu Nha có giá 45 triệu đồng/m2. Đất ở thôn Phú Thứ, ngõ thông ô tô vào được có giá 43 triệu đồng/m2…Ở khu vực xã Đại Mỗ, nhất là đường Quang Tiến, sát dự án VinCity, giá đất cũng ghi nhận tăng mạnh, từ 40 - 50%.

Theo anh Nguyễn Hùng, một người môi giới bất động sản ở xã Hải Bối (Đông Anh – Hà Nội) chia sẻ, so với thời điểm cuối năm 2018, hiện giá đất nền tại Đông Anh đã tăng từ 3 - 5 triệu đồng/m2. Hiện một mảnh đất nền có diện tích 50m2 nằm trên trục đường liên xã Hải Bối có giá 26 triệu đồng/m2, trong khi, cuối năm 2018 giá chỉ 20 triệu đồng/m2. Đối với những mảnh đất nằm trong ngõ nhỏ có giá từ 16 đến 20 triệu đồng/m2. Anh Hùng lý giải nguyên nhân giá đất nền khu vực Đông Anh lại được đẩy lên cao do huyện này đang được quy hoạch lên quận và có nhiều dự án bắt đầu được đầu tư ở đây. Ngoài ra, cũng từ cuối năm 2018 nhiều người cũng tìm về Đông Anh để tìm mua đất, “cầu” tăng cũng làm cho giá đất nền tăng cao.

Đất Gia Lâm

Đất Gia Lâm cũng đang được "thổi giá"

Theo tìm hiểu, giá đất nền ở huyện Đông Anh chỉ tăng mạnh ở một số xã gần với cầu Thăng Long và cầu Nhật Tân, do giao thông kết với các quận nội thành thuận tiện. Bà Phạm Thị Huệ (xã Võng La – Đông Anh), chủ một mảnh đất ở làng Chài, xã Võng La cho biết đang trong quá trình đàm phán với khách hàng. Thông số mảnh đất 180m2, mặt tiền 12m và nằm trên trục đường làng rộng 4m được rao bán với giá 16 triệu đồng/m2 nhưng người mua đang yêu cầu giảm xuống 15 triệu đồng/m2. Theo bà Huệ, cuối năm 2018 mảnh đất này được rao bán với giá 12 triệu đồng/m2 song do nhiều mảnh đất nền ở Đông Anh tăng giá nên phải đẩy giá lên.

Anh Đặng Anh Tuấn (Hà Đông – Hà Nội) cũng đang rao bán một căn nhà 3 tầng, với diện tích 43m2 nằm trong khu tập thể An Hòa với giá hơn 3,5 tỷ đồng. Theo anh Tuấn, căn nhà này được bán với giá như vậy do nằm ở gần Trung tâm thương mại Coopmark, Khu đô thị Phùng Khoang và làng Việt kiều châu Âu. Anh Tuấn cũng cho biết, đầu năm 2018 căn nhà này chỉ có giá khoảng 3 tỷ đồng, tuy nhiên, bắt đầu từ cuối năm 2018 giá đất bắt đầu sốt nhẹ và theo đà tăng giá đó mà giá đất năm 2019 tại Hà Đông tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, tại Gia Lâm, nhiều người dân dường như vẫn đang “ngơ ngác” với thông tin đất tăng giá trong 2 tháng đầu năm nay. Bà Hoàng Thị Năm, một người dân tại Đa Tốn chia sẻ: “Đợt trước, khi dự án Vincity Gia Lâm được khởi công xây dựng tôi cũng thấy thông tin sốt đất. Khi đó, một số người đầu tư có đến hỏi mua đất. Gần đây có thông tin lên quận thì cũng nghe phong thanh đất tăng giá. Nhưng từ sau Tết đến giờ, dân chúng tôi vẫn làm ăn, sinh sống bình thường, không sôi sục về chuyện đất cát vì không thấy người hỏi mua”. 

Như vậy, thông tin 4 huyện ngoại thành Hà Nội lên quận đã là cớ hoàn hảo để không ít cò đầu nậu, cò đất các khu vực trên thổi giá. Bởi trên thực tế, giá đất khảo sát từ một số sàn giao dịch không hề tăng cao, nếu có chỉ tăng nhẹ khoảng 5%.

Theo chia sẻ của một trưởng phòng ở một sàn giao dịch lớn tại Hà Nội, tâm lý “ăn chắc mặc bền” sẽ khiến người dân trên địa bàn và các khu vực lân cận tìm về Gia Lâm để mua đất đợi giá tăng kiếm lời. Đặc biệt là những khu vực có hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, các tiện ích được đảm bảo đến từ các dự án lớn như Aeon Mall, Savico Mall, khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside hay Vincity Gia Lâm. Những yếu tố này khiến cho giá đất Gia Lâm liên tục biến động trong 3 năm trở lại đây. 

Tuy nhiên, vị này cũng cảnh báo, nhà đầu tư phải thật cẩn trọng bởi tiền lệ đã có những khu vực “vỡ trận giá đất” do tình trạng ăn theo dự án lớn dẫn đến sốt ảo, trong khi người có nhu cầu thực không nhiều. Bởi việc tăng giá đất theo dự án cần thời gian và lộ trình chứ không thể một sớm một chiều.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top