Aa

“Đất vàng” trụ sở Bộ Nông nghiệp sau di dời sẽ dùng vào mục đích gì?

Thứ Ba, 08/01/2019 - 00:01

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới tại Mễ Trì với diện tích khoảng 6,5ha. Điều dư luận quan tâm đó là, sau khi di dời khu “đất vàng” rộng gần 2ha mà Bộ này đang quản lý, sử dụng tại địa chỉ số 2 Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) liệu có dành cho các công trình công cộng?

Di dời trụ sở Bộ trên gần 2ha “đất vàng”

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới theo Quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội. Hiện trụ sở của Bộ NN&PTNT ở số 2 Ngọc Hà, Ba Đình có diện tích gần 20.000m2 (2ha).

Theo đó, Bộ NN&PTNN đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng trụ sở mới của Bộ này tại khu vực Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm với quy mô khoảng 6,5ha, trong đó trụ sở Bộ 5ha và Trung tâm chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai Quốc gia 1,5ha. Hình thức đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư PPP, loại hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT).

Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt; chỉ đạo 5 Bộ trên và UBND TP. Hà Nội phối hợp với Bộ để hoàn tất các thủ tục theo quy định để sớm triển khai xây dựng trụ sở mới.

Bộ NN&PTNT đang quản lý sử dụng khu

Bộ NN&PTNT đang quản lý sử dụng khu "đất vàng" rộng gần 2 héc-ta ngay trung tâm quận Ba Đình. (Ảnh: Trần Tiến)

Văn phòng Chính phủ sau đó đã có công văn gửi các Bộ, ngành lấy ý kiến về việc xây dựng trụ sở mới của Bộ NN&PTNT. Theo đó, Bộ Xây dựng đã nhận được Văn bản số 11226/VPCP-CN ngày 19/11/2018 của Văn phòng Chính phủ đề nghị có ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới của Bộ NN&PTNT.

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 88/TTg-CN ngày 08/11/2018 và Văn bản số 33/TTg-CN ngày 06/4/2018; Thông báo số 491/TB-VPCP ngày 18/10/2017 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về đồ án Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch hệ thống trụ sở Bộ ngành), Bộ Xây dựng thống nhất về chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới của Bộ NN&PTNT tại khu vực Mễ Trì như kiến nghị nêu trên.

Theo đồ án Quy hoạch hệ thống trụ sở Bộ, ngành do Bộ Xây dựng lập, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, quy mô diện tích dự kiến xây dựng trụ sở làm việc mới của Bộ NN&PTNT khoảng 4,11ha.

Do vậy, Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án xây dựng trụ sở (hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi) làm rõ quy mô diện tích trụ sở trên nguyên tắc phù hợp với các quy hoạch ngành về tổ chức, biên chế và quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng công sở và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; làm cơ sở để Bộ Xây dựng cập nhật, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đồ án Quy hoạch hệ thống trụ sở Bộ ngành trong thời gian tới.

 “Đất vàng” có dành cho các công trình công cộng?

Như đã biết, để di dời các cơ sở thuộc Bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội, Chính phủ phải có bố trí ngân sách, kế hoạch lộ trình. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc các Bộ, ngành di dời trụ sở khỏi nội thành hiện nay là việc cần làm nhằm giảm áp lực cho nội đô về tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm đô thị,...

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những địa điểm cũ của các Bộ, ngành sau khi di dời sẽ được xử lý như thế nào và dùng vào mục đích gì để phù hợp với quy hoạch. Tại Quyết định 130 /QĐ-TTg ngày 2/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ, về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội cũng nêu rõ, quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe,...

Theo Thông báo số 491/TB-VPCP ngày 18/10/2017 của Văn phòng Chính phủ, để tiếp tục hoàn thiện Đồ án quy hoạch hệ thống trụ sở Bộ, ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng triển khai thực hiện một số nội dung, trong đó có việc đề xuất phương án cụ thể việc sử dụng diện tích đất tại các vị trí cũ sau khi các cơ quan di dời đến vị trí mới. Đồng thời đề xuất xây dựng quy hoạch đối với các khu đất tại vị trí cũ để có cơ sở xây dựng phương án huy động tài chính từ quỹ đất sau khi di dời.

Trước đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội từng cho biết, sau khi các cơ quan Bộ, ngành được di dời khỏi nội đô, Hà Nội sẽ có quỹ đất khoảng gần 60ha. Các khu đất sau khi di dời về địa điểm mới sẽ được bố trí chức năng sử dụng đất phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, ưu tiên đáp ứng nhu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của khu vực, bố trí chức năng công cộng, tiện ích phục vụ đô thị. Phần lớn diện tích đất được chuyển đổi thành khu vực công ích như trường học, trung tâm hành chính quận, chỗ để xe và cây xanh. Ngoài ra, khách sạn, trung tâm thương mại, trụ sở văn phòng, nhà ở cho cán bộ nhân viên,... cũng được đề cập trong chức năng khu đất sau khi di dời bộ ngành.

Trên thực tế, việc di dời các cơ quan ra khỏi các quận nội thành được thực hiện theo quyết định của Chính phủ có từ năm 1997. Tuy nhiên, công tác di dời các cơ sở trên được triển khai chậm và có một vấn đề cần nhắc đến là việc các cơ quan khi di dời ra khỏi nội đô nhưng vẫn “không nới cũ”. Có thể thấy, Hà Nội chưa thu được một khu đất nào sau khi Bộ, ngành di dời để xây dựng công viên hay bãi đỗ xe theo chủ trương chung.

Với những giải pháp sử dụng cơ sở cũ, các chuyên gia quy hoạch cho rằng, cần thực hiện theo nguyên tắc không được chất tải thêm đối với hạ tầng đô thị, không thu hút thêm dân số, lao động so với trước đây. Việc này cần thực hiện đúng mục tiêu ban đầu là di dời nhằm giảm tải cho khu vực nội đô, mang lại hiệu quả tối ưu cho đô thị Hà Nội.

Ngoài ra, quỹ đất sau khi di dời trụ sở các bộ ngành cần áp dụng phương thức bán đấu giá một cách minh bạch, có quy chế rõ ràng theo hướng: doanh nghiệp hay cá nhân trúng đấu giá quyền sử dụng khu “đất vàng” phải thực hiện đúng quy hoạch của Thủ đô, không tạo thêm áp lực về dân số, ùn tắc giao thông cho nội thành,…

Trả lời trước báo giới, KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam từng đề xuất, thành phố cần dùng các nguồn lực, cơ chế của thành phố để hỗ trợ việc đầu tư xây dựng các địa điểm mới và khai thác sử dụng các địa điểm cũ theo mục tiêu phát triển chung. Bên cạnh đó, có thể thực hiện bằng cách gắn trách nhiệm của các cơ sở di dời theo hướng tự chủ để có thể huy động đa dạng nguồn lực xã hội, hợp tác đầu tư, phát triển dự án.

Đặc biệt, cần hạn chế tư duy sử dụng cơ sở cũ để chuyển đổi tạo nguồn vốn đầu tư. Bởi vì với phương pháp này, các quỹ đất chuyển đổi đã được các nhà đầu tư biến thành các tòa nhà chung cư cao tầng trong thời gian qua, sẽ gây áp lực rất lớn đối với hạ tầng hiện hữu tại nội đô.

Có thể nói, việc di dời trụ sở Bộ NN&PTNT là thực hiện theo chủ trương chung, tuy nhiên lộ trình di dời thế nào và việc đầu tư xây dựng trụ sở mới ra sao, đồng thời quản lý, sử dụng gần 2ha “đất vàng” của Bộ này sau khi di dời làm sao cho đúng chủ trương và phù hợp quy hoạch Thủ đô chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề phải nhắc đến.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top