Aa

"Đau đầu" như cổ đông Maritime Bank!

Thứ Năm, 31/05/2018 - 14:20

Không khí diễn ra tại Đại hội cổ đông của Maritime Bank ngày cuối tháng 5 đã phản ánh phần nào những bức bối của nhà đầu tư đang nắm cổ phần tại ngân hàng này. Tất nhiên, vấn đề đáng quan tâm nhất về Maritime Bank hiện tại chưa hẳn cổ đông nào cũng nắm được.

Muốn được mua cổ phiếu quỹ thì phải nhanh chân!

Đại hội cổ đông sáng 30/5 của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MaritimeBank) nóng nhất chuyện cổ tức và mua lại cổ phiếu quỹ. Không khí sôi nổi nhất là lúc bước vào phiên thảo luận đại hội, nhiều cổ đông ý kiến bức xúc vì đã liên tiếp 6 năm liền ngân hàng không thực hiện chia cổ tức.

Trong khi đó, lãnh đạo MaritimeBank cho rằng, ngân hàng phải thực hiện đề án tái cơ cấu, phải xử lý một số khoản nợ xấu. Thời gian tới, MaritimeBank vẫn tiếp tục trích lập dự phòng định tính, định lượng, tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống, chương trình tín dụng.

Chủ tịch HĐQT Trần Anh Tuấn trấn an cổ đông "Chúng tôi rất muốn chia cổ tức nhưng sau khi trình NHNN chia bằng tiền mặt thì không được, thậm chí chia cổ phiếu cũng không được phê duyệt. Nếu cổ đông kiến nghị, ngân hàng sẽ tiếp tục đề xuất NHNN chia cổ tức vì lợi nhuận để lại cả nghìn tỷ".

Trường hợp NHNN không đồng ý, HĐQT nhiệm kỳ tới sẽ trình phương án mua lại cổ phiếu quỹ của ngân hàng.
"Chúng tôi sẵn sàng mua lại cổ phiếu của tất cả cổ đông nào không đồng ý với đường lối của ban lãnh đạo và mua lại bằng giá thị trường + cổ tức 5%", ông Tuấn nói.

ĐHĐCĐ Maritime Bank năm 2018 diễn ra chứng kiến nhiều bức xúc của các cổ đông

ĐHĐCĐ Maritime Bank năm 2018 diễn ra chứng kiến nhiều bức xúc của các cổ đông

Tuy nhiên, nhắc đến câu chuyện mua cổ phiếu quỹ, không ít cổ đông cho biết từng rất khó "chen chân" vào những đợt mua cổ phiếu quỹ của ngân hàng được thực hiện những lần trước đó. Do đó, họ kiến nghị nếu có đợt mua cổ phiếu quỹ mới cần công bố công khai.

Trước nhiều ý kiến thắc mắc của cổ đông, lãnh đạo ngân hàng cho rằng, việc mua cổ phiếu quỹ đã đăng công khai và ai đến trước sẽ được mua lại. Ông cũng nhắc lại việc nhiều cổ đông không kịp bán cổ phiếu quỹ đã gửi khiếu nại đến NHNN, Chính phủ nhưng các cơ quan thanh tra đã kết luận không có vấn đề gì trong việc này. 

"Số lượng tiền mua có hạn, nên ai không nhanh chân sẽ không được. Chậm hơn thì anh thông cảm", ông Tuấn nói. Nói như vậy, phải chăng muốn có lời khi sở hữu cổ phần Maritime Bank, các cổ đông phải tham gia cuộc chạy đua?!

Cổ đông lo lắng Maritimebank nhiều “tật”

Theo báo cáo tài chính năm 2017, cho vay của khách hàng của Maritimebank sụt giảm từ 35.784 tỷ đồng xuống 34.667 tỷ đồng. Trước tình trạng này, cổ đông đặt câu hỏi: "Phải chăng ngân hàng ko có uy tín nữa, nên khách hàng mới ko gửi tiền nữa, nên tiền gửi mới giảm?"

Cũng tại đại hội, cổ đông phản ánh quy trình kiểm soát, kiểm tra của Maritime Bank có nhiều yếu kém. Dự phòng của ngân hàng là 2.500 tỷ đồng, chiếm tới 21% vốn điều lệ ngân hàng. Theo cổ đông, dự phòng chiếm quá lớn so với một ngân hàng yếu kém và Maritime Bank có rất nhiều sai lầm trong quy trình kiểm soát nội bộ, kiểm tra.

Maritimebank đang chuẩn bị cho một lộ trình sáp nhập mà cổ đông không biết?

Tại đại hội, Phó Chủ tịch Trần Xuân Quảng cho biết, có một số ngân hàng có nguyện vọng sáp nhập tham gia với Maritime Bank. Tuy nhiên, hiện Maritime Bank sẽ xem xét phương án sáp nhập khi có đủ điều kiện.

Theo tìm hiểu, một số nguồn dư luận cho rằng, Maritime Bank đang sở hữu một khối lượng không nhỏ tại PVCombank. Tất nhiên, không phải cổ đông nào cũng tường tận thông tin này. Tại PVCombank, ngoài PVN (52%) và Morgan Stanley (6,67%), PVCombank còn có một số nhóm cổ đông sở hữu sở hữu 31,86% vốn, nhóm này được cho là liên quan đến Maritime Bank.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) có 41,9 triệu cổ phần, tương đương 4,66% vốn PVCombank; Công ty TNHH Bất động sản HA Quận Ba có 17 triệu cổ phần (1,89%); Lê Minh Tuấn có 14,9 triệu cổ phần  (1,66%) và Lê Xuân Học giữ 21 triệu cổ phần (2,34%)

Một nhóm khác nắm cổ phiếu tại PVCombank nữa gồm Công ty CP Đầu tư Địa Việt sở hữu 43,4 triệu cổ phần (4,83%); Trần Quốc Tuấn giữ 1,5 triệu cổ phần (0,17%); Nguyễn Nam Định sở hữu 25,4 triệu cổ phần (2,83%) và Đỗ Mạnh Tùng 20,2 triệu cổ phần (2,24%).

Ngoài ra, nắm cổ phần tại PVCombank còn có Công ty TNHH Cốc hoá Tây Giang có 44,7 triệu cổ phần (4,97%), Công ty CP Cốc hoá Tây Giang Cao Bằng 42 triệu cổ phần (4,67%) và Cao Hùng Cường giữ 14,4 triệu cổ phần (1,6%).

Các nhóm cổ đông kể trên được biết đều có liên quan đến Maritime Bank và lãnh đạo. Cụ thể, Công ty CP Cốc hoá Tây Giang Cao Bằng từng là công ty con, do Công ty CP Tập đoàn Tây Giang - một tập đoàn công nghiệp khai khoáng có tiếng ở khu vực phía Bắc - giữ 90% vốn. Ông Nguyễn Xuân Học, người nắm 21 triệu CP PVCombank, hiện cũng là cổ đông của Cốc hoá Tây Giang Cao Bằng. Tương tự, Công ty Cốc hoá Tây Giang cũng từng là công ty con của Tập đoàn Tây Giang. 

Hiện nay người giữ 55% vốn của Cốc Hoá Tây Giang là bà Trịnh Thị Hà, 2 cổ đông còn lại là Trần Quốc Bảo (40%) và Trần Quốc Tuấn (5%). Ông Trần Quốc Tuấn chính là nhà đầu tư đang sở hữu 1,5 triệu CP PVCombank (nhóm cổ đông số 3). 

Bà Trịnh Thị Hà cũng là cái tên liên quan tới nhiều pháp nhân trong 3 nhóm cổ đông của PVCombank. Bà Trịnh Thị Hà và ông Trần Quốc Tuấn (nhóm cổ đông số 3) đều từng là cổ đông của Công ty TNHH Bất động sản HA Quận Ba - pháp nhân đang sở hữu 17 triệu CP PVCombank. Bà Trịnh Thị Hà cũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Đầu tư Địa Việt - đơn vị nắm 43,4 triệu CP PVCombank.

Tập đoàn Tây Giang có sự liên quan đến Maritime Bank - nhà băng đang nắm 41,9 triệu CP, tương đương 4,66% vốn của PVCombank. Tập đoàn Tây Giang và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group) - nơi Chủ tịch Hội đồng sáng lập Maritime Bank, cựu ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường từng là Chủ tịch HĐQT - là các cổ đông sáng lập của Công ty CP Khai thác chế biến khoáng sản Việt (VMPCO). 

VMPCO từng nắm trong tay  khoảng 40 mỏ khoáng sản với trữ lượng lớn ở khu vực phía Bắc. Doanh nhân Trần Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Maritime Bank, chồng bà Nguyệt Hường, có thời kỳ còn trực tiếp giữ ghế Chủ tịch HĐQT của VMPCO.

Với diễn biến này, cổ đông có thể đặt nghi vấn về việc Maritime Bank mua lại và sáp nhập với Pvcombank là có thể xảy ra.

Năm nay, ngân hàng Maritime Bank tiếp tục trình cổ đông kế hoạch cổ tức 0% và đặt mục tiêu cổ tức 5% cho năm sau, giống hệt với kế hoạch phân phối lợi nhuận mà Maritimebank đã trình năm 2017.

Lợi nhuận trước thuế năm qua của Martimbank đã hoàn thành gần sát kế hoạch đề ra (165 tỷ đồng). Tuy nhiên, yếu tố chính đóng góp vào thu nhập hoạt động của ngân hàng là từ mua bán chứng khoán đầu tư, trong đó đáng kể là việc thoái hơn 1,4 triệu cổ phiếu MBB. Thu nhập lãi thuần giảm khá mạnh, từ 2.252 tỷ đồng năm 2016 xuống còn 1.602 tỷ đồng năm 2017.

MaritimeBank còn trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận năm 2018 tăng trưởng 18% lên 194 tỷ đồng. Tăng trưởng huy động vốn và dư nợ tín dụng lần lượt là 15% và 13%. Tăng trưởng quy mô tổng tài sản dự kiến là 3%, lên xấp xỉ 115.581 tỷ đồng.

Tại đại hội năm nay, Maritime Bank tiếp tục trình kế hoạch niêm yết cổ phiếu. Mục tiêu cụ thể hơn nhiều năm trước với sàn niêm yết dự kiến là HoSE và thời gian lên sàn là quý I/2019.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top