Aa

Đầu tư bất động sản du lịch: "Miếng bánh ngon" không dành cho người "nóng vội"

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Chủ Nhật, 24/11/2019 - 06:28

Theo các chuyên gia, giá trị của một dự án bất động sản du lịch không nằm ở những cam kết lợi nhuận trong ngắn hạn mà thể hiện ở việc dự án đó có đảm bảo yếu tố lâu dài, bền vững hay không.

Bất động sản du lịch vẫn là “miếng bánh ngon"

Trong bối cảnh thị trường bất động sản có xu hướng giảm nhiệt ở một số phân khúc, bất động sản du lịch hiện đang là lĩnh vực có sự năng động và hấp dẫn bậc nhất trong thị trường bất động sản Việt Nam. Sự phát triển sáng tạo và bền vững của phân khúc này sẽ là nền tảng và động lực quan trọng trong bức tranh phát triển của ngành du lịch, của thị trường bất động sản và của cả nền kinh tế.

Tuy nhiên, có một thực trạng là suốt thời gian dài, các doanh nghiệp chú trọng hơn vào các cơ hội thị trường trong ngắn hạn và chủ yếu phát triển các sản phẩm phục vụ tăng trưởng nhu cầu phòng. Thị trường trở nên thiếu sự đa dạng các loại hình sản phẩm mới, do lặp lại các mô hình đã hiện hữu, trong khi tiềm năng du lịch hiện đang rất dồi dào.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, giá bất động sản du lịch ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các quốc gia có cùng tiềm năng phát triển du lịch. Do đó, bất động sản du lịch còn nhiều dư địa phát triển. Điều này cũng phù hợp với xu hướng đầu tư vào bất động sản du lịch nhằm vào tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông.

“Trong trung hạn, với trên 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5 - 7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ, và khách trong nước khoảng 85 triệu người có thời gian nghỉ từ 3 - 4 ngày, du lịch Việt Nam cần thêm nhiều hơn nữa các dự án đầu tư theo dạng hệ sinh thái, quần thể, tích hợp cả du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm. Vì thế, tôi cho rằng, trong trung và dài hạn, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, nhất là khu vực ven biển sẽ vẫn là điểm sáng của thị trường”, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam phân tích.

Ông Nguyễn Trần Nam.

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ cũng nhận định, không thể phủ nhận, tiềm năng du lịch Việt Nam từ trước đến nay là rất lớn, còn nhiều dư địa. So sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam không chỉ có lợi thế về điều kiện tự nhiên mà còn có lợi thế về chính trị, xã hội ổn định.

“Với thị trường bất động sản du lịch, để vượt qua khó khăn về vốn trong bối cảnh dòng vốn vào thị trường khá eo hẹp, chúng ta đã làm được rất tốt, bán các bất động sản du lịch hình thành trong tương lai là một giải pháp rất tốt để giải quyết bài toán về vốn. Chúng ta cũng đã có nhiều dự án bất động sản du lịch đảm bảo chất lượng tốt, có quy hoạch được một số công trình vui chơi giải trí. Thị trường cũng đã chứng kiến sự bùng nổ của phân khúc condotel, nhưng vì nhiều lý do, trong đó nhiều nhất là tính pháp lý khiến phân khúc này giai đoạn vừa qua có nhịp chững.

Để thị trường bất động sản du lịch Việt Nam tăng trưởng hơn nữa, chúng ta phải khắc phục được những điểm yếu này, đó cũng là cơ hội để các mô hình bất động sản du lịch đa công năng có thể phát huy được lợi thế của chúng, bởi đây chính là xu thế mới trong phát triển du lịch của các quốc gia trên thế giới hiện nay, GS. Đặng Hùng Võ cho hay.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ.

…nhưng không phải ai cũng “ăn” được

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, dù sở hữu dư địa phát triển lớn, miếng bánh trên thị trường bất động sản du lịch “rất ngon”, nhưng không phải ai cũng “ăn” được: 

“Đầu tư bất động sản du lịch khó khăn và thách thức hơn đầu tư nhà ở rất nhiều, không phải bán là xong, mà quan trọng hơn là vận hành thế nào cho hiệu quả. Vì thế, ngay từ khâu thiết kế sản phẩm đã phải tính toán kỹ lưỡng để không những thu hút khách mua mà còn mang đến những trải nghiệm ấn tượng cho du khách sau này. Vì thế, để phát triển bền vững, thị trường cần có những nhà đầu tư có tâm, có tầm. Bản thân những chủ đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng lớn cũng chính là “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực du lịch. Vì vậy, họ sẽ biết đầu tư vào vị trí nào, cách làm ra sao, bố trí các sản phẩm bổ trợ nhau để tạo sức cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ khách du lịch”.

Còn đối với các nhà đầu tư chọn lựa thị trường bất động sản du lịch, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, ngoài yếu tố vị trí, cam kết lợi nhuận, giá bán…, các nhà đầu tư nên quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững của dự án, phải xác định mục tiêu của nhà phát triển bất động sản du lịch là gì? Bán để thu lợi hay đầu tư để kinh doanh dài hạn, phát triển bền vững:

“Ví dụ như khi đầu tư vào Vingroup, Sun Group... là các chủ đầu tư có kinh nghiệm, không mất chi phí thuê doanh nghiệp nước ngoài quản lý. Yếu tố cam kết về chính sách, lợi nhuận của chủ đầu tư cũng là 1 lợi thế. Nhưng quan trọng vẫn là hiệu quả kinh doanh về lâu dài”.

Ở góc độ doanh nghiệp, khi chia sẻ về mức cam kết lợi nhuận mà các chủ đầu tư đưa ra ở các dự án bất động sản du lịch, ông Ngô Hữu Trường, Phó Tổng giám đốc Crystal Bay cho rằng, cam kết 12 - 14% ảo hay không ảo thì phải đảm bảo cam kết với yếu tố cốt lõi là quản lý và khai thác bền vững lâu dài, không phải xây xong rồi bán luôn trong ngắn hạn.

“Điều này cực kỳ quan trọng, không phải cứ xây lên bán, hứa lợi nhuận đầu vào, trả cho khách xong xuôi là xong. Đó là chỉ nhìn về lợi ích ngắn hạn. Còn bản chất của bất động sản du lịch là phải khai thác lâu dài và bền vững. Dự án nào không đảm bảo được yếu tố lâu dài, bền vững thì dù cam kết lợi nhuận bao nhiêu anh cũng không có đủ khả năng để trả”.

Ông Ngô Hữu Trường.

Theo ông Trường, việc quản lý, vận hành kinh doanh một dự án bất động sản du lịch không đơn thuần là xây để bán. Nhà đầu tư cũng như chủ đầu tư phải cùng nhau đi 1 con đường rất dài. Chủ đầu tư có nghề, có dòng khách ổn định, am hiểu thị trường mới thuyết phục được nhà đầu tư đi theo cùng.

“Các sản phẩm bất động sản du lịch Crystal Bay đầu tư ở vùng đất mới Ninh Thuận với vị trí thuận lợi cho phát triển du lịch trải nghiệm kết hợp tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa,…

Để đạt được điều đó, chủ đầu tư Crystal Bay đã phải cân đo đong đếm rất kỹ, đưa ra sản phẩm phù hợp thị trường về mặt thiết kế, các chính sách thuê lại khác biệt, sinh lời bền vững cho khách hàng.

Bất động sản du lịch là loại hình kinh doanh dài hạn, không phải lướt sóng hay ngắn hạn. Do đó, chủ đầu tư và nhà đầu tư cần xác định rõ câu chuyện đi với nhau lâu dài. Tóm lại, với câu hỏi nói trên thì không phải 12 hay 14% mà vấn đề là dự án đầu tư thế nào, có lâu dài, bền vững hay không?”, ông Trường nhấn mạnh. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top