Aa

Đầu tư vào bất động sản Việt Nam, doanh nghiệp ngoại đang "đổi khẩu vị"

Chủ Nhật, 25/02/2018 - 06:00

Theo giới phân tích thị trường, từ năm 2017, thay vì chỉ rót vốn vào phân khúc nhà ở thì dòng vốn ngoại đang chuyển dịch sang những phân khúc khác của thị trường bất động sản Việt Nam như bất động sản công nghiệp, văn phòng cho thuê và khách sạn….

"Khẩu vị" mới

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc Đầu tư JLL Việt Nam cho rằng, trong những năm qua, dòng vốn FDI đang đổ mạnh vào thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là những TP lớn như Hà Nội, TP.HCM. Nhưng phân khúc mà nhà đầu tư ngoại đổ tập trung đầu tư vẫn chủ yếu là chung cư cao cấp. 

 Khẩu vị rót vốn của các nhà đầu tư ngoại vào thị trường bất động sản Việt Nam dần thay đổi.

"Khẩu vị" rót vốn của các nhà đầu tư ngoại vào thị trường bất động sản Việt Nam dần thay đổi.

Tuy nhiên, theo quan sát của bà Khanh, từ năm 2017 đến nay, "khẩu vị" rót vốn của giới đầu tư ngoại đã dần thay đổi. Các nhà đầu tư hiện đang có xu hướng chuyển sang mảng thị trường bất động sản thương mại, đặc biệt là các dự án văn phòng hạng A có vị trí đắc địa, tiềm năng tăng trưởng về giá trị vốn và lợi suất đầu tư (7 - 8%). Lý do mà nhà đầu tư ngoại chuyển khẩu vị đầu tư được bà Khanh lý giải rằng do mức giá thuê văn phòng tại Việt Nam hiện đang cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, phản ánh sự thiếu hụt nguồn cung.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với những dự án khách sạn.

Đối với các dự án nhà ở và bất động sản thương mại, nhà đầu tư nước ngoài thường tìm kiếm những khu đất “sạch”, nghĩa là phải hoàn thành thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn tất thanh toán chi phí sử dụng đất, có quyền sử dụng đất và kế hoạch phát triển tốt. Tuy nhiên, do số lượng hiếm hoi nên các nhà đầu tư buộc phải cạnh tranh gay gắt và đối mặt với không ít áp lực.

Bên cạnh đó, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư công ty nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam, cho rằng, dòng vốn ngoại sẽ chuyển dịch về cả phân khúc bất động sản công nghiệp, đặc biệt ở khu vực các tỉnh thành phía Nam. Đơn cử như tỉnh Đồng Nai, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này, trong 2 tháng đầu năm 2018, đã có 62,2 triệu USD vốn FDI đổ bộ vào phân khúc bất động sản công nghiệp của tỉnh, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.

“Điều này đến từ việc sau khi Hội nghị kinh tế APEC diễn ra tại Việt Nam cuối năm 2017, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới tới tham dự, họ đã nhìn thấy những tiềm năng kinh tế mà Việt Nam sẽ có được trong thời gian tới khi mà các hiệp định kinh tế lớn mà Việt Nam là quốc gia thành viên được áp dụng. Bên cạnh đó là việc Việt Nam hiện được xếp vào nước có nền kinh tế mở, có chính sách thu hút nhà đầu tư ngoại tốt nhất hiện nay", ông Khương phân tích. 

Nhiều kỳ vọng

Chính sự thay đổi mở rộng lĩnh vực đầu tư vốn của doanh nghiệp ngoại đang tạo cho thị trường kỳ vọng lớn. Theo Cục đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI trong tháng đầu năm 2018 tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam. Theo đó, riêng tháng 1/2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 1,255 tỷ USD, bằng 75,9% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 1,05 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 355,6 triệu USD, chiếm 28,3% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 199 triệu USD, chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hồng Kông đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 147,4 triệu USD, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư.

Giới theo dõi thị trường cho rằng, những con số nêu trên cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục hút mạnh dòng vốn ngoại trong năm 2018. Đặc biệt là những dự án trọng điểm ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Đơn cử như khu phát triển đô thị mới của TP.HCM đã chứng kiến một số thương vụ lớn có thể kể đến như liên doanh giữa Hongkong Land (HKL) và Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII). Sau một thời gian tiến hành thương thảo, CII và Hongkong Land đã chính thức tiến hành ký kết hợp đồng hợp tác phát triển dự án Thủ Thiêm River Park.

CapitaLand cũng công bố đã mua lại dự án căn hộ với diện tích đất rộng 1,45 ha tại Quận 4 với 53,5 triệu đô la Singapore (tương đương với 40 triệu USD). Giao dịch này đã nâng số lượng dự án nhà ở của CapitaLand tại TP.HCM lên con số 9 và là dự án thứ 11 tại Việt Nam. Ở một diễn biến khác, VinaCapital đã bán toàn bộ cổ phần trong dự án Vina Square - một khu đất có diện tích 3ha tại Quận 5, TP.HCM cho Công ty bất động sản Trí Đức và thu về tiền mặt ròng có giá trị khoảng 41,2 triệu USD…

Ông Khương cho rằng hiện thị trường bất động sản Việt Nam đón chào một số lượng kỷ lục các nhà đầu tư tài chính nước ngoài, chủ yếu là các quỹ đầu tư tư nhân muốn triển khai vốn nhanh chóng và hiệu quả. Giao dịch đáng chú ý trong năm nay có thể kể đến sự thành lập liên doanh và hợp tác chiến lược giữa Warburg Pincus và Tổng Công ty Becamex IDC để phát triển các kho hậu cần tiêu chuẩn quốc tế, cũng như chia sẻ các kinh nghiệm có ích nhất về thị trường vốn; đồng thời hỗ trợ Becamex phát triển kinh doanh và mở rộng mạng lưới khách hàng trên toàn cầu.

“Những giao dịch rót vốn này đủ để cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam sẽ lập kỷ lục mới trong việc đón nhận dòng vốn FDI khủng trong năm 2018”, ông Khương nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top