Aa

Đầu xuân nói chuyện chữ & nghĩa

Chủ Nhật, 10/02/2019 - 06:01

Tiếng Việt là một sinh ngữ. Nên hàng ngày hàng giờ vẫn đang sinh sôi phát triển. Nhiều từ mới, nhiều thuật ngữ mới được ra đời và bổ sung vào kho tàng ngôn ngữ của chúng ta. Nó làm giàu đẹp thêm tiếng Việt. Thế nhưng bổ sung những từ, những thuật ngữ mà khi đọc lên thấy tối tăm mù mịt nghĩa ngữ mông lung hơn thì... xin ai đó đừng âm mưu sáng tạo gì thêm cho rắc rối con mẹ hàng tơ!

Tôi có ông bạn thân là giáo sư văn học. Tất nhiên giỏi chữ nghĩa.

Bọn tôi ngồi với nhau, hay nói chuyện chữ nghĩa. Ông ấy bảo, cái nước Việt mình đến là kỳ lạ, có hồi cả nước cứ ra rả đả đảo đế quốc Pháp, đế quốc Mỹ xâm chiếm nước ta. Thế nhưng dường như chả ai hiểu rõ chữ “đế quốc” là gì! Đế quốc là quốc gia của hoàng đế: nhà nước phong kiến! Mà Pháp và Mỹ thì họ theo chế độ dân chủ từ đời tám hoánh nào rồi kia! Vậy mà cả bộ máy tuyên truyền khi ấy vẫn cứ đế quốc, đế quốc... Thành ra như là phản đối cái không có thật! Thế mà rồi cả nước từ dân đến quan, từ công nông binh đến sĩ đều nghĩ đang đả đảo căm thù ai đó thật, thế mới tài! Tôi bảo ông bạn giáo sư là, hình như cái hồi bé bọn mình cũng ông ổng trong buổi tập hát ở lớp... “diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước...” còn gì? Cười!

Tôi có một người bạn văn, khá nổi tiếng. Viết cả văn và báo.

Một hôm tôi đọc được bài của bạn có câu, “...qua đó ta biết được diện mạo tâm hồn một người...”! Lấy làm lạ, tôi suy nghĩ mãi. Diện mạo: là bộ mặt, vẻ mặt của một con người. Còn tâm hồn nó là tâm tư tình cảm, là đời sống nội tâm của một ai đó. Kết hợp hai từ trên thành một từ ghép “diện mạo tâm hồn” của một con người thì tôi thấy sao đó! Biết là người bạn văn kia ý muốn nói về cái tâm hồn của nhân vật nó biểu hiện ra thành như thế nào đấy, nhưng tôi vẫn thấy khiên cưỡng. Bởi diện mạo là cái mà chúng ta có thể nhận biết bằng thị giác. Thế nhưng tâm hồn thì không thể nhận biết được bằng thị giác, xúc giác, thính giác... Mà ta phải nhận biết tâm hồn một người bằng tổng hợp của các tri giác chủ quan và khách quan. Mà có khi vẫn còn nhầm lẫn nghiêm trọng kia! Thế nên, tôi cho là kết hợp hai từ kia thành một từ ghép là... dở! Và tôi hăng hái góp ý với người bạn văn kia, là không nên ghép như vậy.

Đến đây thì tôi mắc sai lầm nghiêm trọng, người bạn văn ấy đã không chấp nhận sự góp ý thật thà của tôi mà còn quay ngoắt ra xỉ vả tôi thậm tệ. Bạn ấy cho rằng tôi có ý chê văn của mình! Thậm chí, còn gạt luôn tôi ra khỏi danh sách bạn bè nữa kia. Tôi có hơi buồn. Thế nhưng, tôi không trách người bạn kia. Bởi bạn ấy cho rằng mình là người viết có quyền năng sáng tạo từ ngữ mới. Có lẽ đúng là như vậy! Nhưng tôi thì nhận được đủ một bài học khi mới tập tọng vào nghề viết là, đừng có chê văn của ai, kể cả nói riêng thân tình với nhau cũng không được. Thì đã có câu, “văn mình vợ người” mà. Thế đấy!

Tôi hay đọc báo. Từ báo giấy cho đến báo mạng.

Hôm vụ tai nạn giao thông xe công ten nơ cán người đứng chờ đèn đỏ ở trong Nam, tôi thấy có một cái tít báo giật rất ác, họ dùng từ “hạ gục” để chỉ cái hành động của cái tên tội phạm cầm lái cái xe hung thần kia đâm vào những người dân lành chấp hành đúng luật giao thông đang đứng chờ đèn đỏ. Tôi bàng hoàng. Đã bàng hoàng đau đớn vì tai nạn thảm khốc thì lại thêm cái nỗi đau vì thấy báo chí gì mà giật tít vô cảm, khốn nạn đến tận cùng như kia. Hạ gục, từ đó dành để chỉ súc vật hay kẻ thù mà thôi. Cùng lắm là đối thủ trong những trận quyết đấu một mất một còn. Đằng này, trên nỗi đau khôn cùng của đồng bào, tay phóng viên, biên tập viên nào đó vẫn thản nhiên dùng từ “hạ gục”, cứ như không! Không một chút mảy may cảm xúc xót xa. Ráo hoảnh. Thật là đáng sợ!

Nhưng chẳng cứ báo chí. Đến những nơi thường phải rất cẩn trọng chuyện chữ nghĩa, là các cơ quan công quyền của nước mình giờ cũng đầy chuyện cười ra nước mắt. Ở chốn công quyền, người xưa đã dặn là, “bút sa gà chết”, “án tại hồ sơ”... Thế nhưng, giờ đây họ cứ coi như trò đùa: Ông Bộ giao thông, bị dân phản đối về cái việc đặt trạm thu phí BOT không đúng chỗ, bèn đổi là “thu giá”! Chắc bộ này nghĩ đưa từ “thu giá” mập mờ nghĩa, thay cho từ “thu phí” rõ ràng kia thì dân tình sẽ mải suy nghĩ chuyện chữ nghĩa mà quên đi rằng các ông ấy đang móc túi nhân dân sao? Thế mới biết trình độ chữ nghĩa của quan chức bộ này cao thật!

Tôi xem báo mạng, thấy đăng có người bảo vệ thành công đề tài tiến sĩ về “Hành vi nịnh”! Hơi nghi hoặc. Đang định có dịp tìm hiểu sâu hơn. Thế nhưng gần đây đọc một văn bản của nhà nước hẳn hoi, quy định cán bộ công chức “không được nịnh cấp trên không trong sáng”! Ô. Thế này có nghĩa là công chức được “nịnh trong sáng”!

Nịnh - là hành vi khen ngợi một người quá đáng và hèn hạ để cầu lợi! Đó là định nghĩa của từ điển tiếng Việt về động từ “nịnh”. Thế ra là công chức thì được phép nịnh, được hèn hạ sao? Hay đó là phẩm chất cần phải có của giới công chức nước nhà? Còn thế nào là “nịnh trong sáng” và “nịnh không trong sáng” thì chưa thấy từ điển giải nghĩa. Dự là sau kỳ này sẽ có ít nhất hai luận văn tiến sĩ cấp quốc gia để giải thích rõ hai thuật ngữ kia cho đồng bào quốc dân hiểu. Chắc chắn vậy!

Tiếng Việt là một sinh ngữ. Nên hàng ngày hàng giờ vẫn đang sinh sôi phát triển. Nhiều từ mới, nhiều thuật ngữ mới được ra đời và bổ sung vào kho tàng ngôn ngữ của chúng ta. Nó làm giàu đẹp thêm tiếng Việt. Thế nhưng bổ sung những từ, những thuật ngữ mà khi đọc lên thấy tối tăm mù mịt nghĩa ngữ mông lung hơn thì... xin ai đó đừng âm mưu sáng tạo gì thêm cho rắc rối con mẹ hàng tơ!

Bởi thực ra tiếng Việt hiện nay cũng khá đầy đủ để cho các vị diễn đạt một cách chính xác những gì muốn nói rồi. Sự thực là vậy mà!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top