Aa

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh: Ba nhóm nội dung đặc biệt quan trọng khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Hai, 27/11/2023 - 15:29

Nội dung thể hiện trong dự thảo luật phải đồng bộ với kết luận số 45 - hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu góp ý xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 27/11, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Ninh Bình nhận định, hồ sơ dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ, có chất lượng theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung dự thảo đã quy phạm hóa tương đối đầy đủ 9 nhóm chính sách với nhiều nội dung mang tính đột phá, đặc thù, có kế thừa, bổ sung và phát triển so với Luật Thủ đô năm 2012.

Để việc xây dựng và tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) thực sự tạo được động lực và khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đạt được các mục tiêu xây dựng và phát triển thủ đô theo Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ, cụ thể hơn một số nội dung sau trong dự thảo luật:

Một là, Hà Nội là đô thị đặc biệt, là trung tâm văn hóa của cả nước và có nền văn hiến hơn 1000 năm. Lịch sử Hà Nội là một phần vô cùng quan trọng để tìm hiểu về lịch sử của dân tộc Việt Nam. 

Tuy nhiên dự thảo chưa thể hiện rõ, nét riêng có của văn hóa Thủ đô, chưa làm rõ nội hàm "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; thành phố di sản, sáng tạo và các nguồn lực phát triển văn hoá Thủ đô. Đối với các quy định về bảo tồn di sản, văn hóa của Hà Nội, tại khoản 4 Điều 23có quy định “Các khu vực, di tích và di sản sau đây được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa:…”.

Tuy nhiên, các giải pháp, biện pháp, điều kiện và nguồn lực bảo đảm để thực hiện bảo tồn, trách nhiệm của chính quyền các cấp ở Thủ đô và của Trung ương cho việc bảo tồn, khôi phục các di tích, di sản chưa quy định cụ thể tại dự thảo Luật, chưa có những điều chỉnh so với Luật Di sản văn hóa hiện hành để Thủ đô có quy định đặc thù và lộ trình thực hiện sớm hơn, bảo đảm xử lý ngay các vấn đề cấp bách trong bảo tồn di sản, văn hóa của Hà Nội do các vướng mắc từ quy định, cơ chế, chính sách hiện hành. Do vậy, cần rà soát để quy định rõ nét, đầy đủ, cụ thể các nội dung trên.

Hai là, về phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô (quy định tại Điều 24 dự thảo), chưa có những quy phạm cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong bố trí trường lớp, bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất để giáo dục toàn diện cả trí lực, thể lực, tâm lý, tinh thần cho trẻ em, nhất là ở các khu vực đô thị lõi, đô thị mới tập trung đông dân cư hiện nay; chưa khắc phục được sự chênh lệch trong đầu tư, phát triển chất lượng giáo dục giữa khu vực nội thành và ngoại thành, nông thôn; chưa có sự gắn kết trong quy hoạch giáo dục với quy hoạch tổng thể của Thủ đô. 

Quy định tại khoản 2 Điều 24 dự thảo luật mới chỉ dừng ở tính  nguyên tắc và định hướng, còn các biện pháp và điều kiện bảo đảm thực hiện, thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp chính quyền Thủ đô để thực hiện chưa được quy định cụ thể. Do vậy, cần nghiên cứu quy định cụ thể để đảm bảo tính khả thi.

Ba là, về quy định liên kết, phát triển vùng Thủ đô quy định tại chương 5. Nhìn chung các quy định về vùng Thủ đô trong dự thảo Luật mặc dù đã cơ bản thể chế được tinh thần của Nghị quyết số 06, Nghị quyết số 15; nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị, bằng các chính sách cụ thể để vùng thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực phát triển trọng điểm của đất nước. Đồng thời cũng đã kế thừa hợp lý các quy định hiện hành về vùng Thủ đô.

Tuy nhiên, vấn đề liên kết, phát triển vùng nói chung là một nội dung khó, chưa được pháp lý hóa một cách rõ ràng, cụ thể, đồng bộ trong hệ thống pháp luật nước ta. Trong đó, việc điều phối hoạt động đầu tư phát triển của các vùng kinh tế - xã hội nói chung và vùng Thủ đô nói riêng cần rõ ràng về cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính, cơ chế quản lý điều hành, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng địa phương trong vùng. 

Do vậy, để xây dựng các quy định về liên kết, phát triển vùng Thủ đô trong luật hiệu quả, khả thi, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu quy định đầy đủ, cụ thể hơn một số nội dung sau:

Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 46 quy định: “Vùng Thủ đô là vùng phát triển kinh tế - xã hội, tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia;…”. Quy định này chưa đầy đủ, bởi khi đề cập đến hạ tầng kỹ thuật phải song song với hạ tầng xã hội và quy định này hẹp hơn, chưa đồng bộ với Kết luận số 45 - hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ hai, dự thảo luật có phạm vi điều chỉnh cả những hoạt động kinh tế - xã hội của vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, trong đó có quy định giao Thủ đô vai trò “chủ trì điều phối thực hiện và quản lý quy hoạch vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Vì vậy cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ nét hơn, cụ thể hơn các quy định đặc thù khác liên quan đến vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng trong dự thảo như: Thẩm quyền về đầu tư các dự án có tính chất vùng, việc đầu tư sang địa bàn tỉnh khác của các địa phương, các ưu đãi đầu tư đối với dự án của vùng, các cơ chế, quy định đặc thù về liên kết vùng trong các lĩnh vực: hạ tầng kỹ thuật, môi trường, giáo dục, lao động, quản lý dân cư, phân vùng sản xuất công nghiệp, logictic…để tạo cơ sở cho việc liên kết vùng một cách hiệu quả, thực chất.

Thứ ba, cần xem xét quy định chi tiết cơ chế phối hợp để phát triển hạ tầng về giao thông và bảo vệ môi trường; trong đó nghiên cứu phát triển các tuyến đường sắt đô thị kết nối các đô thị trung tâm thủ đô và các đô thị của các tỉnh lân cận theo mô hình TOD và việc cải tạo, xử lý, làm sạch môi trường các con sông trong vùng Thủ đô; việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại của các địa phương trong vùng một các hợp lý, hiệu quả.

Thứ tư là đối với các điều khoản giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định chi tiết, dự thảo cần có quy định về nguyên tắc và cơ chế kiểm soát thực hiện… làm cơ sở pháp lý cho các chủ thể được giao quyền khi xây dựng, ban hành văn bản dưới luật.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top