Aa

Để con có bố - để nhà có phong thủy

Thứ Ba, 21/03/2017 - 07:27

Hồi hôm, tôi ngồi nói chuyện cùng người chị, đồng môn hồi học SKĐA, về chuyện tại sao nhiều phụ nữ chấp nhận chồng ngoại tình chỉ bởi để con có bố. Và nói một cách châm biếm, chị bảo: Trong nhà phải có đàn ông cho nó có tí phong thuỷ vậy. Bởi những cặp vợ chồng ấy giờ sống với nhau như cùng diễn một vở kịch mà các con là khán giả vậy.

Người ta chấp nhận chồng bồ bịch hay chồng bỏ bê vợ con, chấp nhận một cuộc hôn nhân chỉ trên danh nghĩa, cố giữ mái hiên tạm bợ ấy rồi hão huyền rằng nó là mái nhà. Người ta nuốt nước mắt mà cười nói với ngoài kia về chồng, về gia đình, về hôn nhân, về hạnh phúc, về tương lai. Thật đau lòng!

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Có một vạn tám nghìn lời giải thích, bao biện cho sự níu giữ vỏ bọc ấy.
Như không muốn làm bố mẹ xấu mặt khi có con gái bị chồng bỏ, hoặc bỏ chồng.
Tôi đã thấy nhiều phụ nữ phải đi thuê nhà sống sau ly dị chỉ vì lý do ấy.
Như muốn giữ bố cho con.
Tôi cũng đã thấy nhiều phụ nữ ly dị xong vẫn vật vã chuyện chồng cũ không đón con, không đóng góp tiền nuôi con, bỏ bê con chạy theo phụ nữ khác.
Như muốn giữ thể diện bản thân, danh dự, lòng tự ái.
Tôi cũng đã thấy nhiều phụ nữ ly dị chồng xong không còn dám gặp lại bạn bè, người yêu cũ…
Như sợ ly dị chồng rồi sẽ chẳng còn thằng nào muốn lấy gái một lần đò nữa.
Tôi đã thấy nhiều phụ nữ ly dị xong nhiều năm rồi không yêu được ai khác nữa dù hàng chục đàn ông cứ lần lượt đến rồi lại ra đi.
Hay hàng trăm lý do khác, hàng vạn điều khó khăn khác.
Thế nên người ta sợ ly dị.
Thế nên người ta không dám ly dị.
Người ta thà sống nuốt nước mắt vào trong.
Người ta thà sống quạnh quẽ bên chồng, cô đơn bên chồng.
Người ta thà nhắm mắt vờ không thấy khi chồng hôn tạm biệt bồ ngay trước cửa nhà mình.
Người ta thà làm tất thảy một mình chỉ cần vẫn danh nghĩa có chồng.

Đôi khi đứa trẻ chính là khán giả chứng kiến màn kịch của bố mẹ.

Đôi khi đứa trẻ chính là khán giả chứng kiến màn kịch của bố mẹ.

Tôi chỉ muốn hỏi những người phụ nữ kia rằng: Con cái các vị học được gì từ một gia đình như thế?
Nếu nó là con trai, nó sẽ như bố nó chứ? Cho rằng vợ chỉ là thứ danh nghĩa? Bao nhiêu phụ nữ khác sẽ khổ vì nó giống bố nó? Hay nếu nó yêu mẹ, nó sẽ cảm thấy căm thù ông bố kia thế nào? Liệu nó học được điều gì từ ông bố vô trách nhiệm kia???
Nếu nó là con gái, nó có còn tin vào đàn ông nữa không? Nó có còn tin vào hôn nhân nữa không? Nó có còn tin vào gia đình nữa không?

Tôi chỉ muốn hỏi những người phụ nữ kia rằng: Cuộc đời này có nhiều nhặn chi cho cam để cứ sống trong tủi nhục nhường vậy? Ngoảnh đi ngoảnh lại, mây bay khắp đầu, ta sẽ kể lại cuộc đời mình bằng nước mắt hay bằng lòng hận đau nọ?

Tôi cũng muốn hỏi những người phụ nữ kia rằng: Bố mẹ các vị sẽ đỡ đau hơn khi thấy con bị chồng đánh bầm dập nhưng vẫn là vợ của gã, lủi thủi một mình nhưng vẫn mang tiếng có chồng ư? Có bố mẹ nào tàn nhẫn vậy ư? Có bố mẹ nào đặt sĩ diện bản thân lên trên cả nỗi đau con mình vậy ư?

Tôi còn muốn hỏi nhiều nữa, nhiều nữa nhưng càng hỏi sẽ chỉ càng thấy thật buồn. Khi mà họ- những người phụ nữ ấy cũng đã chấp nhận và thoả hiệp cuộc đời của họ, khi mà họ đã tự coi như “chết” rồi và chỉ “sống như 1 cái xác” chờ ngày đem chôn.

Năm tháng cứ thế mà trôi đi, ngày nối tiếp ngày, tuổi xuân cạn kiệt. Ừ thì cứ đổ cho số phận mà sống vậy. Số phận ấy vốn đã được định đoạt từ khi người phụ nữ quên đi giá trị của bản thân mình vậy!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top