Aa

Để dòng tiền không “hanh khô” kéo dài

Chủ Nhật, 18/11/2018 - 02:00

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và ngân hàng trung ương các nước phát triển đang chủ động làm “khô” thanh khoản (to dry up liquidity), đặt thị trường cổ phiếu vào trạng thái mong manh. Một điều đáng lưu ý là mặc dù bị rất nhiều sức ép từ Tổng thống D. Trump nhưng Fed vẫn cứ tự tin điều hành chính sách tiền tệ, từ từ nâng lãi suất cơ bản theo định hướng của riêng mình.

Đến nay hầu hết các ngân hàng buộc phải loay hoay xử lý, chật vật đối phó, giật gấu vá vai bằng mọi cách, thu nợ cũ mới có nguồn giải ngân ra. Ảnh: THÀNH HOA

Đến nay hầu hết các ngân hàng buộc phải loay hoay xử lý, chật vật đối phó, giật gấu vá vai bằng mọi cách, thu nợ cũ mới có nguồn giải ngân ra. Ảnh: THÀNH HOA

Hiện tượng này làm ta liên tưởng ngược đến thực trạng chặn hạn mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay. Nói nôm na đó cũng là một cách làm “khô tiền” trên thị trường tiền tệ, tất nhiên bối cảnh ở ta khác nhiều so với các nước. Đến nay hầu hết các ngân hàng (trong nước) buộc phải loay hoay xử lý, chật vật đối phó, giật gấu vá vai bằng mọi cách, thu nợ cũ mới có nguồn giải ngân ra. Khách hàng than trời, ngay cả khi còn dư hạn mức tín dụng vẫn phải chờ đợi dài dài, kế hoạch làm ăn có nguy cơ bị đổ bể, còn ngân hàng chỉ biết ngậm ngùi xin lỗi... Nhưng hậu quả chưa chắc dừng lại ở đó.

Có thể khẳng định câu chuyện “khô tiền” hiện nay là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ động điều tiết. Mặc dù thanh khoản thị trường hiện vẫn ở mức dồi dào, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đến cuối tháng 10 năm nay mới ở mức 10,5%, nằm trong phạm vi điều hành cả năm từ 12-14%. Một lý do quan trọng để NHNN ra tay chặn hạn mức tăng trưởng tín dụng chắc chắn xuất phát từ yêu cầu kiểm soát lạm phát. Chỉ số lạm phát đến tháng 10 đã gần chạm ngưỡng trần 4% do Quốc hội đề ra. Kìm hãm cung tiền thông qua ngăn dòng tín dụng được xem là cách thức nhanh chóng và hiệu quả nhất để kiềm chế lạm phát, thay vì kiểm soát giá cả hoặc chi tiêu công gần như không mang lại tác dụng nào lớn. Tuy nhiên, cũng cần nói thẳng đây là lựa chọn biện pháp hành chính vừa dễ dàng thực thi, vừa giành lợi thế cho nhà điều hành chính sách.

Ẩn ý khác đằng sau việc chặn hạn mức tăng trưởng tín dụng còn nhằm thắt chặt bớt dòng tiền đi vào một số lĩnh vực nhạy cảm (đầu cơ bất động sản, chứng khoán...). Chủ trương này là đúng vì đã điểm huyệt trúng điểm yếu lâu nay của nền kinh tế cũng như của hệ thống ngân hàng. Xu hướng chạy theo đầu cơ thái quá về lâu dài sẽ tạo áp lực lớn lên cân đối vốn trung, dài hạn của toàn hệ thống. Sang năm 2019 tỷ lệ vốn ngắn hạn được phép cho vay trung, dài hạn sẽ tiếp tục giảm từ 45% xuống tối đa 40%. Nếu không có sự cảnh báo và chuẩn bị ngay từ bây giờ thì chắc chắn sẽ “vượt chuẩn” chiếu theo quy tắc Basel mới.

Tuy nhiên, để “đập chuột không vỡ bình” thì NHNN nên cân nhắc bổ sung giải pháp quản lý rủi ro riêng đối với loại hình tín dụng bất động sản/chứng khoán, tạo điều kiện cho các ngành nghề kinh doanh khác vận hành bình thường mà không bị tác động xấu bởi tình trạng chặn hạn mức tăng trưởng tín dụng như hiện nay. Một hệ thống hạch toán kế toán chặt chẽ, hành lang pháp lý đầy đủ, có cơ chế thanh tra, giám sát từ xa cho đến gần... sẽ cho phép NHNN lèo lái được tình hình. Cũng cần lưu ý rằng nếu chỉ phó mặc cho chính sách tiền tệ gồng gánh câu chuyện kiểm soát đầu cơ bất động sản, chứng khoán thì sẽ không có hiệu quả lâu dài, mà cần xác định đây là hệ quả tổng hợp của một loạt chính sách vĩ mô về quản lý tài chính, đất đai, thuế khóa, kiểm soát thu nhập...

Thực trạng hiện nay là một khi dòng tiền lớn từ hệ thống tín dụng bị chặn lại, tất yếu kéo theo hiện tượng “khô tiền” theo kiểu dây chuyền: (1) Những dòng tiền khác, kể cả nổi và chìm, nhanh chóng chen chân vào để thay thế, là cơ hội tốt để “tín dụng đen” lộng hành, sinh sôi nảy nở; (2) Nguy cơ thoát ly dòng tiền chính thống ra khỏi hệ thống ngân hàng ngày càng lớn. Người vay sẽ ngại chuyển dòng tiền về tài khoản chính do tâm lý sợ ngân hàng kiểm soát chặt, tận thu trước hạn... Người gửi kẹt vốn, nếu không thể cầm cố, thế chấp thì buộc phải chấp nhận rút tiền bất ngờ; (3) Mặt bằng lãi suất gửi/vay hiện đã tăng lên ít nhất từ 0,5-1% so với sáu tháng đầu năm, đây chắc chắn là điểm trừ đối với kết quả điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2018, thậm chí có khả năng kéo dài sang năm sau. Dòng tiền trên thị trường tiền tệ đang có hiện tượng biến dạng, méo mó, bất bình thường, xu thế này nếu kéo dài sẽ rất bất lợi, nhất là đang cận kề giai đoạn cao điểm vào dịp lễ, Tết.

Việc duy trì dòng tiền chính thống vận hành sao cho trơn tru, lành mạnh, tránh “hanh khô” kéo dài thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững, củng cố lòng tin vào thị trường. Khả năng này trước hết phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng thương mại, sau đó là vai trò can thiệp của NHNN. Mâu thuẫn lớn hiện nay là làm sao dung hòa giữa mục tiêu quản lý kinh tế vĩ mô với lợi ích kinh doanh hợp pháp, chính đáng của các chủ thể trên thương trường. Biện pháp kiểm soát hành chính lâu nay về giao hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm, trước mắt vẫn chưa thể từ bỏ, nhưng cần tránh tình trạng giật cục, nóng lạnh giữa dòng. Bên cạnh đó, cần thiết phải duy trì môi trường điều hành minh bạch, nhất quán, đồng bộ các chính sách liên quan với chính sách tiền tệ nhằm giảm thiểu những nhân tố chủ quan, phi thị trường cộng với rủi ro bất ngờ.

Dòng tiền trên thị trường tiền tệ đang có hiện tượng biến dạng, méo mó, bất bình thường, xu thế này nếu kéo dài sẽ rất bất lợi, nhất là đang cận kề giai đoạn cao điểm vào dịp lễ, Tết.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top