Aa

Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP. Đà Nẵng

Thứ Sáu, 24/01/2020 - 06:15

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ảnh minh họa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã chỉ ra rằng trước bối cảnh thách thức của yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của quá trình hội nhập cạnh tranh quốc tế thì còn có một số hạn chế như cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng chậm được ban hành, một số rào cản, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời; các thách thức về công tác quản lý như: quy hoạch đô thị và đất đai; nguồn vốn đầu tư phát triển chưa đáp ứng nhu cầu; thu hút đầu tư nước ngoài còn hạn chế…đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Thành phố.

Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách trong một số lĩnh vực cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với TP. Đà Nẵng là cần thiết để TP. Đà Nẵng có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, xứng đáng hơn nữa là đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội miền Trung - Tây Nguyên, có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước.

Tạo cơ chế huy động vốn đầu tư phát triển

Dự thảo Nghị quyết quy định: “Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.”

Việc quy định tăng giới hạn mức dư nợ vay bảo đảm cho thành phố Đà Nẵng có thêm dư địa được vay và phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như hiện nay. Đồng thời đáp ứng được nhu cầu vay lại vốn nước ngoài đã ký Hiệp định hoặc dự kiến kêu gọi vốn vay ODA và vay ưu đãi của các Nhà tài trợ trong thời gian tới để thực hiện đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm của thành phố với tổng nhu cầu vốn khoảng gần 6,3 tỷ USD. Mức dư nợ vay này vẫn thấp hơn mức dư nợ vay tối đa áp dụng cho TP.HCM theo Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm đối với phát triển TP.HCM là 90%.

Việc tăng mức dư nợ vay này được kiểm soát trong giới hạn nợ công cho phép, vì tổng mức vay và bội chi ngân sách của thành phố Đà Nẵng hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước do Quốc hội quyết định. Đồng thời, tạo điều kiện cho thành phố có thêm nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, huy động vốn đầy đủ, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, đảm bảo an toàn, bền vững nợ công.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất thí điểm phân cấp cho (1) HĐND phê duyệt chủ trương điều chỉnh Quy hoạch tỉnh; (2) UBND thành phố tổ chức thẩm định và trình HĐND thông qua nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch tỉnh; (3) Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, HĐND thành phố thông qua điều chỉnh Quy hoạch tỉnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo không làm thay đổi mục tiêu của quy hoạch, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 3, 4 Điều 53 Luật Quy hoạch. Việc áp dụng chính sách này sẽ tăng cường phân cấp, đảm bảo sự chủ động cho địa phương và rút gọn thời gian, giảm chi phí cho các thủ tục lập điều chỉnh Quy hoạch thành phố so với quy định hiện hành trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp quản lý và tạo sự chủ động để thành phố thực hiện nhiệm vụ của địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top