Aa

Đề xuất xem xét dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn trong năm 2018

Chủ Nhật, 11/03/2018 - 06:01

Đó là một trong những đề xuất của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tại Diễn đàn phát huy vai trò doanh nghiệp bất động sản triển khai thực hiện đề án phát triển thị trường bất động sản TP.HCM.

Cụ thể, Hiệp hội đề nghị Thường trực Thành ủy và Thường trực UBND TP xem xét ý tưởng và đề xuất dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn của Tập đoàn Tuần Châu trong quá trình điều chỉnh sửa đổi Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM trong năm nay.

Ông Châu cho rằng, nếu dự án này được bổ sung vào quy hoạch phát triển giao thông đường bộ và được thực hiện sẽ tạo động lực phát triển dài hạn cho thành phố, trước hết là khu vực Tây Bắc thành phố, gồm quận Gò Vấp, 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi và các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An.

Liên quan tới đề xuất này, hồi cuối năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản góp ý gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM.

Theo Bộ này, các nội dung chi tiết của hồ sơ đề xuất cần được rà soát, hoàn chỉnh, đảm bảo phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành vùng và kế hoạch phát triển kinh tế xã hộ của địa phương. Bộ này cũng đề nghị bổ sung một số nội dung còn thiếu liên quan đến năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư. Bộ chỉ rõ nhà đầu tư cần làm rõ hướng, tuyến, địa điểm thực hiện trên cơ sở rà soát quy hoạch phát triển giao thông quốc gia, cũng như TP.HCM.

nếu dự án này được bổ sung vào quy hoạch phát triển giao thông đường bộ và được thực hiện sẽ tạo động lực phát triển dài hạn cho thành phố

Nếu dự án này được bổ sung vào quy hoạch phát triển giao thông đường bộ và được thực hiện sẽ tạo động lực phát triển dài hạn cho thành phố.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị TP.HCM nên xem xét kỹ càng, cân nhắc trước khi cho phép Tập đoàn Tuần Châu thực hiện dự án. Đồng thời, đề nghị thành phố tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án để đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng và hiệu quả.

Ngoài ra, Chủ tịch HoREA cũng đề nghị UBND thành phố sớm ban hành cơ chế xã hội hóa đầu tư theo hình thức hợp đồng BT để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng đô thị, trước hết là hạ tầng giao thông, chỉnh trang nhà ven và trên kênh rạch, xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng.

Theo ông Châu, UBND TP.HCM cần tiếp tục chỉ đạo cải cách mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư, giải phóng mặt bằng, thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp ngân sách (trước hết là tiền sử dụng đất), để hỗ trợ và tạo điều kiện cho chủ đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án.

Đối với cấp Trung ương, HoREA đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét thông qua các dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và 5 Luật Thuế; sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2015/NĐ-CP quy định cụ thể việc "Sử dụng nhà, đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao" (BT)… Còn Bộ Xây dựng được đề xuất sớm ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - Tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng để thay thế Quy chuẩn cũ không còn phù hợp với Luật Nhà ở 2014.

Về phía các doanh nghiệp bất động sản, Hiệp hội khuyến nghị họ cần quan tâm phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ (1 - 2 phòng ngủ), có giá bán vừa túi tiền (khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn) bởi đây đang là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao và bền vững; tham gia các chương trình xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng; chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch và chương trình nhà ở xã hội của thành phố…

Các doanh nghiệp cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, chuẩn bị được quỹ đất, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án… để đủ điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng theo chính sách mới hiện nay và chuẩn bị sẵn sàng cho việc hạn chế tín dụng vào bất động sản dự kiến áp dụng kể từ ngày 1/1/2019.

Đồng thời, doanh nghiệp cần tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường năng lực tài chính, giảm dần lệ thuộc vào vốn tín dụng; xem xét chuyển đổi thành CTCP để có điều kiện gọi vốn ngoài xã hội và định hướng trở thành công ty đại chúng, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, khi đủ điều kiện thì phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu dự án, phát hành cổ phiếu, tiến đến niêm yết trên sàn chứng khoán ở nước ngoài…

Ngoài ra, việc hợp tác, liên doanh, sát nhập để hình thành các tập đoàn bất động sản trong nước có năng lực mạnh cần được chú ý; khuyến nghị doanh nghiệp lựa chọn đối tác là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài uy tín và có năng lực tài chính để tăng cường hiệu quả kinh doanh, học hỏi kinh nghiệm, năng lực quản trị.

Ông Châu cũng nói thêm rằng, thị trường bất động sản năm 2018 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn về tài chính - vốn; về quan hệ cung - cầu; về tiếp cận quỹ đất đầu tư; về thủ tục hành chính. Nhưng trước hết là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục thực hiện lộ trình hạn chế dần nguồn tín dụng vào thị trường bất động sản.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top