Aa

Đến năm 2030, 100% người dân Hà Nội được sử dụng nước sạch

Thứ Tư, 10/07/2019 - 23:44

Sáng 10/7, với 100% số đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP. Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch hệ thống cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đến năm 2030, tỷ lệ dân cư đô thị trung tâm, dân cư vvà dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đều đạt 100%.

Trước đó, tại tờ trình của UBND TP xin ý kiến thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nói về sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, thời gian qua Thủ đô có sự phát triển nhanh về kinh tế xã hội và tốc độ đô thị hóa, dẫn đến nhu cầu dùng nước sinh hoạt và sản xuất ngày càng gia tăng.

Cùng đó, thực trạng hệ thống cấp nước đô thị và cấp nước nông thôn Hà Nội cũng thay đổi theo hướng không như dự báo trước đây, ở một số khu vực thiếu nước do nhu cầu tăng nhanh hơn so với năng lực phục vụ của các công trình cấp nước.

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục trình của UBND TP xin ý kiến thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục trình của UBND TP xin ý kiến thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Dự báo, nhu cầu dùng nước trong những năm tiếp theo sẽ có sự thay đổi so với trước đây, vì vậy, rất cần thiết phải tính toán lại nhu cầu dùng nước và điều chỉnh các phương án cấp nước để đáp ứng nhu cầu dùng nước của Thủ đô.

Việc điều chỉnh quy hoạch này phù hợp với hiện trạng và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, đảm bảo cấp nước an toàn và bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu để cấp nước cho khu vực đô thị và nông thôn với cùng một tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch của Bộ Y tế. Cập nhật điều chỉnh các dự án ưu tiên đang nghiên cứu triển khai, điều chỉnh phân kỳ đầu tư các dự án và các giải pháp để thu hút nguồn lực tham gia đầu tư phát triển và quản lý vận hành hệ thống cấp nước theo hình thức xã hội hóa…

Theo chỉ tiêu, đến năm 2030, tỷ lệ dân cư đô thị trung tâm, dân cư đô thị vệ tinh và dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đều đạt 100%.

Theo dự báo, tổng nhu cầu dùng nước của toàn TP đạt 2,041 triệu m3/ngày vào năm 2020, 2,766 triệu m3/ngày vào năm 2030 và 3,393 triệu m3/ngày vào năm 2050.

Về điều chỉnh quy hoạch sử dụng nguồn nước, để đáp ứng nhu cầu dùng nước của TP giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cả hai nguồn nước mặt và nước ngầm đều được sử dụng. Tuy nhiên, ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, từng bước giảm dần khai thác nguồn nước ngầm.

Các nhà máy nước ngầm giảm dần công suất và chuyển thành các trạm bơm tăng áp, nguồn nước dự phòng khi có nguồn nước mặt thay thế và dừng hoạt động từ giai đoạn 2050. Nguồn nước mặt là nguồn nước cung cấp bổ sung và thay thế cho nước ngầm là các nguồn nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống .

Đồ án điều chỉnh quy hoạch cấp nước Hà Nội được đề xuất chia hệ thống cấp nước thành 5 khu vực cấp nước chính gồm: Khu vực trung tâm, khu vực phía Tây, phía Bắc, phía Đông và phía Nam, nhưng vẫn nằm chung trong tổng thể hệ thống cấp nước Hà Nội. Mạng lưới cấp nước các khu vực được nối thông với nhau để hỗ trợ cấp nước trong những trường hợp cần thiết.

Để đảm bảo các nhu cầu cấp nước đến năm 2025, cần ưu tiên đầu tư các dự án như: Nước mặt sông Đà, sông Đuống giai đoạn 2, sông Hồng, nước mặt Xuân Mai, nước mặt Ba Vì.

Tại báo cáo thẩm tra, Ban Đô thị - HĐND TP cơ bản thống nhất với nội dung đồ án. Đồng thời đề nghị UBND TP cần nghiên cứu để có giải pháp đảm bảo khả năng cung cấp nước cho TP đến năm 2020 với nhu cầu 2,041 triệu m3/ngày trong khi nhà máy nước mặt sông Hồng và nhà máy nước mặt Xuân Mai hiện chưa triển khai thi công nhưng đồ án vẫn cập nhật khả năng cung cấp nước của 2 nhà máy này với tổng công suất là 350.000m3/ngày; làm rõ thêm giải pháp về nguồn lực đầu tư xây dựng, khả năng và giải pháp tăng cường xã hội hóa thực hiện.

Xung quanh việc điều chỉnh quy hoạch hệ thống cấp nước, đại biểu Nguyễn Việt Anh góp ý, về quản lý hệ thống cấp nước, cần nghiên cứu, kiểm soát chất lượng nước thông minh, đặc biệt tại các nhà máy nước, khu vực đấu nối mạch vòng tiếp nhận nguồn nước tự nhiên từ nhiều nhà máy. Đồng thời công khai minh bạch chất lượng nước trên mạng thông tin truyền thông.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top