Aa

ĐHCĐ VIB: Chủ tọa cởi mở, cổ đông phấn khởi

Thứ Sáu, 30/03/2018 - 01:40

Có lẽ cổ đông VIB là những người phấn khởi bậc nhất nhì trong mùa đại hội năm nay bởi các kế hoạch ban lãnh đạo ngân hàng đưa ra cho năm 2018 cơ bản đều có lợi cho nhà đầu tư.

Thắc mắc của cổ đông đều được giải đáp

Thắc mắc của cổ đông đều được lãnh đạo VIB giải đáp tại ĐHCĐ

Các chỉ số tài chính đều đặt mục tiêu tăng hai con số

Sáng ngày 29/3, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB – UPCoM) tổ chức ĐHĐCĐ tại Hà Nội. Tại đại hội, VIB lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2018 đạt 2.005 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2017. Tổng tài sản đạt 150.231 tỷ đồng, tăng 22%.

Theo chia sẻ của ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT, kế hoạch lợi nhuận 2.005 tỷ đồng dựa trên mức con số "sàn" - mức thấp nhất mà ngân hàng phải đạt được. Còn mức lợi nhuận mà VIB hướng tới là 2.300 -2.500 tỷ đồng.

Riêng trong quý I, lợi nhuận của VIB ước đạt 500 tỷ đồng, dù mới hoàn thành 20% kế hoạch năm nhưng mức lợi nhuận trên cao gấp 3 lần cùng kỳ. Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) tiếp tục giảm xuống 52%.

Giải thích về lý do CIR giảm mạnh trong quý IV/2017, ông Hoàng Linh, Giám đốc tài chính VIB, cho biết các nguồn thu tăng nhanh là một trong các nguyên nhân chính. Gồm khoản thu nhập phí quý IV, khoản thưởng cuối năm từ banca sau khi vượt hạn mức yêu cầu của Prudential, cùng sự thuận lợi của thị trường chuyển nhượng vốn.

Kế hoạch lợi nhuận 2018, theo ông Linh, được xây dựng dựa trên dự kiến trích lập dự phòng 450 tỷ đồng. Tuy nhiên, với câu hỏi liên quan đến kế hoạch trích lập, Chủ tịch của VIB cho rằng đây là việc trích lập có tính tuân thủ mà không phải chỉ tiêu, dựa trên rủi ro và chất lượng tài sản. Theo ông, chất lượng tài sản hiện đang tốt và việc trích lập trong tương lai đối với các khoản vay mới đang tiến về 0. Phương án kinh doanh mà VIB đề ra năm nay tiếp tục dựa trên 2 phương án tăng trưởng tín dụng 14% và 25%. 

Thưởng 1,98 triệu cổ phiếu ESOP, VIB sẽ giữ tỷ lệ an toàn vốn CAR trên 13%

Huy động vốn kế hoạch đạt 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22%. Tăng trưởng tín dụng tiếp tục theo hai phương án 14% (“room” tín dụng hiện được NHNN cho phép) và 25%, thấp hơn kế hoạch đề ra trong năm trước lần lượt là 16% và 32%. Mục tiêu nợ xấu năm 2018 của VIB là duy trì dưới mức 3%.

Theo phương án trình cổ đông, VIB sẽ sử dụng cổ phiếu quỹ để thưởng cổ phiếu ESOP cho CBCNV làm việc trên 1 năm và có đóng góp cho ngân hàng. CBCNV không cần chi trả tiền mua đồng thời không bị hạn chế chuyển nhượng mà có thể giao dịch ngay khi cổ phiếu về tài khoản. Phương án thưởng cổ phiếu thực tế đã được VIB trình từ năm ngoài với số lượng dự kiến lớn hơn (2,3 triệu cổ phiếu).

Ngoài ra, VIB sẽ chia thưởng cho cổ đông, chào bán ra bên ngoài. Tỷ lệ tối đa phát hành mới cho nhà đầu tư bên ngoài là 10% vốn điều lệ. Tổng cộng, vốn điều lệ VIB dự kiến sẽ lên tối đa 8.100 tỷ đồng từ mức 5.644 tỷ đồng hiện nay.

Nguồn vốn tăng lên 2.455 tỷ đồng, dự kiến sẽ chủ yếu dùng để tăng cấp tín dụng 1.455 tỷ đồng. Còn lại, VIB dự kiến dùng 600 tỷ đồng để mua trái phiếu (đầu tư tài sản thanh khoản), còn lại đầu tư công nghệ, mở rộng mạng lưới. Nếu như vốn điều lệ tăng đúng như kế hoạch, VIB sẽ giữ tỷ lệ an toàn vốn CAR trên 13%.

Tối ưu hóa nguồn vốn bằng việc không đầu tư tài sản cố định, tận dụng vốn liên ngân hàng

Một trong các chỉ tiêu chưa hoàn thành của VIB trong năm 2017 là kế hoạch huy động vốn. Đối với việc này, Chủ tịch VIB cho rằng không nhất thiết phải huy động bằng mọi giá. Hiện ngân hàng tận dụng thị trường liên ngân hàng có chi phí thấp hơn (chỉ khoảng 2-3%) đồng thời đảm bảo vẫn đáp ứng được yêu cầu của NHNN. Bên cạnh đó, theo ông Vỹ, ngân hàng tiết kiệm trong quá trình đầu tư tài sản, một trong các lý do cũng là để đáp ứng Basel II.

Đối với tỷ lệ yêu cầu của nhà nước về vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tại VIB, hệ thống cảnh báo của ngân hàng này đưa ra thông báo khi tỷ lệ ra ngoài một khoảng cố định. Quy định của NHNN đối với tỷ lệ này tối đa 45% nhưng VIB sẽ có cảnh báo đỏ khi vượt trên 40%. Việc tỷ lệ xuống dưới 37% cũng sẽ khiến việc sử dụng vốn không hiệu quả, mất cơ hội vay trong thị trường liên ngân hàng. Chủ tịch VIB cũng cho rằng việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả như trên nếu áp dụng được ở nhiều ngân hàng sẽ giúp giảm chỉ phí qua đó hạ lãi suất của ngành.

Bầu thay thế một thành viên HĐQT từ cổ đông lớn nhất

Tại đại hội, HĐQT trình việc miễn nhiệm ông Michael John Venter và bầu thay thế ông Michael John Murphy. Cả hai cá nhân trên đều đến từ Commonwealth Bank of Australia (CBA), cổ đông lớn nhất đang sở hữu 20% vốn tại ngân hàng.

Thù lao cho HĐQT và Ban Kiểm soát theo kế hoạch được chi trả tối đa trên 22 tỷ đồng không bao gồm thù lao cho thành viên HĐQT do CBA cử sang và tự chi trả. Tuy nhiên, tổng thù lao giữ ở mức kế hoạch hơn 9,9%. VIB trình cổ đông chi thù lao năm tới ở mức tối đa 1,5% lợi nhuận trước thuế 2018.

Chuyển sàn trong năm 2018

Đại hội VIB bước sang phần thảo luận dự kiến trong 30 phút. Tuy nhiên với hàng loạt câu hỏi được các cổ đông đặt ra từ kế hoạch vốn đến kế hoạch kinh doanh cùng sự cởi mở của ban Chủ tọa, các trao đổi giữa cổ đông và những người đứng đầu VIB đã kéo dài gấp đôi thời gian.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về quyết định bất ngờ mua cổ phiếu quỹ thay vì chia thưởng ban đầu, Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ cho biết ngân hàng đã nhận được đề xuất bán cổ phiếu hồi tháng 8 - 9/2017 trước khi chia thưởng và nhìn thấy đây là cơ hội tốt. Thời điểm đó ngân hàng đánh giá cổ phiếu VIB có thể lên 40.000 đồng như hiện tại.

Ông Vỹ cũng cho biết bộ phận đầu tư của ngân hàng đang làm việc với đơn vị tư vấn, tìm đối tác. Giai đoạn hiện tại, theo ông là rất thuận lợi khi nhiều nhà đầu tư trên thị trường quốc tế quan tâm. Bất cứ lời đề xuất nào có lợi nhất VIB sẽ làm hợp tác. Thặng dư từ bán cổ phiếu quỹ theo kỳ vọng của ông Vỹ sẽ nâng vốn chủ sở hữu lên cao gấp đôi vốn điều lệ hiện tại.

Sau khi bán được cổ phiếu quỹ, chia cổ phiếu thưởng, VIB sẽ niêm yết trong năm nay. Thời gian hoàn tất bán cổ phiếu quỹ dự kiến vào quý III, hoặc chậm nhất là quý IV.

Retail banking có thể sớm trở thành đầu tàu, ngân hàng số là ưu tiên hàng đầu

Nói về sự cạnh tranh trong ngành ngân hàng, ông Vỹ cho rằng lĩnh vực bán lẻ hiện nay đang rất sôi động. Có nhiều ngân hàng lựa chọn các chiến lược khác nhau. Một số ngân hàng quan tâm đến quy mô, xếp rủi ro ở vị trí thứ yếu. Một số ngân hàng chạy theo chất lượng, bỏ qua quy mô dẫn đến chấp nhận bán đi mảng kinh doanh không cốt lõi. Còn VIB lựa chọn vừa phải bảo đảm chất lượng tốt vừa đảm bảo quy mô.

Về phần mình,  chiến lược của VIB sẽ dựa theo một số điểm: cho vay mua nhà; cho vay ô tô; bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng; cho vay hộ gia đình; cải thiện huy động; cải thiện chi nhánh mà cụ thể sẽ nâng cấp 40 chi nhánh trong năm 2018;...

Lĩnh vực ngân hàng số dù là đứng vị trí thứ 6 trong 8 chiến lược nhưng theo ông Vỹ đây là mảng được ưu tiên hàng đầu bởi không chỉ là xu hướng, nó còn giúp giảm thiểu chi phí cho ngân hàng. Chiến lược của VIB là tiếp tục phát triển ứng dụng MyVIB hiện đã được người dùng đánh giá cao, chuyển đổi Website trở thành kênh giới thiệu các sản phẩm cho ngân hàng và số hóa quy trình hoạt động của VIB.

Đối với mảng retail banking, trước câu hỏi của cổ đông về việc có thành lập hoặc mua lại để có riêng công ty trong mảng tài chính tiêu dùng hay không, Chủ tịch VIB cho biết có thể xem xét trong điều kiện Retail Banking tăng trưởng hạn chế. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng 83% trong năm 2017 vừa qua, lãnh đạo VIB nhận định mô hình bán lẻ sau 4 năm đang mang lại hiệu quả.

Tỷ trọng retail banking tại VIB đang tăng lên. Theo ông Vỹ, trong mảng này, thường lợi nhuận năm đầu chỉ ở mức hòa vốn bởi các ngân hàng thường chỉ cho vay cao hơn giá vốn cộng chi phí vận hành. Từ tháng 1/2018, sau giai đoạn các năm đầu tiên cạnh tranh về giá, lợi nhuân mảng này tiếp tục tăng và theo ông Vỹ với đà này, mảng bán lẻ có thể trở thành đầu tàu phát triển của VIB.

Sáp nhập CBA TP.HCM không giúp VIB mở rộng mạng lưới

Việc sáp nhập với chi nhánh TP.HCM của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) hồi cuối năm 2017 khiến VIB tăng thêm 1.000 tỷ đồng vào giá trị các khoản nợ VIB (hiện là 60.000 tỷ đồng), đồng thời tăng thêm 2.000 tỷ đồng nguồn vốn huy động. Dù không đóng góp nhiều trong mở rộng mạng lưới nhưng theo VIB, điều quan trọng hơn là VIB học hỏi được nhiều quy trình, thủ tục, cách tiếp cận tại CBA TP.HCM rất tốt. Đây cũng là lý do VIB mua lại chi nhánh ngân hàng này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top