Aa

Đi để hiểu mình, đi để hiểu người…

Thứ Năm, 19/04/2018 - 06:00

Không phải ngẫu nhiên mà Lực và Ánh nói với chúng tôi: “Bọn cháu gọi chuyến đi này là trở về. Về với bản thân mình và về với những giá trị nhân văn trong cộng đồng, về với niềm tin vào tấm lòng của cộng đồng”.

Đầu năm nay, ba anh em chúng tôi thực hiện chuyến đạp xe xuyên Việt. Từ Hà Nội, chúng tôi đã biết có hai bạn trẻ đạp xe từ Sài Gòn ra. Chúng tôi lập kế hoạch gặp nhau đâu đó giữa đường.

Và hai nhóm, một già (là chúng tôi), một trẻ (Hai anh bạn là Lực – một người theo đuổi các phương pháp tâm lý trong giáo dục, và Ánh – tiếp viên của Vietjet) đã gặp nhau trong một tối tại Đông Hà.

Thanh niên tình nguyện khắc phục hậu quả thiên tai cùng đồng bào.

Thanh niên tình nguyện khắc phục hậu quả thiên tai cùng đồng bào.

Nghe hai bạn trẻ kể, chúng tôi thấy ngạc nhiên và thán phục. Nhóm chúng tôi trước khi đạp xe chuẩn bị từ chiếc xe đến đồ dùng, quần áo, địa chỉ nơi sẽ lưu lại, tiền mang theo. Còn Lực và Ánh thì ngược lại. Hai chiếc xe đạp là xe bình thường, một cái là xe rất cũ, và cái kia cũng vừa đi vừa tự sửa. Không có quần áo chuyên cho đạp xe. Nhưng đó chưa là vấn đề chính. Điều khác biệt là hai bạn đưa ra nguyên tắc: 1- Không tiêu tiền cho chỗ ngủ; 2- Không tiêu tiền cho ăn uống.

Theo nguyên tắc đó, chỗ ngủ của các bạn ấy là bất cứ chỗ nào phù hợp: Lán cũ, quán trống, sân nhà, hàng hiên… Chỗ các bạn thường xin ngủ đêm là các trạm xăng. Còn ăn – đơn giản là… đi xin. Lực kể lại rằng việc “xin ăn” không hẳn khó chuyện người ta có cho hay không cho đồ ăn. Khó nhất là nỗi sợ, nỗi ngại, sự tự ái phải vượt qua. Rất nhiều lần, nhìn hai thanh niên dáng vẻ rất trí thức xin đồ ăn, người ta không tin, không hiểu. Có người cho nhưng cũng ngờ vực.

Ngủ kiểu đó và ăn kiểu đó, nhưng Lực và Ánh lại đi từ Nam ra Bắc vào mùa đông, tức là đi ngược gió. Có lúc kiệt sức, nhất là khi vượt hai đèo – Đèo Cả và đèo Cù Mông.

Bạn sẽ thắc mắc: Tại sao lại phải xuyên Việt kiểu như thế?

Dĩ nhiên, không phải vì hai bạn không có tiền trong túi. Không phải liều lĩnh vì đang trẻ khoẻ. Lực hiện là người điều hành một dịch vụ giáo dục hiện đại. Ánh là một tiếp viên hàng không. Họ không nghèo để phải đi xe tàng tàng và phải xin ngủ nhờ, xin đồ ăn. Họ xuyên Việt kiểu như vậy vì muốn tìm cho mình câu trả lời cho hai câu hỏi: 1- Sức lực nội tại của bản thân mình có đến đâu. Có vượt qua được các ràng buộc của điều kiện vật chất mà làm việc muốn làm?; 2- Đo tấm lòng của cộng đồng, của xã hội. Liệu lòng trắc ẩn, cảm thông trong xã hội có lớn hơn sự nghi ngại, lạnh lùng?

Và hai câu trả lời đó hai bạn đã tìm được. Họ đã kiểm nghiệm trên bản thân mình, rằng  không cần phụ thuộc quá lắm vào các điều kiện vật chất như phương tiện, nơi ăn chốn ngủ, vật dụng này nọ… mà vẫn thực hiện được chuyến đi hàng ngàn kilomet. Xe hỏng, họ tự sửa hay nhờ sửa. Đói hay rét, họ vượt qua. Tất nhiên, họ không liều lĩnh. Lực nói phương án cuối cùng vẫn phải dự phòng, nghĩa là vẫn có tiền mang theo. Nhưng họ đã không dùng đến. Họ cũng kiểm nghiệm được là những e ngại nghi ngờ ban đầu nhanh tan. Đa số người gặp họ cuối cùng đều sẵn sàng giúp họ. Có người bảo vệ ven đường cho họ trú cùng qua đêm gió lạnh nơi heo hút. Không có nhiều đồ ăn, anh chỉ có mỳ tôm nấu cho hai bạn trẻ ăn. Khi rời đi họ lưu luyến nhau như người thân. Những người phụ nữ bán hàng sau khi tò mò nghe hết câu chuyện thì người cho bánh, người cho trái cây, người cho nước.

Tối hôm đó ở Đông Hà, thay mặt bạn mình, Lực trao cho tôi một khoản tiền ủng hộ học trò nghèo vùng cao. Nói là tiền tiết kiệm được do không phải thuê phòng ngủ ở chặng đường Sài Gòn – Đông Hà. Ít lâu sau đó, tôi còn nhận được khoản tiền lớn hơn từ người nhà của Lực từ nước ngoài gửi về.

Hai bạn trẻ ấy đã đạp xe xuyên dọc chiều dài đất nước, không chỉ để rèn luyện sức khoẻ, không chỉ để thưởng ngoạn thiên nhiên, mà sâu xa hơn là để hiểu mình hơn và để tin vào lòng tốt của đồng bào hơn. Không phải ngẫu nhiên mà Lực và Ánh nói với chúng tôi: “Bọn cháu gọi chuyến đi này là trở về. Về với bản thân mình và về với những giá trị nhân văn trong cộng đồng, về với niềm tin vào tấm lòng của cộng đồng”.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn (trái) và một bạn trẻ trên đường xe đạp xuyên Việt

Nhà báo Trần Đăng Tuấn (trái) và một bạn trẻ trên đường xe đạp xuyên Việt

Tôi đọc những dòng Lực chia sẻ trên FB của mình: “Giống như tôi đã nghĩ, hành trình của tôi là hành trình trở về, trở về bên trong mình để cảm nhận tình yêu thương và đánh thức sức mạnh nội lực đang bị ẩn giấu bên trong những lớp vỏ bọc của mình. Những lớp vỏ bọc đã bảo vệ tôi khỏi những tổn thương trong quá khứ nhưng lại đang ngăn cản tôi mở lòng để đón nhận yêu thương, thành công và hạnh phúc...”.

Trong buổi tối hôm đó ở Đông Hà, Lực còn làm tôi ngỡ ngàng vì một điều nữa: Cậu hát chầu văn, ca trù rất hay. Tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai giọng hát của chàng trai 27 tuổi: “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa… Miệng nhai cơm búng lười lừa cá xương”...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top