Aa

Đi tìm định nghĩa “không gian sống chất lượng”

Thứ Năm, 21/05/2020 - 06:00

Theo KTS. Trần Anh Tuấn, "Kiến trúc vốn được coi như một “cơ thể sống”. Thế nên, kiến trúc phải được vận dụng thiết kế tối ưu nhằm đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho người sử dụng”.

Đô thị hóa và sự khai sinh “không gian sống chuẩn mới”

Sự tăng tốc mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa đã dẫn tới bức tranh thành phố "bê tông", những ngôi nhà mọc san sát, những căn chung cư cao tầng chen chúc "không lối thoát". Cuộc sống của con người càng trở nên ngột ngạt khi lịch trình mỗi ngày là sự lặp lại nhàm chán di chuyển từ "chiếc hộp"  ở nhà, qua quãng đường chật cứng đầy khói bụi và ô nhiễm đến "chiếc hộp" nơi công sở. 

Không gian sống đã và đang trở thành bài toán chẳng hề dễ giải. Ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam từng nói: “Không gian sống tại các khu đô thị luôn khiến các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý đô thị phải trăn trở. Đô thị hóa là quá trình tất yếu, không thể cưỡng lại được. Tuy nhiên, làm thế nào để kiểm soát được đô thị hóa là bài toán khó cần phải giải?”

Không gian sống chuẩn mực trở thành tiêu chí quan trọng  

Thực tế, những năm trở lại đây, không ít các chủ đầu tư đã bắt đầu xoay chuyển chiến lược kinh doanh, thay đổi “concept” dự án, nắm bắt tâm lý để đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Không gian sống trở thành tiêu chí tối quan trọng trong việc hình thành dự án bất động sản, quyết định tới sự thành công hay thất bại của dự án. 

Không ít các chủ đầu tư đã đặc biệt tâm huyết nghiên cứu kỹ lưỡng và chăm chút cho không gian sống của dự án từ quy hoạch với chuẩn "khuôn vàng, thước ngọc" đến thiết kế chỉn chu. 

Đơn cử như chủ đầu tư Đại Phúc với dự án khu đô thị Vạn Phúc City. Hay như Văn Phú Invest, một doanh nghiệp địa ốc đã ghi dấu ấn trên thị trường với hành trình kiến tạo không gian sống chuẩn mực trong các dự án bất động sản như Khu đô thị Văn Phú, hay dòng sản phẩm mới mang tên “The Terra”. Tập đoàn Capital House cũng góp mặt vào danh sách chủ đầu tư theo đuổi không gian sống xanh, sống thực trong các “concept” dự án…

Giới chuyên gia cho rằng, để kiến tạo được không gian sống chuẩn mực không phải là điều dễ dàng bởi điều này đòi hỏi sự giải quyết tốt từ các chủ đầu tư giữa lợi nhuận và lợi ích xã hội. Song, cần phải rõ rằng, việc xây dựng không gian sống chuẩn mực đã và đang trở thành xu thế tất yếu không thể bỏ qua trong quá trình phát triển dự án. Đây được coi là “chìa khóa vàng” níu giữ khách hàng.

Tuy nhiên, đến nay, khái niệm không gian sống chuẩn mực vẫn chưa được “định hình, gọi tên” bởi các tiêu chí định lượng rõ ràng. Thực tế, trong tiêu chí của mỗi khách hàng, định nghĩa về không gian sống lại khác nhau.

Những tiêu chí của không gian sống chuẩn mực

Vài năm trở lại đây, trên thị trường, nhiều chủ đầu tư đã tung ra các dự án với lời giới thiệu về dự án xanh, không gian xanh… Theo các KTS, tất cả các dự án mang sắc “xanh” cuối cùng đều phải hướng tới tiêu chí duy nhất, đó là tạo ra không gian sống chuẩn mực, chất lượng, khiến cuộc sống của con người trở nên tốt hơn.

Bàn về không gian sống chuẩn mực, KTS. Trần Anh Tuấn, giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, người có kinh nghiệm thiết kế nhiều dự án bất động sản, cho rằng: “Không gian sống cần chứa đựng 3 chiều không gian dài, rộng, cao, kết hợp với trục thời gian ánh sáng trong ngày, khí hậu theo mùa, chất liệu vật liệu màu sắc hoàn thiện, kết hợp với cảnh quan thiên nhiên xung quanh và chủ thể “sống” là các dân cư trong công trình. Tất cả tổng hòa tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về một không gian sống chất lượng”.

KTS. Tuấn phân tích, chất lượng công trình kiến trúc bao gồm thiết kế, xây dựng, vận hành, các hệ thống kỹ thuật, vật liệu hoàn thiện… Các chuẩn mực này sẽ được phân cấp, đánh giá theo xu hướng mới, công nghệ mới.

Liên quan đến chất lượng môi trường sống, các yếu tố được đưa ra bao gồm không khí, tiếng ồn, hướng nắng, gió, cảnh quan thiên nhiên, môi trường vi khí hậu. Ngoài ra, chất lượng quản lý điều hành, phục vụ và các tiện ích tòa nhà cũng là yếu tố ảnh hưởng đến không gian sống chất lượng.

“Kiến trúc vốn được coi như một “cơ thể sống”. Thế nên, kiến trúc phải được vận dụng thiết kế tối ưu nhằm đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho người sử dụng”- KTS. Tuấn nhấn mạnh.

Từ thiết kế căn hộ đến cảnh quan

Một không gian sống chuẩn mực sẽ không chỉ nằm ở yếu tố thiết kế cảnh quan bên ngoài mà cần sự hội tụ, đánh giá của nhiều tiêu chí khác nhau. Trên góc độ thiết kế, không gian sống chuẩn mực cần có sự tính toán chỉn chu từ thiết kế căn hộ đến không gian bên ngoài.

TS. KTS. Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, yêu cầu thiết kế không gian chung cư rất quan trọng bởi tốc độ đô thị hóa hiện nay cùng diện tích đất ở dần thu hẹp khiến số người lựa chọn chung cư cao tầng ngày càng nhiều.

Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đòi hỏi chung của tất cả khách mua nhà là các căn hộ đều có thiết kế thông minh, gần gũi với thiên nhiên. Sau này, những không gian xanh, công viên xanh đưa dần lên cao, đồng thời thiết kế căn hộ phải đáp ứng đón ánh sáng, không khí thiên nhiên.

Đồng quan điểm đó, KTS. Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, trong một dự án, để đảm bảo không gian sống chất lượng, việc nghiên cứu tuyến trục giao thông và bố cục không gian chức năng hợp lý trong căn hộ giúp cho không khí lưu thông và tạo ra môi trường sống tốt cho sức khỏe rất quan trọng.

“Những khu chung cư gần tuyến đường giao thông chính (trục giao thông) là một trong bài toán khó trong kiến trúc. Đơn vị thiết kế cần khảo sát đánh giá phân tích vị trí, phân luồng giao thông, hướng nắng, hướng gió, hướng nhìn tầm nhìn căn hộ, bố cục hình khối, phân khu chức năng hợp lý trên tổng thể dự án”, KTS. Tuấn cho hay.

Ảnh minhhọa về thiết kế trục hành lang thông gió và lấy sáng tự nhiên (ảnh phải) và các phòng chức năng chính đều thông gió và ánh sáng tự nhiên tự dự án The Terra An Hưng (ảnh trái). Nguồn: Văn Phú Invest.

Lấy ví dụ về định hướng kiến tạo không gian sống, KTS. Tuấn cho rằng, với một dự án với các toà nhà cao tầng giáp trục đường lớn, giải pháp đặt ra là giãn cách các toà, đẩy lùi vị trí vào sâu so với mặt đường chính nhằm giảm áp lực giao thông, tránh tiếng ồn, mở rộng tầm nhìn giữa các căn hộ. Đặc biệt, giữa các công trình cần có "khoảng thở", sự xen kẽ cây xanh. Và đối với thiết kế căn hộ, việc bố trí sắp xếp phải đảm bảo khả năng thông gió và lấy sáng tự nhiên tốt nhất, hướng nhìn, tầm nhìn đẹp mở rộng ra xung quanh.

Vị KTS này nhấn mạnh, “yếu tố hài hòa với môi trường sống là rất quan trọng đối với một dự án bất động sản”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top