Aa

Đi tìm lý do tồn tại của Hanoi Cinematheque!

Thứ Tư, 30/11/2016 - 17:21

Hôm mới đây, ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế tại World Bank (Ngân hàng Thế giới) đã gửi một bức thư đầy tâm huyết đến Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về việc chấm dứt hoạt động của Hanoi Cinematheque.

Rồi cách đấy vài ngày, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cũng gửi tới báo Tuổi Trẻ bài viết ngắn mang tâm sự của ông về Hanoi Cinematheque, về sự nuối tiếc cho những giá trị văn hóa ở đây sẽ biến mất sau khi được xây dựng thành một trung tâm thương mại.

Khi ấy, tôi mới giật mình tự thầm trách tại sao một địa danh như thế, mình đã sống ở Hà Nội hơn 40 năm lại không biết nhỉ?

Và thế là cố công tìm hiểu để hy vọng có thể chia sẻ với cộng đồng và cũng có ý định sửa chữa sự vô tâm của mình với Hanoi Cinematheque.

Lối vào Hanoi Cinematheque

Lối vào Hanoi Cinematheque

Theo các nguồn thông tin cho hay, Hanoi Cinematheque được sinh ra từ tình yêu điện ảnh của một người Mỹ có tên là Gerald Herman. Ông đến Việt Nam từ năm 1992 và đã bỏ ra nhiều công sức và tiền bạc để xin thủ tục, thuê nhà, dựng rạp. Rồi với tình yêu của mình, ông đã mang nhiều bộ phim quý giá khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam để chiếu miễn phí cho tất cả những ai trót “phải lòng” bộ môn “nghệ thuật thứ 7” này tại khu sân vườn của tư nhân ở số nhà 22A đường Hai Bà Trưng, trong một con ngõ nhỏ.

Cái rạp chiếu phim mini chưa đầy 100 chỗ ngồi ấy có tên là Hanoi Cinematheque. Sau nhiều năm, nó đã có một vị trí nhất định trong đời sống văn hóa tại Hà Nội.

Nghe nói ngày hôm nay (30/11/2016) sẽ là ngày cuối cùng tồn tại của Hanoi Cinematheque để chủ đầu tư tiến hành xây dựng một khu trung tâm thương mại, văn hóa và dịch vụ.

Thực ra, dự án này đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt từ năm 2009. Chờ đợi đến 7 năm cho một dự án là quá chậm chạp và đáng trách. Nay nó đã trở thành một khu sập sệ không nên tồn tại ở trung tâm Thủ đô.

Trong bức thư gửi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế tại World Bank, khẳng định: “Tôi muốn nói với ông rằng, tôi hoàn toàn nhận thức được sự cần thiết phải hiện đại hóa khu 22A Hai Bà Trưng. Chất lượng của các công trình trong khu này đang ngày càng xuống cấp, và với vị trí trung tâm của nó, khu đất đó rất có tiềm năng trong việc tạo ra giá trị thương mại lớn hơn nhiều so với hiện nay.

Mục đích của tôi không phải cố gắng phản đối tiến hành dự án đã được lên kế hoạch từ năm 2009. Dự án này đã được thiết kế với một tổ hợp dịch vụ thương mại và văn hóa, một trung tâm sách và một văn phòng du lịch.

Tuy vậy, tôi tin rằng dự án này có thể tạo thêm giá trị cho thành phố và đóng góp nhiều hơn vào sự sống động về kinh tế và văn hóa của Hà Nội, nếu như dự án kết hợp được cả yếu tố cải tạo và bảo tồn”.

Không gian bên trong Hanoi Cinematheque

Không gian bên trong Hanoi Cinematheque

Còn theo đánh giá của NSND Đặng Nhật Minh, Hanoi Cinematheque là một địa chỉ tìm đến của những ai muốn thưởng thức một thứ điện ảnh đích thực, nghiêm túc. Đó còn là nơi cho những người nước ngoài ở Hà Nội không biết đi đâu sau những giờ làm việc để  thư giãn một cách lịch sự có văn hóa.

Đạo diễn mong muốn “Tôi chỉ xin có một kiến nghị với tư cách một công dân Thủ đô: xin giữ lại một không gian trong cái trung tâm thương mại đó với tên gọi Hanoi Cinematheque với những hoạt động như nó từng làm trong bao nhiêu năm nay, hoặc tìm cho nó một địa chỉ để liên kết như với Viện Phim Việt Nam ở Ngọc Khánh chẳng hạn”.

Đọc xong những lời đầy trách nhiệm và tâm huyết này, tôi thở phào nhẹ nhõm, bởi những nhân vật đáng kính ấy đã hiểu, đồng tình và sẵn sàng chia sẻ với sự phát triển tất yếu của Hà Nội.

Công bằng mà nói, Hanoi Cinematheque cũng đã có những ý nghĩa quý giá nhất định đối với nền “nghệ thuật thứ 7” ở Hà Nội, cho dù nó mới chỉ tồn tại 14 năm. Ý nghĩa đó rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên, văn hóa đích thực vốn là một giá trị luôn luôn được thử thách bằng thời gian. Hanoi Cinematheque vốn sinh ra từ niềm đam mê của một con người cụ thể là ông Gerald Herman; và nó tồn tại được cũng lại nhờ vào một con người cụ thể khác, đó là chủ ngôi nhà 22A Hai Bà Trưng. Nay cả 2 chủ thể này đều không có nhu cầu để Hanoi Cinematheque tồn tại, vậy nó sẽ được thử thách về thời gian như thế nào đây?

Tôi lại hình tượng thế này, trong một ngôi nhà cũ nát, sập sệ kia có một chiếc bình cổ. Người thì bảo đấy là bình quý và ngược lại, nhưng chắc chắn không nên và không thể can ngăn chủ ngôi nhà khi họ muốn sửa sang hoặc xây lại ngôi nhà mới của mình.

Nếu cái bình cổ kia là quý thật, tôi tin rằng chủ nhà sau khi có nhà mới sẽ mãi mãi nâng niu nó như một vật báu. Còn nếu không, thì nó cũng chỉ là một kỷ niệm khó quên mà thôi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top