Aa

Đi tìm một vùng đất đã bị xóa tên

Thứ Ba, 27/08/2019 - 06:30

Mấy anh em trong nhóm “Nhân sỹ Hà Đông” chúng tôi là những người yêu nghệ thuật cho dù làm những nghề nghiệp khác nhau như người là nghệ sỹ, người là công chức và người là doanh nhân.

Một trong những thú vui của mấy anh em chúng tôi là sưu tầm những gì thuộc về văn hóa dân gian. Vì thế, hễ thấy những gì có nguy cơ một ngày gần đây sẽ chẳng còn thì cố giữ lại dù là một chiếc nồi đồng, một cơi trầu hay một bộ trường kỷ, sập gụ, tủ chè...

Một lần, ông Trịnh Hữu Sỹ là thành viên trong nhóm vô tình mua được một bộ những văn bản cổ. Ông Sỹ cũng như chúng tôi sau này chẳng biết nội dung những văn bản cổ đó. Chỉ thấy đó là những văn bản cổ vô cùng đẹp và trang trọng. 

Khi cầm những văn bản cổ đó, chúng tôi cảm thấy có một điều gì đó uy nghi và linh thiêng. Chính vậy, ông Sỹ đã giữ gìn vô cùng cẩn trọng. 

Mới đây, ông Sỹ mang các văn bản cổ tới Viện Hán Nôm gặp tiến sỹ Trương Đức Quả, Ủy viên Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu Hán Nôm để nhờ khảo sát văn bản và phiên âm dịch nghĩa. 

Đến khi đó, chúng tôi mới biết đó là bảy đạo sắc phong ban hành vào niên hiệu Khải Định triều Nguyễn Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1917 - 1925. Những sắc phong này chắc chắn bị lấy trộm và mang bán. Bản miêu tả hình thức bảy đạo sắc phong của tiến sỹ Trương Đức Quả càng cho thấy sự uy nghi của các đạo sắc phong đó:

• Toàn bộ bảy đạo sắc phong được làm bằng giấy dó.

• Cả bảy đạo sắc phong đều viết chữ Hán thể Khải thư chân phương rõ ràng.

• Nền màu vàng pha nâu, hoa văn hình rồng mây, bốn góc có chữ thọ - chim phượng cách điệu

• Hoa văn tứ linh: Long - lân - quy - phượng.

• Gần cuối bên trái có dấu vuông mực son đỏ có nội dung là 4 chữ Hán thể triện: “Sắc mệnh chi bảo”.

Ảnh minh họa.

Sau khi bản dịch bảy sắc phong được hoàn thành, chúng tôi mới biết nội dung các sắc phong là phong tặng danh hiệu cho các vị thần được tôn thờ tại thôn Thượng, xã Xuân Lôi, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Các vị thần như sau:

1. Thái Bộc Hồng lô tự khanh Trần tướng công tôn thần (2 đạo)

2. Lại Bộ Thượng Thư, Cù tướng công tôn thần (2 đạo)

3. Đệ nhất cung phi Cảnh Hoa công chua tôn thần (1 đạo)

4. Đông Hải Thượng đẳng thần (1 đạo)

5. Thiên cung tôn thần (1 đạo)

Sau khi đã hiểu những gì liên quan đến các đạo sắc phong này, ông Trịnh Hữu Sỹ nhận thấy những Sắc phong đó chính là báu vật của địa phương nơi có những người được Vua phong thần. Chính vậy, ông Sỹ bàn với nhóm nhân sỹ Hà Đông và quyết định dâng tặng lại bảy đạo sắc phong cho người dân ở xã Xuân Lôi, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Ngày 21/5, trước ngày bầu cử Quốc hội, ông Trịnh Hữu Sỹ, vợ chồng ông Lê Phương Chung và tôi lên đường đi tìm thôn Thượng, xã Xuân Lôi, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Chúng tôi rủ nhau đi sớm để dừng lại ở Phủ Lý thưởng thức món bún cá rô đồng nổi tiếng ở đây. 

Cách đây hơn mười năm, tôi đã được đại tá Nguyễn Thanh Bình, lúc đó là Phó Giám đốc Công an Hà Nam, một nhân vật chính trong tiểu thuyết tư liệu "Kẻ ám sát cánh đồng" của tôi sau chuyển thành phim "Chuyện làng Nhô" mời ăn bún cá rô đồng ở Phủ Lý và quả thực khó lòng mà quên được. 

Nhưng lần này vừa đến đã thấy nhân viên nhà hàng lao ra trước đầu xe mời gọi giống như các quán cơm phở và các món xào ven đường cho khách đi xe đường dài. Cách mời chào kiểu đó làm tôi bỗng có cảm giác mọi chuyện đã đổi thay.

Quả đúng là như vậy. Món bún cá rô đồng của Phủ Lý hơn mười năm trước giờ đã biến mất và thay vào đó là một thứ bánh canh “cá rô” nhưng không “đồng” được chiên giòn nhạt nhẽo. 

Nấu bánh canh cá rô như thế này thì Phủ Lý gọi một số quán ở Hà Nội bằng... bậc thầy. Cũng chỉ là chuyện về một món ăn, nhưng tôi thấy tiếc cho món bún cá rô đồng nổi tiếng của Phủ Lý trước kia.

Từ Phủ Lý, chúng tôi hỏi đường về Bình Lục. Khi vừa chạm tới địa phận huyện Bình Lục, chúng tôi hỏi thăm đường về thôn Thượng, xã Xuân Lôi. Tất cả những người dân chúng tôi hỏi đều nói ở Bình Lục có rất nhiều thôn Thượng nhưng không hề có xã nào là xã Xuân Lôi. 

Cũng giống như các làng quê ở phía Bắc, những cái tên như thôn Thượng, thôn Hạ, xóm Bãi, xóm Chùa, xóm Đoài, xóm Đông... là vô cùng quen thuộc và hầu như huyện nào, tỉnh nào cũng có. Có một phụ nữ đã luống tuổi kể vanh vách cho chúng tôi tên các xã của huyện Bình Lục hiện nay và kết luận: “Tôi cam đoan không có xã nào là xã Xuân Lôi cả”. 

Tôi đoán có lẽ người phụ nữ kia làm cán bộ địa chính của huyện Bình Lục nay đã nghỉ hưu mới nắm chắc như vậy. Họ cho chúng tôi đã nhầm lẫn và có người nói Xuân Lôi hình như thuộc về một huyện khác của Hà Nam hoặc có khi là của một tỉnh nào đó lân cận. 

Có một hiện thực là có rất nhiều tên xóm, tên làng, tên xã trước kia bị đổi tên. Những tên xưa có lịch sử, có tích của nó và nghe vô cùng gợi. Nhưng nhiều tên sau này đổi lại nghe rất vô cảm như xã Chiến Thắng, xã Tiền Phong, xã Quyết Tiến.... Cho dù mọi người chúng tôi gặp ở Bình Lục đều nói “không” với Xuân Lôi thì chúng tôi vẫn tin chắc có xã Xuân Lôi ở huyện Bình Lục vì trong bảy đạo sắc phong của Vua có đóng dấu ghi rõ như thế. 

Và chúng tôi kết luận xã Xuân Lôi đã bị đổi tên. Điều quan trọng nhất bây giờ là hỏi được một người nào đó có biết Xuân Lôi trước kia nằm ở khu vực nào của Bình Lục để cứ thế mà đi tìm.

Nói là đi tìm nhưng lúc đó chúng tôi cũng không biết đi về hướng nào của Bình Lục. Nhưng chúng tôi cứ đi và cảm thấy rất hồ hởi. Chúng tôi bàn với nhau nếu hôm đó không tìm được thì ngày khác lại đi tìm. Chúng tôi có thể đưa thông tin này lên mạng xã hội để biết đâu có người biết Xuân Lôi ở đâu và bây giờ tên mới là gì. 

Trước đó chúng tôi cũng nhờ một hai người quen ở Hà Nam tìm hiểu xã Xuân Lôi. Nhưng cũng không ai biết Xuân Lôi xưa giờ ở chốn nào. Chuyến đi của chúng tôi đúng là chuyến đi tìm một vùng đất đã bị xóa tên. 

Trên đường chính của huyện Bình Lục xuyên qua các xã, chúng tôi thấy một trụ sở Ủy ban xã ngay ven đường có treo nhiều cờ và khẩu hiệu cho ngày bầu cử. Chúng tôi dừng xe và vào hỏi thăm. Cứ thấy người già và chính quyền thì hỏi chứ cũng không biết kết quả như thế nào. 

Đó là trụ sở Ủy ban xã Tiêu Động. Cả Ủy ban vắng hoe chỉ có văn phòng của Hội người cao tuổi là mở cửa. Trong một căn phòng nhỏ của Hội người cao tuổi lại là hai người đàn ông còn khá trẻ đang ngồi uống trà. Họ pha trà mời chúng tôi. Sau khi nghe chúng tôi hỏi về xã Xuân Lôi, cả hai im lặng một lúc rồi nói: “Không có xã Xuân Lôi”. 

Nhưng ngay sau đó, họ khuyên chúng tôi nên đến gặp một người để hỏi. Nếu người đó không biết thì có lẽ vùng này cũng không ai biết. Người đó là ai mà uy tín như vậy. Chúng tôi quả thực vừa tò mò và vừa hy vọng. Người đó là thầy Bùi Cường, đã ngoài 80 tuổi, hiện nghỉ hưu và làm thuốc gia truyền. Hai cán bộ trẻ của Hội người cao tuổi chỉ đường cho chúng tôi đến nhà thầy Bùi Cường. Chúng tôi lên đường.

Chúng tôi dừng xe trước một ngôi nhà mà chúng tôi tự nhiên tin đó là nhà của thấy Bùi Cường. Một ngôi nhà ngói nhỏ bình yên. Trước cổng ngõ là một cây đại đang ra hoa thoang thoảng mùi thơm. Quanh khu nhà um tùm cây lá và hoa. 

Vẻ tao nhã và thanh bình làm cho chúng tôi tin đó là nhà thầy Bùi Cường. Vì một ông giáo già đồng thời là một người làm thuốc thường tỏa ra một cốt cách như thế. 

Ảnh minh họa.

Chúng tôi bước vào sân. Một người già tóc bạc bước ra. Chúng tôi chào ông và hỏi ông có phải là thầy Bùi Cường. Ông mỉm cười, gật đầu và mời chúng tôi vào nhà. Ngôi nhà nhỏ, giản dị nhưng sạch sẽ và ấm áp. 

Lúc đó bà giáo đang cho thuốc vào các túi nhỏ. Mùi thuốc thơm tỏa trong ngôi nhà cùng với phong thái của vợ chồng thầy Bùi Cường và cảnh trí ngôi nhà làm cho chúng tôi có cảm giác trở về quá khứ xa xưa, cái thời của những ông đồ vừa dạy học vừa bốc thuốc cứu người, cái thời mà sự thanh sạch và lòng nhân ái là Đạo sống của toàn xã hội.

Thầy Bùi Cường quê gốc ở Nghệ An. Thầy ra dạy học ở Hà Nam và định cư ở đó cho đến bây giờ. Thầy dạy học và nghiên cứu văn hóa dân gian. Thầy là người đã giúp người Hà Nam giữ lại được rất nhiều tư liệu quý hiếm về văn hóa của mảnh đất này. 

Hồi còn trẻ, thầy đi đến các đình, chùa, miếu mạo ghi chép vô cùng kỹ lưỡng các văn bản biết trên bia, trên hoành phi, câu đối hoặc in trên giấy bản, giấy dó xưa kia. 

Hồi đó không có máy ảnh nên chỉ còn cách ghi chép, vô cùng vất vả. Sau này, do nhiều lý do mà các văn bản cổ đó bị hư hỏng và mất đi rất nhiều. Nếu không có những ghi chép sưu tầm của thầy Bùi Cường thì Hà Nam mất đi quá nhiều những di sản vô giá. 

Sau khi nghe chúng tôi thưa chuyện. Thầy lặng lẽ bước vào căn buồng bên phải ngôi nhà và lấy ra một cuốn sách. Đó là cuốn Dư địa chí huyện Bình Lục do tri phủ Ngô Vi Liễn xuất bản năm 1933. Và sau một lúc tra cứu, cuối cùng thầy Bùi Cường đã tìm thấy xã Xuân Lôi. Chúng tôi rất vui vì biết được có xã Xuân Lôi nhưng cái tên ấy đã bị xóa mất không biết từ năm nào. 

Thầy Bùi Cường cho chúng tôi biết Xuân Lôi giáp xã Vụ Bản (trước kia là xã Thiên Bản). Xã Xuân Lôi ở cùng một cụm với các xã Vụ Bản (nay gọi là Vũ Bản), chợ Vọc, Tiêu Khoán. Con đường về tới vùng đất đã bị xóa tên giờ mở ra rõ ràng. 

Chúng tôi cám ơn thầy Bùi Cường và lên đường. Tất cả chúng tôi đều thấy có một điều gì đó rất lạ lùng đã dẫn chúng tôi đến được nhà thầy Bùi Cường. Nếu không gặp được ông, chắc chắn chúng tôi sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể tìm ra Xuân Lôi đã biến mất gần 100 năm trước.

Chúng tôi đến thẳng chợ Vọc. Chúng tôi vào chợ và hỏi một cụ bà chừng 70 tuổi nhưng bà cũng không nghe nói đến Xuân Lôi bao giờ. Chúng tôi thấy một cụ già đang ngồi trong một ngôi nhà trong chợ bèn bước vào và hỏi thăm. Cụ năm nay đã 80 tuổi. Cụ khẳng định chợ Vọc là cái tên có từ xưa và không hề thay đổi. Cụ không nhớ là có một cái tên Xuân Lôi ở vùng này nhưng cụ tin chỉ ở đâu quanh đó mà thôi. Cụ chỉ cho chúng tôi đến nhà một cụ già có tên là Thịnh đã 93 tuổi đang sống ở gần đó. Cụ tin cụ Thịnh sẽ biết. 

Khi chúng tôi đến nhà cụ Thịnh thì cụ đang trèo thang đặt cái bẫy chim sẻ ở đầu nhà. Tôi không nghĩ một cụ già 93 tuổi mà vẫn còn khỏe mạnh và tinh tường như thế và sống một mình vì con cái làm việc và sinh sống ở xa. Cụ cũng không nhớ rõ Xuân Lôi nhưng cụ cho rằng Xuân Lôi chỉ đâu đó trong khu vực An Nội bây giờ. 

Chúng tôi chào cụ và đến xã An Nội. Chúng tôi vào trụ sở Ủy ban xã An Nội. Cả trụ sở chẳng thấy có ai ở đó. Lúc ấy đã 12 giờ trưa nên chắc mọi người đã về nhà ăn cơm nghỉ ngơi. Chúng tôi quyết định đi Nam Định ăn trưa và sẽ quay lại lúc đầu giờ chiều.

Buổi chiều quay lại chúng tôi thấy một số người đang ngồi uống trà dưới tàn cây ở gần cổng trụ sở Ủy ban. Chúng tôi hỏi thăm lãnh đạo xã. Những người ngồi ở đó nói tất cả đi vắng lo cho bầu cử ngày mai, không có ai ở trụ sở cả. Họ hỏi chúng tôi có việc gì. Tôi nói cho họ nghe mục đích chuyến đi của chúng tôi. 

Lúc đó mọi người mới nói chuyện với chúng tôi cởi mở hơn và khẳng định An Nội chính là Xuân Lôi. Chúng tôi mừng rỡ vô cùng. Một người đứng dậy mời chúng tôi vào phòng uống nước và tự khai ông là Phó Chủ tịch xã An Nội. Ông tên là Toàn. Ông Toàn nói ông không xưng danh lúc đầu vì nghĩ đoàn chúng tôi là đoàn kiểm tra bầu cử hoặc nhà báo gì đó nên tránh vì việc đó là của Bí thư hoặc Chủ tịch xã. 

Ông khẳng định với chúng tôi An Nội nay chính là Xuân Lôi trước kia và ông biết rõ những vụ kẻ trộm đột nhập đình làng và lấy đi tất cả các đạo sắc phong. Ông Toàn có 28 năm làm công an xã. Ông Toàn bảo một công an viên của xã gọi điện cho ông Hiền trưởng thôn nơi có những đạo sắc phong bị mất lên ngay trụ sở Ủy ban có việc gấp vì mới cách đây mấy tháng thôn của ông Hiền bị kẻ trộm cắt khóa đình làng lấy đi chín đạo sắc phong.

Ông Hiền và đồng chí công an viên của xã đưa chúng tôi về đình Ngòi Hạ. Tại ngôi đình này, chúng tôi đã báo cáo lại toàn bộ câu chuyện cho ông Hiền trưởng thôn, ông Nghe Trưởng ban khánh tiết thôn, thủ từ đình và một vài các cụ bô lão. Những người của làng đưa ra một bản dịch từ lâu những đạo sắc phong để chúng tôi đối chiếu nội dung và ngày tháng các đạo Sắc phong mà chúng tôi có. 

Đình Ngòi Hạ cất giữ tổng cộng 16 đạo sắc phong. Lần thứ nhất bảy đạo sắc phong bị mất và gần đây chín đạo sắc phong còn lại cũng bị mất. Ông Trần Minh Nghe, Trưởng ban khánh tiết nói với chúng tôi là Công ty sông Đà tặng cho đình một chiếc khóa chống trộm nói là không thể cắt được. Nhưng kẻ trộm vẫn cắt khóa ngon lành và lấy đi toàn bộ chín đạo sắc phong còn lại. 

Dân làng rất buồn. Họ đã trình báo công an nhưng để tìm lại cũng chẳng khác gì tìm kim đáy bể. Nay thấy chúng tôi về với ý dâng tặng lại bảy đạo sắc phong thì lòng vui vô hạn. Ông Nghe cũng nói đến một số ngài có trong bản dịch sắc phong mà làng ông đang giữ được một ngôi đình làng bên thờ. Họ nói sẽ xem xét kỹ và thông báo lại cho chúng tôi.

Sau khi đối chiếu nội dung và các điểm liên quan giữa hai bản dịch, vợ chồng doanh nhân Lê Phương Chung khẳng định hai bản dịch là gần như trùng khớp. Chỉ có một vài từ do người dịch dùng có khác nhau một chút. Tất cả chúng tôi đều vui mừng vì đã tìm được đúng nơi cần tìm. 

Tại đình Gòi Hạ, anh em Hà Đông chúng tôi đã thưa với đại diện chính quyền địa phương và các cụ già lý do chúng tôi dâng tặng lại những đạo sắc phong đó cho dân làng vì đó là những tài sản vô giá của họ bị đánh cắp, vì sự tôn vinh và biết ơn của hậu thế đối những người đã có công với đất nước được Vua ban sắc phong, vì sự bảo vệ những di sản văn hóa và lịch sử của dân tộc và vì tư tưởng giáo dục đối với các thế hệ trẻ hiện nay và sau này. 

Chúng tôi cũng thưa với họ rằng: Nếu địa phương khó khăn trong việc tổ chức lễ đón nhận, anh em nhóm “Nhân sỹ Hà Đông” sẽ đóng góp một phần để tổ chức một nghi lễ nghiêm trang đón nhận những đạo sắc phong đó.

Khoảng một tuần sau, ông Nghe, Trưởng ban khánh tiết điện thoại cho chúng tôi nói thông báo chính thức rằng: Bảy đạo sắc phong đó là chính xác và ngôi đình thờ chính các Ngài đã được nhà Vua phong thần là đình thôn Gòi Thượng, còn ngôi đình chúng tôi được chính quyền xã và thôn đưa đến là đình thôn Gòi Hạ. Chính quyền thôn Gòi Hạ đã trao đổi câu chuyện này với chính quyền thôn Gòi Thượng. 

Tôi cũng thưa với ông Nghe rằng, cho dù các Ngài được Vua ban sắc phong ở làng nào thì cũng là người An Nội nói riêng và nói rộng ra là người nước Việt chúng ta. Chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ những văn bản lịch sử đó. Sau đó, ông Đỗ Thế Vinh, trưởng thôn Gòi Thượng, xã An Nội đã gọi điện cho ông Trịnh Hữu Sỹ khẳng định đình thôn Gòi Thượng chính là nơi thờ.

Có một điều tôi rất ấn tượng, xúc động và nhiều suy nghĩ khi đọc bản dịch các đạo sắc phong đó là dòng cuối trong mỗi Sắc phong nhà Vua đều ghi một câu: “Chuẩn cho thờ phụng, hơn nữa thần hãy giúp đỡ bảo vệ dân lành của Trầm. Hãy kính theo”. 

Nhà Vua hay người đứng đầu của một quốc gia đã luôn nghĩ đến người dân của mình. Ta ban chức tước cho người để người thừa lệnh ta mà mang lại cho nhân dân ấm no, bình đẳng và hạnh phúc chứ không phải nhũng nhiễu và đục khoét nhân dân. Đấy là sứ mệnh cao cả nhất của những bậc Quân Vương.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top