Aa

Địa ốc Kim Oanh đề nghị Bộ Công an điều tra chống phá doanh nghiệp

Trung Hiếu
Trung Hiếu trunghieu.ntdtv@gmail.com
Chủ Nhật, 01/03/2020 - 06:30

Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Kim Oanh cho rằng những hoạt động chống phá doanh nghiệp từ các tổ chức, cá nhân là nguyên nhân khiến bà gửi đơn kêu oan, cầu cứu những ngày qua.

Công ty kiệt quệ tài chính, nợ thuế kéo dài

Tập đoàn Kim Oanh (Kim Oanh Group) vừa gửi đơn kêu oan, cầu cứu khẩn cấp đến các cơ quan chức năng xem xét để tháo gỡ nhiều dự án bị vướng mắc tại Bình Dương. Doanh nghiệp này cho biết đã trúng đấu giá với số tiền bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng nhưng dự án bị tắc không triển khai được hơn 1 năm qua với nhiều lý do. Trong đó, nhiều cá nhân, tổ chức có dấu hiệu chống phá doanh nghiệp khiến cho công ty Kim Oanh kiệt quệ về tài chính.

Trao đổi với Reatimes quanh vấn đề này, bà Đặng Thị Kim Oanh - Tổng Giám đốc Kim Oanh Group cho biết hơn 1 năm qua công ty gặp nhiều khó khăn về tài chính do hàng loạt dự án bị ách tắc. Trong khi đó, Kim Oanh nhiều lần gửi đơn thư cầu cứu nhưng không được hỗ trợ giải quyết. Chính vì những khó khăn về tài chính, năm 2019 Kim Oanh Group từ chỗ là một Công ty đứng đầu về nghĩa vụ đóng thuế, từng được nhận bằng khen của Nhà nước thì nay phải nợ thuế mấy chục tỷ đồng. Bà chủ Kim Oanh khẳng định phía Công ty đã cố gắng hết sức để hoàn tất các nghĩa vụ đóng thuế nhưng do vướng mắc ở nhiều dự án dẫn đến kiệt quệ.

Dự án Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Tân Phú của Kim Oanh đang bị dừng để thanh tra

"Hiện tại, Công ty Kim Oanh đã quá sức, cạn kiệt nguồn lực, không thể thực hiện được dự án trong khi số tiền doanh nghiệp bỏ ra quá lớn. Công ty Kim Oanh phải tự lực, gồng gánh làm tất cả những gì có thể để vượt qua khó khăn, duy trì các nhà đầu tư, gánh chịu các chi phí thiệt hại nghiêm trọng đối với dự án Hòa Lân tại tỉnh Bình Dương sau khi tham gia mua đấu giá để xử lý nợ xấu cho Ngân hàng nhưng dự án lại bị đóng băng bởi 1 vụ kiện do Tòa án quận 7 TP.HCM thụ lý… Nhiều vấn đề khó khăn chưa tìm được hướng giải quyết, trong đó không ít đối tượng cứ tìm cách quấy rối, gây khó khăn. Tôi mong mong muốn điều tra, làm rõ ba bốn đối tượng bắt tay nhau gây thiệt hại doanh nghiệp, đưa thông tin chống phá. Tôi mong Bộ Công an sớm vào cuộc để giúp doanh nghiệp ổn định phát triển", bà Oanh giãi bày.

Nhiều dự án ở Bình Dương gặp vướng mắc

Theo đơn cầu cứu mà phía Tập đoàn Kim Oanh gửi đến Các cơ quan chức năng, quá trình mua lại Dự án Khu dân cư Hòa Lân xuất phát từ khoản nợ của công ty Thiên Phú diễn ra không thuận lợi là lý do lớn nhất đẩy công ty Kim Oanh vào giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Theo tài liệu, năm 2010 Công ty Thiên Phú có vay 305 tỷ đồng và gần 19 nghìn lượng vàng của ngân hàng Agribank chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) với tổng số tiền đã quy đổi từ vàng là hơn 1,1 ngàn tỷ đồng. Để đảm bảo cho các khoản vay, Công ty Thiên Phú thế chấp Dự án Khu dân cư Hòa Lân với diện tích gần 500.000m².

Tuy nhiên, do công ty Thiên Phú gặp khó khăn về tài chính nên ngày 17/4/2015 đã ký biên bản thoả thuận giao tài sản để Agribank Chợ Lớn xử lý thu hồi nợ. Ngày 17/6/2015 Agribank Chợ Lớn ký hợp đồng với Công ty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn ở quận 7, TP.HCM bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc Dự án KDC Hòa Lân với giá khởi điểm 1.467,7 tỷ đồng.

Thế nhưng, qua 12 phiên đấu giá kéo dài từ ngày 9/7/2015 đến 25/5/2017 việc đấu giá mới thành công khi Công ty A Đông Hải (nay là Công ty Kim Oanh) đã trúng đấu giá 1.353 tỷ đồng. Theo Công ty Kim Oanh, sau khi trúng đấu giá doanh nghiệp này còn bỏ chi phí vào dự án này nhiều khoản tiền khác, như thanh toán lãi chậm, chuyển nhượng phần diện tích "da beo" còn lại trong dự án… với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Ách tắc tại dự án Khu dân cư Hòa Lân khiến Kim Oanh gặp khó khăn về tài chính

Kim Oanh cho biết sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp này đã thực hiện thủ tục đăng ký làm chủ đầu tư dự án với chính quyền địa phương nhưng luôn bị từ chối. Lý do thứ nhất là quy hoạch của khu đất dự án là 55,6ha nhưng Công ty Kim Oanh chỉ trúng đấu giá 49ha nên không đủ điều kiện đăng ký làm chủ đầu tư và yêu cầu Công ty Kim Oanh phải đền bù hết diện tích đất da beo và đất giao thông công cộng còn lại để đủ 55,6ha mới cho phép đăng ký chủ đầu tư dự án. Theo Kim Oanh đúng ra chính quyền địa phương phải cho chủ trương đầu tư dự án thì doanh nghiệp mới có cơ sở để tiến hành đền bù giải phòng mặt bằng.

Lý do thứ hai do Công ty Kim Oanh chưa thanh toán đủ tiền trúng đấu giá cho Agribank (trong khi đó Agribank có văn bản bảo đảm và đề nghị chính quyền địa phương cho Công ty Kim Oanh đăng ký chủ đầu tư vì đây là điều kiện thanh toán trong Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá).

Sau đó, Công ty Thiên Phú lại tiếp tục kiện ra Tòa án nhân dân quận 7 và gây nên muôn vàn khó khăn cho doanh nghiệp trong suốt thời gian qua. Chính quyền tiếp tục yêu cầu phải có kết luận của Tòa án mới cho Công ty Kim Oanh đăng ký chủ đầu tư…

Thêm một dự án khác gặp vướng mắc là Dự án 43ha Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Tân Phú tại Khu liên - Hợp Thành, thành phố mới Bình Dương, đang vướng thanh tra liên quan đến quá trình chuyển nhượng đất công mà báo chí đề cập thời gian qua. Phía Công ty Kim Oanh khẳng định hoàn toàn không biết các vấn đề về chuyển giao đất công trước đó mà chỉ có giao dịch dân sự với một công ty 100% vốn tư nhân và đã tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật. 

Như vậy, với tư cách là bên thứ ba ngay tình, Công ty Kim Oanh cho rằng phải được pháp luật bảo vệ quyền lợi theo Điều 133 của Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, ngay cả trong trường hợp giao dịch dân sự giữa Tổng Công Ty và Công ty Âu Lạc về chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty Tân Phú vô hiệu thì giao dịch giữa Công ty Kim Oanh và Công ty Âu Lạc vẫn không bị vô hiệu. Công ty Kim Oanh vẫn phải được pháp luật và các cơ quan chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Ngoài ra, Dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 - Khu B tại phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát - Bình Dương cũng bị đứng bánh. Trong đó, Kim Oanh Group nghi ngờ có hoạt động chống phá doanh nghiệp “đội lốt” khách hàng do một tổ chức đứng sau giật giây. Kim Oanh cho rằng có vài khách hàng đã đến mua dự án, tự ý xây nhà, làm trái các điều khoản trong hợp đồng nhằm gây khó khăn cho công ty. Đồng thời, những khách hàng này lại gửi đơn tố cáo đến báo chí, Cơ quan Nhà nước khiến cho UBND tỉnh Bình Dương bất ngờ ra thông báo thu hồi văn bản 3457/UBND-KTN về việc chấp thuận thu hồi phần diện tích đất công ích bàn giao cho Công ty Thuận Lợi để thực hiện dự án. Từ đó đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Từ những vướng mắc trên, địa ốc Kim Oanh đề nghị Cơ quan có thẩm quyền cử Đoàn thanh tra để thanh kiểm tra dự án 43ha của Công ty Tân Phú và toàn bộ các dự án đang vướng mắc của Kim Oanh Group trên địa bàn Bình Dương, đồng thời chỉ đạo sở ban ngành có thẩm quyền tại địa phương xem xét và cho phép Kim Oanh Group tiếp tục triển khai pháp lý của dự án 43ha và các dự án khác trên cơ sở tuân thủ pháp luật. Trong trường hợp có sai sót để doanh nghiệp khắc phục (nếu có), trường hợp đúng quy định luật đất đai thì phải cho doanh nghiệp triển khai thực hiện.

Địa ốc Kim Oanh cũng đề nghị Bộ Công An, cơ quan điều tra Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao xem xét chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh làm rõ các hành vi chống phá doanh nghiệp của các tổ chức, cá nhân để doanh nghiệp sớm ổn định để tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top