Aa

Địa ốc TP.HCM chờ dòng vốn ngoại 2018

Thứ Hai, 22/01/2018 - 06:01

Năm 2017 đi qua, dòng vốn đổ vào thị trường địa ốc TP.HCM đã nói lên sức hấp dẫn của thị trường này. Bước vào năm 2018, nhiều nhận định cho rằng, vốn ngoại sẽ còn "đổ bộ" vào bất động sản TP.HCM nhiều hơn nữa.

Những dòng vốn “khủng” 2017

Báo cáo tình hình hút vốn FDI vào TP.HCM năm 2017, người đứng đầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, TP.HCM đã thu hút được 6,38 tỷ USD, đến từ hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước. Số vốn này tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2016.

 Khu đô thị mới Thủ Thiêm được cho là thỏi nam châm hút vốn ngoại vào TP.HCM năm 2018.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm được cho là thỏi nam châm hút vốn ngoại vào TP.HCM năm 2018.

Đặc biệt, ngành đứng đầu trong dòng vốn là bất động sản, với 44,8% vốn đăng ký, tương đương với 266,203 tỷ đồng (tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ); tiếp đó là ngành xây dựng chiến 14,4%, với vốn đăng ký 85,611 tỷ đồng (tăng 2,1% so với cùng kỳ)…

Theo tìm hiểu của phóng viên, dòng vốn ngoại đổ bộ vào thị trường bất động sản TP.HCM hầu như đến từ các nước châu Á như Singapore, Nhật Bản… tiếp tục chảy mạnh, cho thấy sức hút lớn của thị trường bất động sản Việt Nam.

Đơn cử như hồi tháng 3/2017, Keppel Land đã mua thêm 16% cổ phần tại Keppel Land WATCO 1-5, từ đối tác Việt Nam. Đây là các công ty liên doanh phát triển dự án Saigon Centre tại TP.HCM. Thương vụ trị giá 845,9 tỷ đồng.

Giao dịch này đã giúp Keppel Land nâng tổng số cổ phần tại các công ty liên doanh phát triển Saigon Centre giai đoạn 1 và 2 từ khoảng 45,3% lên 53,5%. Đồng thời nâng tổng số cổ phần tại hai công ty liên doanh phát triển các giai đoạn tiếp theo của Saigon Centre từ 68% lên 76,2%.

Giai đoạn 2 dự án Saigon Centre, được thiết kế bởi NBBJ, một công ty kiến trúc có trụ sở chính tại New York. Dự án sẽ bao gồm 55.000m2 mặt bằng bán lẻ cao cấp, 44.000m2 mặt bằng văn phòng hạng A và 195 căn hộ dịch vụ cao cấp khi hoàn thành vào cuối năm 2017.

Giai đoạn 1 dự án Saigon Centre được hoàn thành vào năm 1996, bao gồm một cao ốc văn phòng cao 25 tầng với toàn bộ mặt bằng văn phòng đã được thuê.

Cho đến hiện tại, Keppel Land đã có 18 dự án được cấp phép tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD và sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 22.000 căn nhà.

Tiếp đó là việc hai doanh nghiệp Nhật Bản là Hankyu Realty đến từ Osaka và Nishi Nippon Railroad đến từ Fukuoka đã góp vốn cùng Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long để thực hiện dự án Mizuki Park với tổng số tiền lên tới 8.000 tỷ đồng.

Mizuki Park là khu đô thị phức hợp được thiết kế đáp ứng nhu cầu sản phẩm vừa túi tiền ở các phân khúc trung và cao cấp với các dòng sản phẩm đa dạng gồm căn hộ, biệt thự và nhà phố liền kề. Hai đối tác Nhật Bản hỗ trợ về vốn cũng như quản lý dự án, thiết kế và phát triển sản phẩm.

Theo kế hoạch, khoảng 300 tỷ đồng lợi nhuận sẽ được hạch toán trong năm 2017 từ việc liên doanh với đối tác Nhật Bản phát triển quỹ đất này. Nam Long không có kế hoạch huy động thêm vốn cổ phần để thực hiện dự án. Nam Long và hai đối tác Nhật Bản chính thức hợp lần đầu tiên vào tháng 6/2015 với dự án căn hộ Flora Anh Đào tại quận 9, TP.HCM. Đến tháng 4/2016, hai bên tiếp tục hợp tác phát triển dự án Fuji Residence.

Một thương vụ đáng chú ý khác đến từ nhà đầu tư Nhật Bản là quỹ đầu tư Creed Group và An Gia Investment công bố đã hoàn tất việc mua tiếp phần còn lại của dự án La Casa ở quận 7, từ Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng. Giá trị chuyển nhượng dự án là khoảng 1.110 tỷ đồng. Trong đó, Creed Group giữ 40% cổ phần và An Gia Investment nắm 60%.

Khu phức hợp La Casa có tổng diện tích 6,35ha. Dự án có quy mô gồm 6 block cao từ 28-35 tầng và 1 block officetel. Khu nhà liên kế 66 căn và các phân khu chức năng khác như bệnh viện, khu thương mại, dịch vụ và bãi đậu xe.

Trước đó, vào năm 2015, Creed Group cam kết đầu tư 200 triệu USD vào An Gia để mua lại cổ phần của công ty, đầu tư vào dự án theo tỷ lệ 50/50. Đồng thời, cung cấp các khoản vay cho An Gia mua dự án.

Ngày 24/12/2017, Tập đoàn Mitsubishi và Phuc Khang Corporation công bố hợp tác chiến lược và ký kết liên doanh phát triển dự án nhà ở theo tiêu chuẩn công trình xanh tại TP.HCM. Theo đó, Mitsubishi Corporation (49%) và Phuc Khang Corporation (51%) thống nhất thành lập Phuc Khang Mitsubishi Corporation Holding (PKMC) để cùng đầu tư, phát triển dòng sản phẩm Diamond Lotus, được xây dựng, quản lý vận hành theo tiêu chuẩn LEED (Hoa Kỳ).

Khoản đầu tư đầu tiên của PKMC được giải ngân thực hiện ngay trong tháng 1/2018 có giá trị 30 triệu USD vào dự án Diamond Lotus Riverside. Khu phức hợp nằm trong bán kính 5km của khu vực trung tâm TP.HCM. Dự án được thiết kế theo yêu cầu khắt khe của tiêu chuẩn LEED như công nghệ tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm nước, xanh hóa và cách nhiệt.

Ngoài tập trung phát triển dự án Diamond Lotus Riverside, Mitsubishi Corporation và Phuc Khang Corporation, thông qua PKMC Holding sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư, phát triển các quỹ đất hiện hữu của Phúc Khang có giá trị trên 500 triệu USD với tổng quy mô 20ha (phức hợp thương mại, chung cư cao tầng) trong khu vực trung tâm TP.HCM, gồm: Quận 1, Quận 2, Quận 8, Quận 10, Tân Bình, Tân Phú… và 1.000ha ở các vùng lân cận cách TP.HCM từ 20 - 30km.

Cũng trong tháng 12/2017, Keppel land Việt Nam (công ty có vốn 100% Singapores) cũng vừa tiến hành M&A 2 dự án tại TP.HCM với số vốn lên đến 297 triệu USD…

Vốn ngoại sẽ về TP.HCM 2018 thế nào?

Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thì năm 2018, dự kiến vốn FDI đổ vào thị trường bất động sản TP vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh nhờ vào những yếu tố hết sức quan trọng.

“Hiện nay, TP.HCM đang có 7.372 dự án đầu tư nước ngoài có hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 44,24 tỷ USD. Đặc biệt, trong số các dự án này có nhiều dự án chậm tiến độ và TP.HCM buộc phải triển khai trong năm 2018. Trong đó, nếu triển khai các dự án này sẽ phải tính lại chi phí và tăng số vốn lên”, ông Sử Ngọc Anh nói.

Ngoài ra, ông Anh còn cho biết, các dự án bất động sản hút vốn lớn nhất đó là khu phước hợp thông minh tại khu chức năng số 2A trong khu đô thị mới Thủ Thiêm với vốn đầu tư 885,85 triệu USD, dự án KNT Asia với tổng vốn đầu tư 215 triệu USD… các dự án này đều dự kiến tiến hành trong năm 2018.

Bên cạnh đó, việc TP.HCM tiếp tục thực hiện nhiều chính sách mới để hút nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư.

Đơn cử, việc đăng ký đầu tư trực tuyến đối với hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài khi có nhu cầu góp vốn vào doanh nghiệp tại TP.HCM. Đồng thời, đã chính thức đưa vào vận hành chương trình đăng ký đầu tư trực tuyến giai đoạn 2 áp dụng cho thủ tục cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Từ những chính sách này kèm theo yếu tố của thị trường như trên địa bàn TP hiện nay còn số lượng hàng tồn kho lớn, cộng với khoảng 500 dự án chậm triển khai. Chủ đầu tư những dự án này hiện đang nhìn thấy “cửa” tự cứu mình bằng việc kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài cùng rót vốn phát triển dự án bất động sản.

Ngoài ra, thị trường TP.HCM còn hưởng lợi lớn từ những dự án trọng điểm như Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang dần hình thành hạ tầng và trong giai đoạn nhà đầu tư phát triển dự án, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng quận 7 cũng đang được nhà đầu tư phát triển giai đoạn 3…

Bên cạnh đó, là chính sách phát triển đô thị thông minh của TP.HCM cùng với việc TP chính thức được Quốc hội cho phép phát triển kinh tế đặc thù. Ông Sử Ngọc Anh cho biết, đây là hai yếu tố mà TP.HCM tin sẽ tạo ra thêm sự đột phá hút vốn FDI vào thị trường bất động sản.

Theo ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, làn sóng đầu tư bất động sản tại TP.HCM của khối ngoại ngày càng mạnh mẽ được lý giải bởi nguyên nhân: Các chỉ số cơ bản của thị trường như tốc độ đô thị hoá nhanh, dân số trẻ, thu nhập kỳ vọng tăng trưởng đều, kinh tế ổn định và hội nhập sâu rộng, tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo...

Ngoài ra, nỗ lực cải thiện chỉ số minh bạch của ngành địa ốc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Tại thị trường TP.HCM, hiện nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ tiếp cận thông tin thị trường và khung pháp lý, thủ tục cấp phép dự án…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top