Aa

Điểm danh những cây cầu được duyệt xây dựng tại Hà Nội trong tương lai

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 20/04/2018 - 06:31

Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội dự kiến xây dựng nhiều cầu trên địa bàn thành phố bằng nguồn ngân sách Nhà nước hoặc đầu tư bằng hình thức BT, BOT nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Dự kiến đầu tư 109,4 tỷ đồng để xây cầu

UBND TP. Hà Nội mới đây ban hành hàng loạt Quyết định phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư của các dự án đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp công trình, cầu trên địa bàn một số huyện ngoại thành của thành phố với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 109,4 tỷ đồng.

Cụ thể, Hà Nội đã phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp công trình đầu mối hồ Hàm Lợn, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn với tổng mức đầu tư các hạng mục công trình này dự kiến hơn 48 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2018 – 2020 nhằm đảm bảo nhiệm vụ tưới nước cho 110ha đất nông nghiệp và mục tiêu an toàn hồ chứa quốc gia; hoàn thiện hệ thống quản lý vận hành hồ chứa; cải thiện cảnh quan, môi trường vùng dự án hỗ trợ hạ tầng cho địa phương (bị ảnh hưởng môi trường của Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn)…

Bên cạnh đó, Thành phố ban hành hai Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư hai dự án xây dựng trên địa bàn huyện Thanh Oai. Một là Dự án xây dựng công trình cầu Châu Mai với tổng mức đầu tư dự kiến gần 18,2 tỷ đồng. Đây là cầu bê tông cốt thép, chiều dài cầu khoảng 43m, rộng 12m; vuốt nối đường hai đầu cầu với tuyến đường hiện có.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 – 2019 để thay thế cầu cũ đã xuống cấp; từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực theo quy hoạch được duyệt và đồng bộ với tuyến giao thông liên xã Hồng Dương – Liên Châu đang được UBND huyện Thanh Oai triển khai thực hiện giai đoạn 3, dự kiến hoàn thành năm 2018; tạo điều kiện đi lại thuận lợi.

Trong giai đoạn 2016-2020 Hà Nội dự kiến xây dựng nhiều cầu trên địa bàn thành phố

Trong giai đoạn 2016-2020 Hà Nội dự kiến xây dựng nhiều cầu trên địa bàn thành phố. Ảnh minh họa.

Tương tự về thời gian, dự án thứ hai là xây dựng công trình cầu Tri Lễ có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 15,6 tỷ đồng. Cầu có kết cấu dầm bê tông cốt thép, chiều dài khoảng 51m, rộng 8,5m; vuốt nối đường hai đầu cầu với tuyến đường hiện có. Dự án cầu nhằm thay thế cầu cũ đã xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tạo điều kiện đi lại thuận lợi, góp phần hoàn chỉnh tuyến đường nối giữa Quốc lộ 21B với xã Tân Ước đang được UBND huyện Thanh Oai triển khai thực hiện.

Còn tại huyện Thạch Thất, Thành phố duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Kim Quan 1 là cầu mới bằng kết cấu dầm thép liên hợp bản bê tông cốt thép với chiều dài toàn bộ công trình khoảng 80m. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 17,3 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, thời gian thực hiện từ năm 2018 – 2019.

Cuối cùng là dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Chùa Dậu tại huyện Đan Phượng có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 10,3 tỷ đồng và thời gian thưc hiện cũng là từ năm 2018 – 2019 nhằm thay thế cầu cũ hiện không đủ đáp ứng yêu cầu tối thiểu hai làn xe và tải trọng khai thác thực tế hiện nay. Cầu sẽ có chiều dài dự kiến khoảng 40m, rộng 10m; xây dựng đường hai đầu cầu vuốt nối với đường hiện trạng.

Dự án theo hình thức BT

Bên cạnh các dự án thực hiện bằng nguồn ngân sách thành phố và do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư cũng phải kể đến những dự án được đầu tư bằng hình thức hợp đồng BT. Trong đó phải nhắc đến các dự án điển hình như cầu Thượng Cát (bao gồm đường hai đầu cầu) với chiều dài 4,5km, tổng vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư BOT đang nghiên cứu hình thức BT, thời gian thực hiện dự kiến 2017-2021.

Tiếp đó là cầu Trần Hưng Đạo tổng mức đầu tư dự kiến 7.000 tỷ đồng, hình thức BT, thời gian dự kiến thực hiện 2016-2021 dài 3,2km do Công ty CP Him Lam lập Hồ sơ đề xuất.

Cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, tổng mức đầu tư dự kiến 17.000 tỷ đồng với cầu dài dài 3,0km, đường 9km cũng có hình thức đầu tư là BT được triển khai trong giai đoạn 2016-2021.

Ngoài ra là dự án Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã được UBND TP.Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng theo hình thức hợp đồng BT, có chiều dài khoảng 3,5km, tổng mức đầu tư dự kiến 2.561 tỷ đồng, thời gian dự kiến thực hiện 2016-2021.

Bên cạnh đó phải kể đến Cầu Giang Biên và đường nối hai đầu cầu (nối cầu Vĩnh Tuy, vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp, Bắc Ninh) dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2017-2020 với chiều dài khoảng 5,413km, tổng mức đầu tư dự kiến 6.068 tỷ đồng, cũng được đề xuất đầu tư theo hình thức hợp đồng BT.

Dự án cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh dài 0,5km, tổng mức đầu tư dự kiến là 6.000 tỷ đồng cũng đã nằm trong kế hoạch theo hình thức đầu tư BOT hoặc BT với dự kiến thời gian triển khai 2017-2021./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top