Aa

Điểm mặt những dự án bán cả thập kỷ nhưng không giao nhà

Thứ Tư, 17/01/2018 - 20:02

Khóc ròng vì mua dự án cả chục năm mãi vẫn không được nhận nhà, nhận đất, nhiều khách hàng tại TP.HCM đã gửi đơn khiếu nại khắp nơi nhưng chỉ nhận lại được sự thờ ơ của chủ đầu tư.

Loạt dự án "đóng băng" 

Hàng loạt dự án chung cư đang triển khai dở dang rồi án binh bất động cả thập kỷ kéo theo bao nhiêu hệ lụy, gây thiệt hại nặng nề cho các khách hàng mua căn hộ, kế đến là nhà thầu, ngân hàng cho vay… Theo thống kê từ Sở Xây dựng TP.HCM hiện toàn TP có 447 dự án bất động sản “đắp chiếu”, ngừng triển khai dù đã có dự án bán hết sản phẩm cho khách hàng.

Trong số này, đầu tiên phải nhắc tới dự án Khu nhà ở Phước Kiểng I (huyện Nhà Bè, TP.HCM), do Công ty Thái Sơn làm chủ đầu tư, được cấp phép từ tháng 12/2001. Dự án có quy mô 436 nền nhà biệt thự. Sau khi được cấp phép đầu tư, tháng 3/2002, UBND TP.HCM đã ra quyết định giao 19 ha đất cho Công ty Thái Sơn.

Ngay sau đó, công ty này đã kêu gọi người dân mua dự án theo hình thức góp vốn đổi đất để chủ đầu tư thực hiện dự án. Vì vị trí của Khu nhà ở Phước Kiểng I chỉ cách trung tâm TP.HCM 7km nên có rất nhiều người dân tham gia góp vốn. Từ đây chủ đầu tư đã huy động vốn của 400 khách hàng với giá từ 1,2 triệu đồng/m2 trở lên.

Tuy nhiên, tới nay đã gần 15 năm trôi qua, người dân đóng góp tiền đầu tư dự án vẫn chưa được nhìn thấy nhà của mình, khu đất xây dựng dự án chỉ thấy toàn cỏ mọc.

"Người anh em" của dự án này là Khu nhà ở Phước Kiểng II không hề kém cạnh trong khoảng thời gian "đóng băng". Dự án cũng do công ty Thái Sơn làm chủ đầu tư, bắt đầu bán từ năm 2004 cho hàng trăm hộ dân theo hình thức góp vốn cùng thực hiện dự án. Nhưng tới nay, sau 13 năm, dự án vẫn mới chỉ đền bù giải tỏa được 70%, trong khi đó tiền góp vốn của khách hàng đã được phía chủ đầu tư thu đủ.

Dự án Khu nhà ở Phước Kiểng I đã bán 15 năm nhưng khách hàng vẫn chưa thể nhận đất xây nhà.

Dự án Khu nhà ở Phước Kiểng I đã bán 15 năm nhưng khách hàng vẫn chưa thể nhận đất xây nhà.

Một dự án nữa cũng thuộc diện bán cả thập kỷ nhưng vẫn không giao sản phẩm cho người dân đó là dự án Khu công nghệ thương mại và dân cư Intresco (gọi là khu dân cư 6A) tại huyện Bình Chánh, TP.HCM do Công ty Intresco làm chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu, từ năm 1994, Khu đô thị mới Nam TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 22 phân khu chức năng trên tổng diện tích 2.600ha, riêng khu chức năng số 6 quy mô 188ha là khu công viên khoa học phía Đông. Trong Khu chức năng số 6, năm 2002, Ban Quản lý khu Nam TP phê duyệt đề án quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỷ lệ 1/500 làm Khu công nghệ thương mại và dân cư Intresco với quy mô hơn 48,5ha.

Trong quá trình phát triển dự án Khu dân cư 6A, dù đã nhận tiền của gần 300 người dân nhưng Công ty Intresco mới chỉ làm hợp đồng góp vốn cho 47 người. Số còn lại, Intresco chỉ làm phiếu thu tiền của người dân mà không làm hợp đồng góp vốn. Không những thế, sau khi làm quy hoạch, dù chưa thực hiện xong phần đền bù giải tỏa dự án, thì tháng 11/2006, Intresco lại mang một phần lớn đất dự án, trong đó có những phần đã bán cho người dân, đem bán cho Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát.

Nhiều khách hàng mua dự án Chung cư 584 Tân Kiên (Bình Chánh, TP.HCM) của CTCP Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (Công ty 584) hiện cũng đang khốn đốn vì ký hợp đồng mua căn hộ suốt từ năm 2008 đến nay nhưng vẫn chưa được nhận nhà. 

Theo thiết kế ban đầu, khu dân cư và căn hộ cao tầng 584 Tân Kiên gồm 114 nền nhà liên kế, 2 block chung cư, chung cư A gồm 420 căn hộ, chung cư B có 532 căn hộ. Chung cư B đã được nghiệm thu và bàn giao cho khách hàng từ cuối tháng 3/2011. Chung cư A dù hoàn thành được hơn 80%, khách hàng đã thanh toán 80 - 90% nhưng vẫn không được bàn giao nhà, chủ đầu tư xin chuyển đổi công năng nhiều lần.

Lý giải cho việc không giao nhà, thu hồi dự án nhà ở chuyển thành bệnh viện, Công ty 584 cho biết mục đích để tháo gỡ các áp lực tài chính của công ty và đại đa số khách hàng. Sau khi xin chuyển đổi công năng thành bệnh viện 1.000 giường không thành, năm 2013, Công ty 584 tiếp tục xin chuyển đổi công năng của dự án sang dạng nhà ở xã hội. Dù đã "đổi vận" nhiều lần nhưng đến nay dự án trên vẫn bỏ dở, block A chưa hoàn thành, nhiều người dân đã đóng tiền mua nhà tiếp tục phải chờ đợi. 

Dự án 584 Lilama SHB Building có địa chỉ tại 348 Trịnh Đình Trọng, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú cũng diễn ra tình trạng tương tự. Dù đã bán hết căn hộ cho khách hàng từ năm 2006 nhưng Công ty 584 không thi công, khách hàng vẫn không thể biết bao giờ dự án mới được hoàn thành.

Hiện tượng "đắp chiếu" cũng diễn ra tại dự án Petro Landmark - tổ hợp khu chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng tọa lạc tại phường An Phú, quận 2, TP.HCM do Công ty cổ phần bất động sản và Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC Land) làm chủ đầu tư. Được xây dựng với 4 block căn hộ cao từ 17 – 21 tầng cung ứng khoảng 418 căn hộ được chủ đầu tư bắt đầu bán từ năm 2008, giá bán khởi điểm ban đầu là 23,8 triệu đồng/m2. Nhưng sau đó hạ xuống còn 15,5 triệu đồng/m2. Theo hợp đồng, đến tháng 12/2011, chủ đầu tư phải bàn giao xong nhà cho khách hàng.

Tuy nhiên, khi dự án đã xây dựng được khoảng 80% thì bỗng dưng ngừng thi công và "đắp chiếu" liên tiếp trong nhiều năm. Từ đây hành trình đòi nhà của hàng trăm khách hàng cũng bắt đầu. Được biết, rất nhiều khách hàng đã đóng tiền trên 95%, thậm chí có người đóng 102% để mua căn hộ Petro Landmark, nhưng 5 năm qua họ phải chờ đợi mỏi mòn, thậm chí “đội đơn” khiếu kiện nhiều nơi yêu cầu phía chủ đầu tư phải giao nhà. Thế nhưng, nguyên vọng chính đáng của người mua không được hồi đáp. Được biết, một trong những nguyên nhân khiến dự án bị “ngâm” nhiều năm trời là do chủ đầu tư PVC Land ngập trong nợ nần.

Khách hàng mong ngóng, chủ đầu tư hững hờ

Trao đổi với phóng viên về việc chủ đầu tư chậm giao sản phẩm cho người dân dù thời gian trôi qua hàng chục năm, những khách hàng được hỏi đều sốt ruột và cho biết dù đã có nhiều kiến nghị tới chủ đầu tư, thậm chí là cả cơ quan chức năng nhưng vẫn không thể biết ngày các dự án hoàn thiện.

Khách hàng mua dự án Khu nhà ở Phước Kiểng II cho biết, đã có hàng chục buổi làm việc với chủ đầu tư là Công ty Thái Sơn và đơn vị này cũng có nhiều văn bản trả lời khách hàng nhưng tới nay dự án vẫn chỉ có cỏ dại mọc, công tác đền bù giải tỏa hay san lấp mặt bằng cũng không được thực hiện.

Trả lời báo chí, đại diện chủ đầu tư này cho biết dự án đang được tiến hành đền bù và có thể hoàn thiện vào năm 2020. “Đây là dự án góp vốn giữa chủ đầu tư và khách hàng nên không thể đẩy nhanh tiến độ dự án trong lúc này”, đại diện Công ty Thái Sơn nói.

Còn đối với dự án Khu nhà ở 6A do Intresco làm chủ đầu tư, ông Đoàn Hữu Chí, Phó Tổng Giám đốc Công ty Intresco cho hay, hiện Công ty muốn triển khai dự án nhưng phía Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa giao đất nên Công ty không thể làm được.

Trước câu trả lời này, hàng trăm khách hàng mua nhà khẳng định không thể chấp nhận lời giải thích của Intresco và cho rằng Công ty đang đùn đẩy trách nhiệm cho Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng. Do đó, khách hàng đề nghị công ty Intresco gửi thư mời đến Ban giải phóng mặt bằng, Ban quản lý khu Nam cùng đến dự vào cuộc họp với khách hàng.

Trả lời vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Công ty Intresco cho biết, công ty sẽ gửi thư mời đến Ban quản lý khu Nam và Ban giải phóng mặt bằng để mời dự buổi họp với khách hàng. Nhưng việc đại diện 2 bên này có đến dự hay không thì phía Công ty không chắc chắn. Đặc biệt, hiện Intresco vẫn chưa có được câu trả lời chính thức là bao giờ mới hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, hoàn chỉnh hạ tầng dự án.

Đối với các dự án của 584 thì việc bàn giao nhà còn xa vời vì hầu như các dự án này vừa bị ngân hàng thu nợ. Nói về cách giải quyết cụ thể cho các dự án, phía chủ đầu tư cho biết vẫn chưa có hướng đi. Còn dự án Petro Landmark cũng chưa có tín hiệu nào cho thấy sẽ hoàn thành.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm một phần ở cơ quan quản lý và phía các sở, ngành của TP đã không kiểm soát tốt được năng lực các chủ đầu tư, giao đất cho chủ đầu tư nhưng phương hướng đền bù không rõ ràng khiến các chủ đầu tư gặp khó trong việc giải phóng mặt bằng dự án.

Ngoài ra, ông Hiệp cho biết do thời điểm bán các dự án này giá nhà và đất rẻ, sau khi bán cho khách hàng xong thì giá đất tăng lên cao, đỉnh điểm là cơn sốt đất nền 2007, các chủ đầu tư cũng kiệt quệ vốn sau cơn sốt. Chính điều này đã làm ra cảnh dự án bán cả chục năm nhưng không hoàn thành.

Trả lời về những dự án chậm triển khai này, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết hiện UBND TP đã nhận nhiều văn bản khiếu nại của người dân cũng như xin phương hướng giải quyết của chủ đầu tư… Hiện, phía UBND TP đang tiến hành rà soát khó khăn của từng dự án để đưa ra biện pháp khắc phục, hỗ trợ chủ đầu tư tiến hành tái khởi động dự án để sớm bàn giao cho khách hàng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top