Aa

Điều gì cản bước ngành du lịch Việt Nam thành kinh tế mũi nhọn?

Thứ Hai, 29/05/2017 - 16:28

“Trong dự thảo hiện nay chưa có điều nào về quy hoạch du lịch. Ở các nước đây là vấn đề rất quan trọng. Khi chúng tôi đi đầu tư ở bất cứ đâu thì vấn đề quan tâm đầu tiên là khu vực nào được quy hoạch, phát triển du lịch, và phát triển theo hình thức nào”, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch Tập đoàn FLC phát biểu tại tọa đàm "Tạo đột phá cho du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” mới đây.

Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi 2017 đã được các chuyên gia mổ xẻ trong toạ đàm “Tạo đột phá cho Du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 25/5.

Theo các chuyên gia, ngành du lịch Việt Nam đang vướng phải nhiều rào cản, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, yêu cầu cấp thiết là sửa đổi để Luật Du lịch phù hợp với thực tiễn.

 Toàn cảnh tọa đàm. Nguồn ảnh: Báo Tổ quốc

Toàn cảnh tọa đàm. Nguồn ảnh: Báo Tổ quốc

Thiếu quy hoạch du lịch

Dưới góc độ đầu tư nghỉ dưỡng lĩnh vực BĐS, bà Hương Trần Kiều Dung – Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC đưa ra những bất cập trong việc thiếu quy hoạch du lịch. 

“Trong dự thảo hiện nay chưa có điều nào về quy hoạch du lịch. Ở các nước đây là vấn đề rất quan trọng. Khi chúng tôi đi đầu tư ở bất cứ đâu thì vấn đề quan tâm đầu tiên là khu vực nào được quy hoạch, phát triển du lịch, và phát triển theo hình thức nào”, bà Hương Trần Kiều Dung nhận xét.

 Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung. Nguồn ảnh: Tổ quốc

Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung. Nguồn ảnh: Tổ quốc

Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh đầu tư du lịch đang quá phức tạp, chưa thực sự giúp xã hội hoá du lịch. Cụ thể để cấp chứng nhận cho một khu nghỉ dưỡng 5 sao, doanh nghiệp đang cần 14 loại giấy phép. Và nếu theo đúng dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) lần này thì số lượng giấy phép sẽ tiếp tục tăng lên.

Bà Dung lấy ví dụ quy định tại điều 51A, khoản 3 của Dự thảo là "Đáp ứng điều kiện tối thiểu đối với cơ sở lưu trú du lịch": “Điều kiện tối thiểu như thế nào thì không được nêu rõ trong Luật. Hiện chúng ta đã có quy định xếp hạng sao cho các cơ sở lưu trú rồi thì quy định về điều kiện tối thiểu có ý nghĩa gì? Theo quan điểm của tôi, nếu phải giữ quy định điều kiện tối thiểu cho cơ sở lưu trú du lịch thì chỉ cần áp dụng cho một số hình thức mới phát sinh trong điều kiện hiện nay, như homestay, cắm trại…”.

Cũng theo bà Dung, cần xem du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, quan hệ đến rất nhiều lĩnh vực, và do đó, nên có sự điều chỉnh thống nhất giữa các văn bản pháp luật liên quan, điển hình như Luật Đầu tư 2014 không quy định du lịch là một ngành nghề được ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Như vậy không biết du lịch sẽ dựa vào đâu để trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn?

Mặt khác, Luật Đất đai 2013 cũng không quy định các dự án du lịch nghỉ dưỡng sinh thái quy mô lớn thuộc diện được nhà nước thu hồi đất. Chính vì vậy mà doanh nghiệp phát triển hạ tầng du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt ở khâu giải phóng mặt bằng, trong khi hạ tầng du lịch vốn là nền tảng để du lịch cất cánh.

Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) gồm 9 chương, 83 điều quy định về tài liệu du lịch, sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong kinh doanh du lịch hoặc thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến du lịch và quản lý Nhà nước về du lịch.

"Cởi trói" cho du lịch phát triển

TS Phạm Từ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, các chỉ tiêu phát triển du lịch của Việt Nam vẫn thấp nhất trong 136 nước. Năm 2016, khi lần đầu tiên Việt Nam đạt 10 triệu khách du lịch thì Thái Lan đã 30 triệu, Singapore là 16 triệu. Việt Nam vẫn ở mức trung bình. Người Việt Nam sang Thái gấp 3 lần so với ngược lại. Người Việt sang Lào gấp 5 lần so với Lào sang ta.

Trong khi đó, mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đón 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 82 triệu khách nội địa. Đóng góp trên 10% GDP, tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

“Mục tiêu này là cao nhưng hoàn toàn có cơ sở, và phải tạo đột phá để đạt kỳ được” – ông Phạm Từ nói.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc hãng lữ hành Vietravel cho biết, dự thảo Luật Du lịch năm 2017 không khác Luật Du lịch năm 2005 nhiều. Theo đó, ngành du lịch được xác định là kinh tế mũi nhọn nhưng không định lượng rõ, mũi nhọn là như thế nào. Du lịch khi được xem là mũi nhọn gồm tổ hợp các ngành dịch vụ, du lịch, phát triển hạ tầng, vận tải… Vì vậy, Luật Du lịch phải được xây dựng trên cơ sở hỗ trợ, tạo động lực về cơ chế thì mới có sự phát triển đồng bộ.

Nhận định dự thảo Luật Du lịch vừa được hoàn thành đã lạc hậu, lỗi thời so với các nước xung quanh, ông Kỳ cho rằng thế giới đã chuyển từ thế giới phẳng sang thế giới trực tuyến nhưng dự thảo đã không đề cập đến nội dung phát triển du lịch trực tuyến, tức áp dụng công nghệ vào du lịch. Các hãng taxi truyền thống, xe ôm cũng đang bị các ứng dụng như Uber, Grab làm tụt giảm doanh thu, rơi vào khủng hoảng. Ngay trong ngành du lịch, hiện nay các du khách cũng có thể dễ dàng đặt phòng nghỉ bằng các ứng dụng công nghệ như Booking.com, agoda.com,…

Vị CEO này cho hay, Luật Du lịch nếu được thông qua cũng phải mất 10 năm mới chỉnh sửa được, vì vậy cần xem xét kỹ trước khi thông qua, tính toán việc giữa đặt mục tiêu cao nhưng cần đột phá về cơ chế “cởi trói”, tạo động lực cho du lịch phát triển.

Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đậu Anh Tuấn cho rằng, cần phải có cơ chế miễn visa rộng rãi. Hiện nay Việt Nam mới chỉ miễn visa cho hơn 22 nước trong khi Thái Lan lên tới 160, Indonesia là 190 nước. Ngân sách quảng bá cho du lịch chỉ 20 triệu USD năm 2016 trong khi các nước dùng tới hàng trăm triệu USD cho du lịch quảng cáo ở thị trường quốc tế. Hay việc phát triển du lịch nhưng vẫn cho mở tràn lan các khu công nghiệp luyện thép, lọc hoá dầu; đầu tư khai thác các di sản văn hoá vẫn thiếu tầm nhìn, đầu tư bài bản.

“Các mỹ từ đẹp nhất đã được sử dụng để phát triển ngành du lịch rồi nhưng quan trọng là có hiện thực hoá được hay không”, ông Tuấn nói.

Đã nên thông qua Luật Du lịch?

Với nhiều quan điểm trái chiều, các đại biểu tham dự toạ đàm là chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, doanh nhân Nguyễn Quốc Kỳ hay Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc…đề nghị Quốc hội lần này sẽ không thông qua dự thảo Luật Du lịch sửa đổi, cần thêm thời gian để hoàn thiện.

“Tôi đề nghị Quốc hội lần này không thông qua dự thảo Luật du lịch năm 2017. Luật còn nhiều quan điểm trái chiều, chưa thể hiện được Nghị quyết phát triển du lịch của Bộ Chính trị, không thể thông qua một dự thảo luật sống như vậy”, ông Lê Đăng Doanh nói.

Ông Nguyễn Quang Lân, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch thì cho rằng: “Hiện nay đa phần chúng ta làm luật trong một môi trường không thuận, quyền lực bị phân tán. Mỗi bên nắm một quyền lực khác nhau, việc thống nhất quan điểm là rất khó. Luật mà được thông qua thì phải 10 năm mới chỉnh sửa được, thời gian đó là không nhỏ với một lĩnh vực đang phát triển mạnh như du lịch. Trước đó, Bộ Luật hình sự đã phải hoãn gấp để sửa lại, đảm bảo đạt điều kiện mới thông qua. Vậy Luật Du lịch sửa đổi có nên dừng lại không”, ông Quốc nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top