Aa

“Điều quan trọng là kiểm soát tín dụng đi vào lĩnh vực cho tăng trưởng”

Thứ Sáu, 21/12/2018 - 13:59

"Điều quan trọng vẫn là kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đi vào những lĩnh vực hỗ trợ cho tăng trưởng, chứ không phải những lĩnh vực tạo ra rủi ro cho nền kinh tế", ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, nêu quan điểm.

Kinh tế Việt Nam năm 2019 có thể tăng 7%

Tại báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2018, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 sẽ ở mức 7%. Vậy, đâu là cơ sở cho nhận định này, thưa ông?

Chúng ta đều thấy, trong mấy năm trở lại đây tăng trưởng kinh tế luôn vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong năm 2018, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt mức 6,9%, thậm chí là trên 6,9%. Bước sang năm 2019, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 7%. Cơ sở cho dự báo này đến từ việc phân tích và dự báo về tình hình kinh tế thế giới và trong nước.

Với những yếu tố từ bên ngoài, chúng tôi cho rằng, chiến tranh thương mại vẫn có nhiều điểm thuận lợi cho kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, giá xăng dầu thế giới năm 2019 được dự báo không còn tăng nhiều như năm 2018, các chính sách tiền tệ của nhiều nước (ví như Mỹ) sẽ điều hành thận trọng hơn để duy trì tăng trưởng kinh tế, lạm phát của toàn cầu cũng sẽ giảm… sẽ có những hỗ trợ tích cực cho kinh tế Việt Nam trong năm 2019.

Diễn biến thị trường trong nước cũng được dự báo sẽ có nhiều hỗ trợ cho tăng trưởng GDP trong năm 2019, đó là: chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân, đổi mới mô hình tăng trưởng, môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện…

Từ những nhận định trên, chúng tôi đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 đạt ở mức 7%. Đồng thời, lạm phát năm tới có thể chỉ tăng 3,6%, tương đương mức lạm phát năm nay và thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua (khoảng 4%).

Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia.

Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia.

Các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và lĩnh vực dịch vụ được nhận định là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2018. Vậy, trong năm 2019, động lực cho tăng trưởng kinh tế sẽ đến từ đâu?

Chúng tôi cho rằng, tuy có dấu hiệu giảm tốc nhưng công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ vẫn có nhiều điều kiện để phát triển trong năm 2019. Đặc biệt, với những chính sách của Chính phủ triển khai trong thời gian qua, tôi nghĩ rằng cần có độ trễ để thẩm thấu vào nền kinh tế. Tổng thể lại, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 là tốt.

Đâu là thách thức lớn nhất?

Vậy đâu là những thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam trong năm 2019, thưa ông?

Do chúng ta đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nên thách thức của kinh tế Việt Nam cũng nằm trong thách thức của kinh tế thế giới. Điểm lo ngại nhất của toàn thế giới hiện nay là chiến tranh thương mại, bởi nó sẽ tác động ngay đến khối lượng thương mại.

Những tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến khối lượng thương mại của Việt Nam từ mức tăng 5,2% đã giảm xuống 4,2% trong năm 2018, các dự báo cho thấy khối lượng thương mại của Việt Nam năm 2019 sẽ tiếp tục giảm xuống mức khoảng 4%.

Chúng ta là một nền kinh tế mở và tăng trưởng kinh tế của chúng ta dựa nhiều vào xuất khẩu, nếu quy mô thương mại toàn cầu giảm, xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó khăn.

Tuy nhiên, thách thức lớn hơn cả đó là tính linh hoạt và thích ứng của chúng ta ở dưới góc độ các chính sách vĩ mô như thế nào để có thể loại trừ những khó khăn và thách thức, đồng thời khơi dậy được tiềm năng của nền kinh tế.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa điều chỉnh tăng lãi suất lần thứ 4 trong năm 2018. Điều này sẽ tác động như thế nào đến diễn biến tỷ giá thời gian tới?

Chúng ta phải trở lại xem nguyên tắc nào để FED tăng lãi suất. Có thể thấy, chính sách tiền tệ của Mỹ dựa vào hai nhân tố chính: thứ nhất là lạm phát; thứ hai là tỷ lệ thất nghiệp. Hai nhân tố này có liên quan tới nhau.

Trong những năm trước Mỹ đã đưa lãi suất xuống 0%/năm, làm cho chi phí vốn trong nền kinh tế thấp và điều này đã kích hoạt cho các dòng vốn đầu tư. Chính các dòng vốn đầu tư đã giúp tăng trưởng kinh tế Mỹ từ mức 1,2 -1,3% trong những năm trước lên đến gần 3% như hiện nay.

Điều này nói lên rằng, chính sách lãi suất có vai trò rất quan trọng trong một nền kinh tế như là Mỹ để giúp tăng trưởng kinh tế. Nhưng cái gì cũng có giới hạn. Bởi lẽ, Mỹ tính toán rằng nếu lạm phát vượt 2% hoặc thất nghiệp giảm xuống dưới 4%, thì có thể nền kinh tế đã bắt đầu nóng lên.

Vậy nên, FED đã từng tuyên bố phải dùng các công cụ, các chính sách để ngăn ngừa từ xa. Tuy nhiên, nếu tăng lãi suất lên nhiều có thể sẽ có những tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ.

Cộng đồng thế giới cũng khá ngạc nhiên với những thay đổi chính sách của Mỹ. Các dự báo trên thế giới cho rằng, đồng USD sẽ không tăng giá nữa, thậm chí sẽ rớt giá. Nếu điều này xảy ra sẽ tác động tích cực tới các nền kinh tế hội nhập như Việt Nam. Khi đó, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn so với năm 2018.

Việc FED tăng lãi suất và những chỉ báo cho tăng trưởng kinh tế của Mỹ gắn liền với chính sách tiền tệ tạo rất nhiều thuận lợi và giúp Việt Nam có nhiều dư địa trong hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô theo hướng: lạm phát thấp và tăng trưởng cao hơn.

Kiểm soát tín dụng chảy vào lĩnh vực tạo tăng trưởng

Vậy với thị trường vốn thì sao, ông có đánh giá như thế nào về những khó khăn của thị trường vốn trong năm 2019?

Trong một thị trường tài chính hoàn hảo, ở đó có hai cấu phần: cấu phần thứ nhất là thị trường trường tiền tệ, chuyên lo toan dòng vốn ngắn hạn; cấu phần thứ hai là thị trường vốn, chuyên lo toan dòng vốn trung dài hạn của nền kinh tế.

Tại Việt Nam lại khác. Điều kiện phát triển kinh tế và điều kiện phát triển của thị trường tài chính trong thời gian qua phần lớn tập trung vào dòng vốn ngắn hạn của thị trường tiền tệ. Trong vài năm trở lại đây, chúng ta đều biết thị trường vốn của Việt Nam đã có những chuyển động tốt, điều đó được thể hiện qua: giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán/GDP đã tăng tới 70%.

Tuy nhiên, ở một thị trường tài chính hoàn hảo, các công cụ, các thiết chế cần phải được tiếp cận với các thông lệ quốc tế. Có nghĩa các công cụ thị trường phải được đầy đủ hơn, các thị trường tài chính phải hoạt động hoàn hảo hơn.

Trong năm 2018, chuyển biến thị trường tài chính Việt Nam là tốt. Điều đó được thể hiện ở chỗ: thị trường tiền tệ đã giải quyết cơ bản vấn đề nợ xấu; hoạt động của các tổ chức tín dụng đã tốt hơn; thị trường vốn đã có chuyển biến tích cực (ứng dụng các công cụ phái sinh trong kinh doanh mua bán chứng khoán)… Nếu kiên trì đi theo con đường này, dần dần chúng ta sẽ mở rộng được thị trường tài chính và áp dụng các chuẩn mực quốc tế.

Chúng ta đều biết, dòng vốn huy động ngắn hạn của hệ thống ngân hàng để cho vay trung dài hạn đã được giảm xuống. Những điều chỉnh chính sách như thời gian qua phù hợp với sự phát triển của thị trường vốn. Có rất nhiều giải pháp nhưng giải pháp căn cơ nhất vẫn là áp dụng các chuẩn mực, các công cụ, các dịch vụ tài chính… mà các thị trường vốn phát triển trên thế giới đang áp dụng. Nếu làm được điều này, trong 3 - 5 năm tới chúng ta sẽ dần cân bằng, làm cho dòng tín dụng ngắn hạn từ ngân hàng đi vào nền kinh tế thể hiện qua tỷ lệ tín dụng/GDP.

Trong điều kiện của Việt Nam, chúng ta không nên vội vã điều chỉnh dòng tín dụng vào nền kinh tế. Điều quan trọng, không phải là tín dụng nhiều hay ít, mà là chất lượng của dòng vốn đó. Cần điều chỉnh làm sao để dòng vốn đó đi vào sản xuất kinh doanh, tránh những lĩnh vực có quá nhiều rủi ro (bất động sản, đầu cơ chứng khoán…).

Với phân tích như vậy, tôi cho rằng, tỷ lệ tín dụng/GDP hiện ở mức 131% là chấp nhận được, thậm chí tỷ lệ này có thể tăng thêm 5-7%. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đi vào những lĩnh vực hỗ trợ cho tăng trưởng, chứ không phải những lĩnh vực tạo ra rủi ro cho nền kinh tế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top