Aa

Độ cao tĩnh không xây dựng tại khu trung tâm TP.HCM được nâng cao từ 1,5- 2,5 lần

Thứ Năm, 22/06/2017 - 23:16

Bộ Tổng tham mưu từng đặt tiêu chuẩn độ cao tĩnh không được phép xây dựng ở trung tâm TP.HCM được nâng cao từ 1,5 – 2,5 lần so với quy định tại Nghị định về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không. Điều này đồng nghĩa việc chiều cao tĩnh không không tính theo “tầng” mà theo chiều cao; có nơi cao đến 100m mà vẫn không phải xin ý kiến Cục Tác chiến.

UBND TP.HCM vừa có văn bản trả lời đề xuất của HoREA liên quan đến lĩnh vực quốc phòng.

Theo đó, tại Công văn số 21/CV-HoREA ngày 24/02/2017 của HoREA có nêu: “Theo quy định hiện nay thì nhà cao tầng (từ 10 tầng trở lên) phải được Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng thỏa thuận độ cao tĩnh không.

Hiệp hội kiến nghị Bộ Quốc phòng thỏa thuận để Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch Kiến trúc quyết định chiều cao tối đa xây dựng công trình trong quá trình thẩm định thiết kế và cấp phép xây dựng thì hợp lý hơn; Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch Kiến trúc có trách nhiệm làm việc về vấn đề này với Cục Tác chiến để thống nhất về bản đồ phễu bay và độ cao tĩnh không”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trả lời vấn đề này, Bộ Quốc phòng cho rằng, quản lý độ cao tĩnh không là một nội dung quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng, nhằm bảo đảm an toàn, hiệu quả cho hoạt động bay, sân bay, các trận địa phòng không, các khu vực bay đặc biệt, đồng thời là nội dung cơ bản để giúp các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quy hoạch không gian đô thị, phát triển kinh tế xã hội kết hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Ngày 6/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32 quy định về Quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam (thay thế Nghị định số 20), nhằm tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an toàn bay chung.

Trong đó yêu cầu các bộ ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước khi phê duyệt đồ án quy hoạch chung hoặc đồ án quy hoạch chi tiết để xây dựng các khu đô thị, khu nhà ở cao tầng, khu hạ tầng kỹ thuật công nghiệp, khu kinh tế, khu đặc thù, khu công nghệ cao phải có văn bản lấy ý kiến của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam để thống nhất quy hoạch bê mặt quản lý độ cao công trình; cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng của địa phương phải tuân thủ đúng quy định về độ cao công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Trên thực tế, Bộ Tổng tham mưu đã công bố quy hoạch không gian cho một số khu vực trọng điểm có sân bay, trận địa, có tốc độ đô thị hóa nhanh như TP.HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng, Gia Lai…, đã thống nhất bề mặt chướng ngại vật nhiều khu để địa phương chủ động giải quyết cấp phép xây dựng cao trình.

Căn cứ vào thực tiễn cấu trúc không gian đô thị TP.HCM và quy định của pháp luật, Bộ Tổng tham mưu ký ban hành Công văn số 1997 ngày 31/12/2009 thông báo “Quản lý các bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không và trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời khu vực TP.HCM. Theo đó, các tiêu chuẩn về độ cao tĩnh không được phép xây dựng khu vực trung tâm TP.HCM được nâng cao từ 1,5 đến 2,5 lần so với quy định về Nghị định Quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không. Tạo điều kiện thuận lợi cho UBND TP.HCM, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ động quy hoạch không gian đô thị, giải quyết việc cấp phép xây dựng được đúng quy định, bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, giảm bớt thủ tục hành chính".

Theo đó không thỏa thuận chiều cao tĩnh không theo tầng mà theo chiều cao; có nơi cao đến 100m không phải xin ý kiến Cục Tác chiến.

Để thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương giải quyết cấp phép xây dựng các cao trình, xem xét điều kiện địa lý khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực TP.HCM, tham chiếu các quy định tại Nghị định số 32, tạo điều kiện cho địa phương phát triển không gian đô thị; Bộ Quốc phòng đồng ý tiếp tục áp dụng các quy định đã được thống nhất tại Công văn số 1997 ở trên.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top