Aa

Đô thị dễ tổn thương

Thứ Năm, 04/07/2019 - 19:40

Mưa bão và ngập lụt luôn là ám ảnh đối với bất cứ quốc gia nào. Với Việt Nam, mối lo này còn khủng khiếp và thường trực hơn bao giờ hết.

Chỉ một trận bão trái mùa bất ngờ đã khiến TP.HCM hoảng hốt. Chỉ một cơn mưa đầu mùa cũng khiến Hà Nội nhiều nơi phải bì bõm trong nước. Những dấu hiệu đó là lời cảnh báo cho các đô thị ở Việt Nam sẽ phải đối chọi với nguy cơ úng ngập.

Dễ nhận thấy, tại các thành phố của Việt Nam, kênh mương tự nhiên và những khu vực thấp đang bị xâm lấn, lấp đầy bừa bãi phục vụ cho đô thị hóa.

Thực tế cho thấy, sông hồ đang ngày một cạn kiệt bởi sự khai thác vô độ của con người. Tại các khu đô thị, nhà cao tầng, nhà chia lô... mọc lên đang xóa dần đi những phần diện tích mặt nước hiếm hoi. Không chỉ bê tông hóa mà ngay cả việc nạo vét, kè hồ cũng làm giảm khả năng thẩm thấu và trữ nước của nó.

Sau mỗi lần quy hoạch diện tích mặt nước của nhiều đô thị bị thu hẹp dần, thậm chí là biến mất. Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo về tình trạng bê tông hóa. Song không phải khi nào những phản biện của họ cũng “lọt tai” nhà lãnh đạo. Và hệ quả chỉ sau một vài trận mưa lớn là Hà Nội thành sông.

Những đợt triều cường đang ngày càng khiến TP.HCM ngập sâu hơn. Đó là chưa kể những tác động từ biến đổi khí hậu như bão lũ, hạn hán - mà nguyên nhân gây nên cũng chính là con người.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Do bị lấn chiếm, bị phủ đầy mật độ xây dựng lên nhiều khu vực (bê tông hóa) khả năng tự thẩm thấu, tự tiêu nước rất kém, TP.HCM và Hà Nội đều bị tình trạng này. Nó là nguyên nhân chủ yếu của thảm kịch nhiệt độ gia tăng, ngập lụt liên miên…

Đó là với các đô thị vùng đồng bằng, mối lo úng ngập, lũ lụt còn thảm khốc hơn nhiều với các đô thị ven biển. Trước thực tế gia tăng của bão, lụt chính quyền các thành phố sẽ phải quy hoạch phát triển đô thị tránh xa những vùng đất gần sông, biển và áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt phòng chống thiên tai hoặc di chuyển các cơ sở hạ tầng hay công trình trọng yếu ra khỏi các khu vực dễ bị lũ lụt.

Các chiến lược xã hội bao gồm việc xác định các thành phần dân số dễ bị tổn thương trong trường hợp có bão và lũ. Các khu vực dân cư ở vùng bão lụt cần chuẩn bị để người dân có thể sử dụng các công trình công cộng như trụ sở ủy ban, trường học… làm nơi lánh nạn khi bão lụt xảy ra.

Đặc biệt, các đô thị ven biển cần chuẩn bị để đối phó với các hiện tượng thiên tai bất thường. Kịch bản về nước biển dâng cần được lồng ghép vào tất cả các quyết định về quy hoạch phát triển đô thị. Dự báo về sự gia tăng các trận bão, lũ đòi hỏi chính quyền thành phố và các cơ quan có trách nhiệm cần áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế và xây dụng cao hơn.

Rõ ràng, quá trình quy hoạch và đầu tư phát triển các đô thị ở Việt Nam đã xuất lộ rất nhiều thách thức trong quá trình thực hiện các mục tiêu đề ra, trong đó, có mục tiêu cơ bản là phát triển bền vững.

Sau nắng nóng sẽ là mưa. Và tiếp đó sẽ là lũ quét, ngập lụt. Quy luật “ăn - trả” dễ nhận thấy hơn bao giờ hết, ít nhất vào lúc này. Thế nhưng, dường như sự lơi lỏng trong quản lý, lòng ham muốn quá độ của con người đang dần đẩy môi trường sống của chính chúng ta ngày càng trở nên khắc nghiệt.

Với những bài học đã trải qua, được nhìn nhận một cách khách quan và phân tích nguyên nhân một cách thấu đáo, hy vọng, các nhà hoạch định và quản lý đô thị sẽ có những chiến lược, giải pháp đồng bộ và hiệu quả để giải quyết một cách chủ động và triệt để những thách thức cũ và mới trong quá trình phát triển đô thị bền vững.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top