Aa

Đô thị tại Việt Nam được phân loại như thế nào?

Thứ Năm, 17/11/2016 - 08:44

Phân loại đô thị có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy hệ thống đô thị quốc gia tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn của các tiêu chí phân loại đô thị, phương pháp tính điểm và thẩm quyền quyết định công nhận loại đô thị thì không phải ai cũng biết và hiểu rõ.

Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cả về không gian và dân số, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, tốc độ đô thị hóa của nước ta ở mức cao khi so sánh các nước khác trong khu vực. Với mục tiêu nâng cao điều kiện sống của người dân đô thị bằng cách đầu tư, cải thiện các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và môi trường đô thị... thông qua chương trình nâng cấp đô thị quốc gia, tình hình đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng với nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trước đây, việc phân loại đô thị được thực hiện theo Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001 của Chính phủ. Tiếp đó, các đô thị tại Việt Nam được phân loại dựa theo Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009. Và gần đây nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị.

Hiện nay, các đô thị tại Việt Nam đã có sự phát triển tương đối bài bản về số lượng, chất lượng và quy mô (Ảnh: Internet).

Hiện nay, các đô thị tại Việt Nam đã có sự phát triển tương đối bài bản về số lượng, chất lượng và quy mô (Ảnh: Internet).

Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đô thị tại Việt Nam là những đô thị bao gồm thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và khu vực dự kiến hình thành đô thị trong tương lai được phân loại theo tiêu chí loại đô thị tương ứng. Do đó, các đô thị Việt Nam được chia thành 6 loại, dùng số La Mã để phân ra các đô thị đặc biệt, loại I và loại II phải do Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận; các kiểu đô thị loại III và IV do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ra quyết định công nhận; và loại V do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh công nhận.

Thay vì 6 tiêu chuẩn phân loại đô thị cũ được quy định tại Nghị định số 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ, điểm mới trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này chỉ đưa ra 5 tiêu chí cơ bản để đánh giá phân loại đô thị gồm: Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; Quy mô dân số; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị.

Tại Nghị quyết cũng quy định, đô thị đặc biệt là Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Đồng thời, quy mô dân số đô thị phải đạt từ 6 triệu người trở lên, thay vì từ 5 triệu người như quy định trước đây; mật độ dân số đô thị đạt từ 3.000/km2 trở lên.

Đối với đô thị loại I cần có mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 2.000 người/km2 trở lên; khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 10.000 người/km2 trở lên. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 65% trở lên; khu vực nội thành đạt từ 85% trở lên. Các đô thị loại II, III, IV và V cũng có các con số về quy mô và mật độ dân số đô thị rất chi tiết với nhiều quy định chặt chẽ, tiêu chuẩn cụ thể.

Cùng với đó, việc lập đề án phân loại đô thị do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập đề án phân loại đô thị cho các đô thị loại đặc biệt và loại I là thành phố trực thuộc Trung ương. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập đề án phân loại đô thị cho các đô thị loại I là thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, đô thị loại II, loại III, loại IV và loại V.

Sau khi nhận được đề án phân loại đô thị, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành tổ chức thẩm định đề án đối với đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III và loại IV, còn Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố có nhiệm vụ tổ chức thẩm định đề án phân loại đô thị loại V. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tờ trình, đề án phân loại đô thị và báo cáo thẩm định, người có thẩm quyền phân loại đô thị có trách nhiệm xem xét, quyết định công nhận loại đô thị theo quy định.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, tiêu chí phân loại đô thị như hiện nay đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới mà thực tiễn đặt ra, cũng như hạn chế nhiều tiêu cực với một quốc gia đang phát triển phải đối mặt. Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị đã dự đoán được nhiều kịch bản để thích nghi với giai đoạn phát triển mới của Việt Nam. Qua đó, các đô thị chính là động lực để phát triển hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam có chất lượng và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, bằng cách xác định rõ định lượng thích hợp của từng tiêu chí như mật độ, tỷ lệ dân số phi nông nghiệp…, tạo đà cho các đô thị vừa và nhỏ (loại III, IV và V) và đô thị đặc thù phát triển bền vững.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top