Aa

Đô thị thông minh - xu hướng phát triển thế hệ mới?

Chủ Nhật, 25/09/2016 - 15:28

Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã xây dựng thành công mô hình đô thị, thành phố thông minh. Tại Việt Nam những năm gần đây một số thành phố đã bước đầu triển khai mô hình này, nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề đặt ra cho trong việc xây dựng một đô thị hông minh. Vậy, thành phố, đô thị thông minh là gì?

Xây dựng đô thị thông minh - xu thế phát triển tất yếu

Thành phố thông minh là thành phố có thể sử dụng dữ liệu tiện ích để cải thiện mức độ hài lòng của cư dân; đô thị thông minh là đô thị giàu thông tin, được kết nối trong một mạng lưới hạ tầng đô thị và dịch vụ đầy đủ, năng động và an toàn; là nơi mà công nghệ thông tin cũng như các giải pháp từ Internet được vận hành một cách an toàn để quản lý tài sản của thành phố như hoạt động của các bộ máy tổ chức, hệ thống thông tin, trường học, thư viện, hệ thống giao thông, bệnh viện, hệ thống cấp điện, nước, quản lý chất thải, thực thi pháp luật và các dịch vụ cộng đồng khác.

Các yếu tố hình thành nên một đô thị thông minh là các chính sách quản lý đô thị thông minh, quản lý giao thông, vận chuyển thông minh, năng lượng thân thiện với môi trường…

Hà Nội hướng tới một đô thị thông minh và trí thức

Hà Nội hướng tới một đô thị thông minh và trí thức

 Theo xu thế phát triển chung, hiện rất nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai các dự án đô thị thông minh như New York (Mỹ), Amsterdam (Hà Lan), Tokyo (Nhật Bản), News Songdo City (Hàn Quốc)…

Hay ngay trong khu vực Đông Nam Á cũng có thành phố Putrajaya của Malaysia được đánh giá là công trình đô thị thông minh tiêu biểu với 40% diện tích dành cho cây xanh, ở mọi nơi người ta đều nhìn thấy sự tồn tại song song giữa công nghệ thông tin và những vườn cây. Không chỉ vậy, theo báo Hà Nội mới, mỗi cư dân thành phố này được cấp một chiếc thẻ từ (lưu trữ các thông tin cá nhân như nhóm máu, thông tin công việc, tài chính…) để sử dụng thay chìa khóa cho mọi cánh cửa ở siêu thị, rạp hát… Trẻ con học hoàn toàn trên máy vi tính. Chuyện làm bài, trả bài của học sinh, thông tin liên lạc giữa nhà trường và các phụ huynh đều qua hệ thống này…

Tại Việt Nam, năm 2016, Hà Nội cũng đang trên đà hướng tới mục tiêu trở thành một đô thị thông minh, một thành phố ứng dụng công nghệ để có thể giải quyết được những bài toán “nóng” như giảm tải ùn tắc giao thông, quản lý lưu lượng xe cộ lưu thông, hay ứng dụng công nghệ để xây dựng hạ tầng thông minh cung cấp nước sạch, điện, chiếu sáng đô thị, thu gom, xử lý rác thải…

Mới đây nhất, một cuộc hội thảo toàn cảnh Công nghệ thông tin truyền thông về giao thông thông minh đã được tổ chức nhằm tìm ra các giải pháp ứng dụng trong công tác quản lý hạ tầng giao thông, tập trung vào các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, phát huy hiệu quả các dự án giao thông được đầu tư.

Thủ đô Hà Nội cũng đã bắt đầu vận hành hệ thống dịch vụ trực tuyến tại các phường, quận; hệ thống giám sát giao thông bằng camera, trong năm tới sẽ quản lý học sinh bằng học bạ điện tử…

TP.HCM cũng khẳng định sẽ quyết tâm xây dựng thành phố thông minh, với mục tiêu xây dựng hệ thống chính quyền điện tử, quy hoạch, giao thông, y tế và dịch vụ cho con người, an ninh công cộng, nước và nước thải, xây dựng, môi trường (chất thải, không khí...; năng lượng, giáo dục đào tạo, thanh toán và tài chính, nông nghiệp, truyền thông…

Trong tương lai, nếu thực hiện thành công kế hoạch xây dựng đô thị thông minh, người dân sẽ được hưởng thụ các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, nền giáo dục thông minh, cơ hội việc làm, giải trí đa phương tiện, được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội...

Thách thức lớn trong cơ sở hạ tầng 

Tuy nhiên, để xây dựng được một đô thị thông minh theo Kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng còn rất nhiều thách thức.

“Thách thức lớn nhất của Hà Nội để hướng tới đô thị thông minh chính là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa thực sự phát triển toàn diện. Khi ứng dụng công nghệ cao vào thì sẽ có những khó khăn nhất định”, kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc khẳng định.

Đơn cử trong lĩnh vực giao thông thông minh, vị kiến trúc sư này cho rằng, ngoài việc ứng dụng công nghệ vào trung tâm điều khiển giao thông, điều chỉnh đèn hiệu thì xây dựng hệ thống thu phí thông minh tại các tuyến đường cũng là một phương pháp của đô thị thông minh tại các nước tiên tiến. Để làm được điều này phải có hệ thống camera và thiết bị cảm biến tự trừ tiền qua thẻ tín dụng. Có thể áp dụng các module có kết nối 3G với xe máy, ô tô để giúp quản lý lưu lượng xe, giải quyết trường hợp tai nạn.

Cơ sở hạ tầng và vấn đề ùn tắc giao thông vẫn là bài toán nan giải.

Cơ sở hạ tầng và vấn đề ùn tắc giao thông vẫn là bài toán nan giải.

Như vậy, một hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng và giao thông thông minh sẽ góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông một cách đáng kể nhưng cũng đòi hỏi sự đầu tư theo hệ thống rất lớn về công nghệ, trang thiết bị và cải tổ lại các quy hoạch cũ.

Bên cạnh đó, ngoài các biện pháp cụ thể trong công tác quy hoạch, quản lý của Nhà nước, thì người dân cũng cần có những kiến thức tiếp nhận một đô thị thông minh, hiện đại so với đô thị cũ. Điều quan trọng là cần phải nâng cao nhận thức cho người dân trong việc vận hành thành phố thông minh, kết hợp cùng những nhà quản lý để phát hiện cũng như giải quyết vấn đề nhanh chóng và hợp lý nhất.

Anh Phạm Hồng Việt, người đang theo học chuyên ngành Quy hoạch đô thị và thiết kế chính sách tại Ý, đánh giá: “Để áp dụng công nghệ thông tin thì cần phải có sự hướng dẫn cũng như sự đơn giản hoá khi tiếp cận. Ngoài ra, để một đô thị thông minh hoạt động tốt cần có sự tham gia đóng góp của người dân, sự tương tác giữa nhà quản lý với người dân, khi khu ở của họ có vấn đề, thì người dân là người nắm rõ nhất, nếu có sự tương tác thì mô hình mới hoạt động hiệu quả.

Về phía nhà quản lý, phải lựa chọn ứng dụng công nghệ dễ tương tác, dễ sử dụng và có sự hướng dẫn với người dân, có cổng tiếp nhận thông tin và khuyến khích người dân đóng góp ý kiến, cũng nên có các chiến dịch giáo dục, tuyên truyền để nâng cao ý thức cộng đồng của người dân”.

Thành phố, đô thị thông minh còn được biết đến với tên gọi là thành phố kỹ thuật số, cộng đồng điện tử, thành phố thông tin, thành phố dựa trên nền tảng tri thức... Ở đó, công nghệ thông tin được sử dụng để nâng cao chất lượng, hiệu quả của các dịch vụ đô thị, giảm tải chi phí và tài nguyên tiêu thụ, cải thiện mối quan hệ và sự tiếp xúc giữa người dân và chính phủ.

Tập đoàn Thiết kế kiến trúc nổi tiếng của Anh - Arup - dự toán rằng vào năm 2020 chi phí toàn cầu cho các dịch vụ đô thị thông minh là 400 tỷ USD mỗi năm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top