Aa

Đổ vốn vào vùng ven, gia tăng cơ hội sinh lời cho nhà đầu tư

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 24/12/2019 - 06:28

Khi các thị trường truyền thống bão hoà, trong cơn khát các sản phẩm, nhiều nhà phát triển, nhà đầu tư tìm kiếm các cơ hội rót vốn tại vùng ven, nơi đang có tốc độ phát triển mạnh về hạ tầng đô thị và công nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng chúng ta đã và đang chứng kiến sự nghịch lý, đảo chiều của bất động sản. Trong đó, quỹ đất nội đô khan hiếm, sản phẩm không có, người mua tiềm năng nhiều, không có nhiều lựa chọn. Xu hướng dịch chuyển từ đô thị lõi đến các tỉnh thành có chỉ số năng lực canh tranh tốt. Ở các địa phương như Bình Thuận, Cần Thơ, Hội An, Quảng Nam - Đà Nẵng… giá đất những vùng ven đã tăng hơn gấp đôi so với trước đây.

Theo ông Cường: “Về nguyên tắc, bất động sản những khu vực nào có người đến đông thì bất động sản khu vực đó tăng cao. Nếu dự báo lượng người về sinh sống, làm ăn, giao lưu kết nối sai đồng nghĩa việc đầu tư bất động sản ở khu vực đó sẽ thất bại ở cả nhà đầu tư lẫn người mua ở. Với những gì đang diễn ra, vùng ven đang có nhiều cơ hội”.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc thị trường Hà Nội - JLL Việt Nam cho biết: “Sự phát triển vùng ven là sự phát triển tự nhiên, khi nội đô đã quá chật chột, quỹ đất hạn chế, giá cao, các nhà đầu tư muốn tìm các giải pháp với giá cả hợp lý hơn. Bên cạnh đó, dân số Việt Nam là dân số trẻ, gặp khó khăn nhất định trong việc mua một căn nhà trong nội độ. Do đó phát triển ra ven đô là tự nhiên. Đây là diễn biến tất yếu của thị trường, chỉ là đến nhanh hay chậm”.

Tuy nhiên, bà Vân cho hay phát triển ra vùng ven vẫn gặp hạn chế nhất định, cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Vùng ven có tiềm năng, xu hướng tất yếu nhưng chưa thực sự bùng nổ vì cần phải giải quyết bài toán về cơ sở hạ tầng và giao thông.

Đổ vốn vào vùng ven, gia tăng cơ hội sinh lời cho nhà đầu tư

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: “Năm 2020, các nhà đầu tư vào bất động sản nhà ở có thể thu được lợi nhuận cao. Tại Hà Nội, khu vực phía Tây có tiềm năng hơn cả vì hạ tầng đầy đủ, đang kéo cư dân lao động nước ngoài làm việc tụ ở khu này khá đông, tạo ra sự nhộn nhịp… Khi Vingroup kéo được giải đua F1 vào đó là một trọng số rất cao. Chúng ta đừng nghĩ chỉ có ngày đua người ta mới kéo đến, bình thường người ta sẽ đến du lịch tham quan. Tính kỳ thú của đường đua F1 cũng hấp dẫn khách du lịch hơn”.

Với việc phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, phía Tây Hà Nội đang là lựa chọn mà khách hàng hướng đến. Theo báo cáo thị trường quý III/2019 của CBRE, chỉ trong 9 tháng đầu năm, thị trường bất động sản Hà Nội đã thanh khoản tổng số 3.853 căn liền kề, biệt thự, cao hơn gấp 1,5 lần so với cả năm 2018. Trong đó, phía Tây chiếm nguồn cung chủ lực, trong đó, Hoài Đức, Hà Đông và Đan Phượng chiếm 25% tổng nguồn cung.

Thực tế, thị trường cũng có sự dịch chuyển về địa bàn và sản phẩm. Khi các nhà đầu tư không tìm thấy cơ hội tốt ở phía Tây thì cũng có thể họ sẽ chuyển sang phía Đông, điều này không hẳn là thị trường nọ thay thế cho thị trường kia mà chỉ là sự tìm kiếm cơ hội thay thế.

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, sự phân bố dân cư và đô thị ở Việt Nam ngược với thế giới. Ở các nước khác thì người nghèo họ ở khu đô thị vì họ không có phương tiện đi lại, chủ yếu di chuyển bằng phương tiện công cộng, còn người giàu thì họ ở khu vùng ven, do họ có phương tiện đi lại.

Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, người nghèo thì chạy thật xa, còn người giàu thì ở trung tâm, trong khi đó, những người giàu mới là người có phương tiện đi lại. Nên 10 năm tới kẹt xe ở Hà Nội, TP.HCM vẫn khủng khiếp, vô phương cứu chữa, ngược hẳn với xu hướng đô thị hoá.

Còn về bất động sản, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng tốc độ tăng giá vùng ven đô sẽ thấp hơn ở nội đô, nên chúng ta thấy ở các đô thị lớn như TP.HCM thì tốc độ phát triển ven đô mạnh do dòng người nhập cư. Còn ở các tỉnh lẻ thì cẩn thận vì chưa chắc theo xu hướng này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top