Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt với những rào cản pháp lý, bất cập thực thi các văn bản và thực tế nảy sinh nhưng pháp luật chưa được điều chỉnh điều tiết.
Ông Chiến chỉ ra 3 khó khăn chính. Thứ nhất, khó khăn vướng mắc liên quan tiếp cận đất đai. Mặc dù Luật Đất đai 2013 được sửa đổi nhưng còn chồng chéo Luật Đầu tư, Đấu thầu, Kinh doanh… gây khó cho các doanh nghiệp liên quan nhiều vấn đề.
“Cụ thể như quy định về quy hoạch sử dụng cấp đất đai đối với cấp tỉnh có kỳ hạn 5 năm, cấp huyện lại là 1 năm, trong khi đó, kế hoạch của chủ đầu tư mất nhiều thời gian, có khi chưa được thông qua đã phải điều chỉnh”, ông Chiến cho biết.
Tương tự, với quy định về điều kiện chuyển nhượng các dự án, Luật Kinh doanh bất động sản quy định về thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, theo đó nhà đầu tư phải xin Quyết định cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của UBND cấp tỉnh.
Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư, nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án cho nhà đầu tư khác khi đáp ứng đủ điều kiện. Khi thay đổi nhà đầu tư, nhà đầu tư phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư theo thủ tục điều cỉnh quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh.
Thứ hai, khó khăn trong chuẩn bị đầu tư, quản lý sau đầu tư. Ông Chiến cho biết, hiện vấn đề này liên quan tới nhiều luật nhưng các quy định còn chồng chéo, gây tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Điển hình là sự nhất quán trong quy định lựa chọn thủ tục đầu tư và thủ tục chấp thuận dự án phát triển nhà ở giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở.
Do đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị, cần thống nhất thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, đô thị mới theo pháp luật về nhà ở, khu đô thị mới với thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đồng thời, tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chuẩn bị đầu tư, xây dưng, quản lý sau đầu tư đối với các dự án kinh doanh bất động sản để sửa đổi. “Bổ sung cho thống nhất và cắt giảm tối đa, áp dụng chế độ một cửa với các thủ tục của từng loại dự án”, ông Chiến nhấn mạnh.
Thứ ba, khó khăn pháp lý liên quan đến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Theo ông Chiến, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu căn hộ khách sạn cho khách mua condotel, đặc biệt là thời hạn sử dụng đối với bất động sản nghỉ dưỡng còn nhiều vướng mắc… Mặc dù được Thủ tướng yêu cầu sớm nghiên cứu và ban hành nhưng việc triển khai đến nay vẫn chậm gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần khẩn trương nghiên cứu, sớm ban hành các văn bản liên quan để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và là cơ sở để quản lý nhà nước, đồng thời giúp thị trường bất động sản du lịch phát triển.
Ông Chiến cũng cho hay: “Với vấn đề giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư phải thoả thuận giá bồi thường với người dân, nhưng chỉ được khấu trừ theo phương án được cơ quan nhà nước phê duyệt, trong khi thực tế đa phần đều phải bồi thường cho người dân với giá cao hơn phương án được phê duyệt”.
Tổng Thư ký VNREA khẳng định đây là những bất cập mà Hiệp hội đã kiến nghị nhiều lần. Do đó, ông nhấn mạnh: “Cần kiến nghị sửa Luật Đất đai 2013, sửa đồi quy định bồi thường giải phóng mặt bằng, không quá 70% tiền sử dụng đất phải nộp. Cùng với đó đấu giá công khai, chấm dứt cho thuê đất 1 lần”.
Ngoài ra, ông Đỗ Viết Chiến cũng cho hay, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã làm được khá nhiều việc cho các hội viên của mình. Và trong thời gian tới, ngoài những chương trình dài hạn ra, trước mắt VNREA sẽ tổ chức Diễn đàn Bất động sản thường niên lần thứ 2 vào tháng 11 tới tại Hà Nội.
“Việc chọn các chủ đề cho Diễn đàn tới, chúng tôi cũng đang xin ý kiến của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp. Những vấn đề mang tính thời sự, những vấn đề vĩ mô đang được các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ chính là cơ sở để chúng tôi lựa chọn chủ đề cho Diễn đàn”.