Aa

Doanh nghiệp bất động sản “mệt mỏi” chờ hoàn chỉnh pháp lý

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 25/09/2019 - 11:00

Năm 2019, khối doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với những rào cản chưa thể tháo gỡ về chồng chéo luật và thủ tục pháp lý. Hành trình gian nan này biết đến bao giờ được tháo gỡ?

Thống kê đến tháng 5/2019, hiện có hơn 10.000 doanh nghiệp bất động sản nhưng phần lớn là doanh nghiệp có quy mô trung bình, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực môi giới, dịch vụ bất động sản, và mới chỉ có khoảng 65 doanh nghiệp phát triển bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản đã có nhiều dấu hiệu chững lại. Khối Doanh nghiệp bất động sản tư nhân ngày càng lớn mạnh nhưng đang phải đương đầu với nhiều thách thức, rủi ro, cần được tháo gỡ các rào cản để phát triển lành mạnh và bền vững.

Nhiều bộ, ngành và nhiều địa phương cũng đã vào cuộc quyết liệt, lắng nghe, giải quyết được một số khó khăn của doanh nghiệp nhưng thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế khiến các doanh nghiệp bất động sản chịu nhiều rủi ro, đặc biệt các rủi ro pháp lý khó tháo gỡ để kinh doanh

Tại Hội nghị “Lấy ý kiến - Tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp” diễn ra sáng 25/9, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho hay, xét trong 10 năm gần nhất, thị trường bất động sản tăng trưởng gấp đôi với sự đóng góp chủ yếu của khối doanh nghiệp tư nhân - theo định hướng phát triển khối doanh nghiệp tư nhân như thành phần chủ yếu, là động lực tăng trưởng bên cạnh thành phần chủ đạo của nền kinh tế. Có thể nói, các doanh nghiệp tư nhân trong nước là động lực và đang dẫn dắt thị trường bất động sản.

Tuy nhiên ông Lộc nhấn mạnh: “Hệ thống luật pháp về kinh doanh đang nhiều bất hợp lý. Rà soát của VCCI trên một số luật liên quan trong lĩnh vực bất động sản như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản… đã có đến 20 xung đột chính sách. Với 20 điểm chồng chéo, doanh nghiệp thực hiện theo luật này thì đúng nhưng xét theo luật khác lại sai, địa phương không biết làm sao… điều này không chỉ gây khó cho doanh nghiệp mà còn tạo mảnh đất cho tham nhũng”.

Với 20 điểm chồng chéo, doanh nghiệp thực hiện theo luật này thì đúng nhưng xét theo luật khác lại sai, địa phương không biết làm sao

Cùng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề tương đối nóng trong thời gian vừa qua mặc dù đây không phải vấn đề mới, gây tác động ngày càng lớn tại các thành phố lớn.

Chẳng hạn, tác động ở TP.HCM ngày càng lớn, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng, những chồng chéo, xung đột về pháp luật này không chỉ tác động đến các nhà đầu tư, tới thị trường mà còn tác động đến người dân khi giá nhà tăng. Những người dân và những người có mong muốn chính đáng để sở hữu nhà ở gặp rất nhiều khó khăn trong việc sở hữu nhà.

"Đối với các thị trường bất động sản, càng tìm hiểu, càng đọc thì tôi thấy càng phức tạp, càng rối rắm… Các quy định, nghị định, thông tư… mới có quá nhiều sự khác biệt. Câu chuyện giống như con gà và quả trứng, thậm chí là đàn gà và quả trứng" - ông Đậu Anh Tuấn ví von.

Ở góc độ chuyên gia, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, câu chuyện xung đột pháp luật hiện diễn ra trên phạm vi rộng và phức tạp hơn. Các luật có liên quan lúc này bao gồm Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) 2014, Luật Đấu thầu 2013, Luật Đất đai 2013, Luật Bảo vệ môi trường 2014, Bộ luật Dân sự 2015.

Nhiều dự án đầu tư đã được phê duyệt nhưng phải dừng lại để rà soát tính phù hợp với pháp luật. Con số dự án đầu tư mới đủ điều kiện để phê duyệt cũng giảm khá mạnh, từ đầu năm mới chỉ có vài dự án được phê duyệt thay vì con số vài trăm dự án của những năm trước. Đáng chú ý, condotel giảm cung rất mạnh do khoảng trống pháp luật cho phân khúc này. Cả chủ đầu tư dự án và chủ đầu tư thứ cấp đều không muốn bỏ tiền vào đầu tư khi rủi ro pháp lý đang tồn tại.

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng: “Trạng thái bất cập pháp luật xuất hiện dưới dạng các khoảng trống pháp luật, xung đột pháp luật giữa hai hay nhiều luật, hoặc xung đột pháp luật giữa luật này với văn bản hướng dẫn thực thi luật khác. Tình trạng này dẫn đến hậu quả là hoạt động đầu tư bị ách tắc, chuỗi giá trị sản xuất, dịch vụ bị đứt đoạn, nguồn cung bất động sản bị suy giảm sẽ gây sốt giá bất động sản do thiếu cung trong những năm tới. Cuộc sống lại phải ngừng lặng chờ đợi hoàn chỉnh pháp luật”.

Theo ông Võ, giải pháp trước mắt cần làm ngay để cuộc sống không phải chờ đợi là dựa theo 3 nguyên tắc thực thi pháp luật khi có xung đột. Một là văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn ban hành có hiệu lực thực hiện cao hơn. Hai là trong các văn bản quy phạm pháp luật do cùng cấp có thẩm quyền ban hành thì văn bản ban hành sau có hiệu lực thực hiện cao hơn. Ba là văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có hiệu lực thực hiện cao hơn đối với các nội dung của chuyên ngành đó.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top