Aa

Doanh nghiệp bất động sản tung kế hoạch “dài hơi” trong năm 2020

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 02/01/2020 - 06:15

Bước sang năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản đã sẵn sàng tinh thần lên kế hoạch triển khai các dự án mới để duy trì đà tăng trưởng ổn định của thị trường.

Năm 2020 chắc chắn thị trường bất động sản sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, trong khó khăn bao giờ cũng có những cơ hội, vấn đề là doanh nghiệp lựa chọn và nắm bắt cơ hội đó như thế nào là yếu tố để doanh nghiệp thành công trong thị trường khó khăn. Hơn nữa, các doanh nghiệp chuyên nghiệp hiện đang bước vào tâm thế kinh doanh mới, có chiến lược “dài hơi”. Nhiều kế hoạch kinh doanh đang được các doanh nghiệp xây dựng bài bản để sẵn sàng ứng phó với bất kì tình huống rủi ro nào của thị trường.

Một trong những chiến lược là đầu tư xây dựng các đại đô thị tại các thị trường tỉnh lẻ. Mới đây, CTCP Vinhomes (Mã: VHM) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hưng Yên đề xuất giao nghiên cứu, lập quy hoạch và đầu tư Khu đô thị trung tâm huyện Yên Mỹ.

Theo đó, vị trí nghiên cứu quy hoạch thuộc địa bàn các xã Đồng Than, Việt Cường, Thanh Long, Hoàn Long, Yên Phú, Giai Phạm, Nghĩa Hiệp và thị trấn Yên Mỹ với tổng diện tích khoảng 1.897ha.

Trong văn bản, Vinhomes nêu rõ, công ty muốn góp phần quy hoạch các đô thị trong tương lai huyện Yên Mỹ theo hướng văn minh, hiện đại nhằm mục tiêu hiện thực hóa Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị tỉnh Hưng Yên nói chung và huyện Yên Mỹ nói riêng.

Với đề xuất này của Vinhomes, UBND tỉnh Hưng Yên cũng có văn bản giao Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ qua liên quan thẩm định và báo cáo lại với tỉnh.

Được biết, ngoài dự án trên, trong năm 2019, Vingroup cũng đề xuất đầu tư nhiều dự án tại Hưng Yên. Trong đó, hồi tháng 7/2019, doanh nghiệp được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt là chủ đầu tư lập quy hoạch dự án Khu đô thị phía Đông sông Điện Biên, TP. Hưng Yên với tổng diện tích đất dự kiến là 232 ha.

Đến tháng 10/2019, UBND tỉnh Hưng Yên có Quyết định phê duyệt Đồ án lập Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu đô thị sinh thái Dream City (huyện Văn Giang) do Công ty Cổ phần Vinhomes làm chủ đầu tư. Ngoài ra, UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 hai Tổ hợp Trung tâm thương mại tại tỉnh này do Công ty Cổ phần Vincom Retail làm chủ đầu tư với tổng diện tích hơn 5ha.

Một trong những chiến lược là đầu tư xây dựng các đại đô thị tại các thị trường tỉnh lẻ (Ảnh minh hoạ)

Cũng theo thông tin từ Công ty Cổ phần chứng khoán Việt Nam (KSB), trong giai đoạn 10 - 15 năm tới, Vinhomes có kế hoạch triển khai khoảng 20 dự án mới tại Hà Nội, TP.HCM, các thành phố du lịch trọng điểm và các khu vực có tiềm năng tăng trưởng như: Hải Phòng, Quảng Ninh và Thanh Hóa. Các dự án mới liên tục được triển khai giúp Vinhomes giữ vững được thị phần và đảm bảo tăng trưởng doanh thu lợi nhuận.

Một đơn vị lớn nữa cũng có sẵn sàng cho năm 2020 là FLCHomes (FHH). Doanh nghiệp này cũng gây chú ý bởi đặc quyền kinh doanh, phân phối hơn 300 dự án do FLC xúc tiến đầu tư trên khắp các tỉnh thành Việt Nam. Quỹ sản phẩm này có thể đáp ứng cho khả năng cung ứng và vận hành của FLCHomes tới năm 2030.

Mảng đầu tư phát triển dự án của FLCHomes được Công ty Chứng khoán MB đánh giá là tiềm năng lớn với khoảng 10 dự án cao cấp đang được xúc tiến, tổng doanh thu ước tính trên 28.000 tỷ đồng. Điểm chung của các dự án là đều nằm ở vị trí đắc địa, đang hoàn thiện pháp lý và sở hữu tiềm năng sinh lời ngay từ 2020.

Ở mảng vật liệu, thiết bị xây dựng, doanh nghiệp này có công ty con chuyên trách với doanh thu ước tính gần 2.000 tỷ/năm. FLCHomes có thể tận dụng quan hệ mật thiết với hệ sinh thái của Tập đoàn FLC để thúc đẩy các mảng kinh doanh này, từ đó góp phần tối ưu hoá các toàn bộ chuỗi giá trị kinh doanh của hệ sinh thái nói chung.

Kế hoạch 5 năm tới, FLCHomes đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế bình quân hàng năm đạt 46% và 60%. Lãi trước thuế năm 2019 dự kiến 220 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng đang xúc tiến kế hoạch chào sàn ngay trong đầu năm 2020, với giá dự kiến bước đầu là 35.000 đồng/cổ phiếu.

Giữa tháng 12 vừa qua, thông tin từ UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, Tập đoàn Geleximco cũng chuẩn bị đầu tư 2 dự án lớn tại địa phương này là Khu dân cư nông thôn và tái định cư tại Đồng Trám và Khu đô thị mới Hòa Bình –- Gleximco.

Theo đó, dự án Khu dân cư nông thôn và tái định cư tại Đồng Trám có diện tích thực hiện là 32,91ha, quy mô dân số dự kiến 2.368 người với tổng kinh phí đầu tư là 3.070 tỉ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong quý I/2024. Đây là dự án đầu tư, xây dựng khu dân cư và tái định cư đồng bộ, hiện đại, là khu nhà ở và phục vụ bố trí tái định cư cho cư dân khi thực hiện các dự án trong khu vực.

Dự án Khu đô thị mới Hòa Bình - Gleximco là dự án khu nhà ở đô thị có kết hợp dịch vụ thương mại theo mô hình hiện đại, thời gian dự kiến hoàn thành cùng thời điểm dự án trên với tổng mức đầu tư dự kiến là 3.602 tỉ đồng.

Thời gian qua, Hòa Bình đang được xem là điểm đến của nhiều "ông lớn" địa ốc. Trong đó, hồi cuối tháng 8 vừa qua, Tập đoàn T&T đề xuất cùng lúc 7 dự án lớn trong lĩnh vực đô thị thương mại dịch vụ và nông nghiệp. Theo đó, 7 dự án có tổng quy mô gần 2.700ha.

Mới đây nhất, IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết vừa đăng kí mua trái phiếu với giá trị 1.700 tỉ đồng (xấp xỉ 75 triệu USD) do Phú Mỹ Hưng phát hành. Khoản thu này sẽ được doanh nghiệp bất động sản sử dụng trước hết để xây dựng khu đô thị Phú Hưng Khang ở tỉnh Hòa Bình trong vòng 15 - 20 năm tới.

Thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế để tiếp tục đà phát triển (Ảnh minh hoạ)

Việc đặt kế hoạch kinh doanh cho năm mới phần nào giúp nhà đầu tư nhận thấy sự lạc quan từ phía doanh nghiệp, họ cũng cảm thấy hưng phấn hơn với bức tranh tươi sáng của thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, nguồn cung bất động sản trên thị trường ngày càng ít, nhất là với phân khúc thị trường căn hộ. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phát triển bất động sản chuyên nghiệp phải có sự chuẩn bị, xây dựng những chiến lược chuyên biệt để bước vào cuộc cạnh tranh, đầu tư các dự án lớn, có chất lượng và đồng bộ hạ tầng.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực nhận định: “Năm 2020, thị trường bất động sản sẽ đứng trước nhiều khó khăn và thách thức về chính sách, cơ chế. Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, có những kế hoạch ứng phó với sự biến động của thị trường và thanh khoản mang tính dài hơi thì sẽ sinh trưởng tốt. Năm 2020, doanh nghiệp cần phải làm ăn minh bạch hơn, trong bối cảnh hội nhập 4.0, thị trường đang có sự điều chỉnh và có sự giám sát chặt chẽ từ Nhà nước. 

Đã đến lúc doanh nghiệp phải có tầm nhìn dài hơn, cần cơ cấu lại các mặt hàng, sản phẩm cho cân đối, phù hợp thị trường. Doanh nghiệp cũng phải chú trọng hơn các kênh huy động vốn, phát hành trái phiếu minh bạch. Cùng với đó là tích cực, chủ động theo dõi, phân tích và dự báo tình hình thị trường; chủ động tăng khả năng thích ứng, chống chịu rủi ro, cú sốc từ bên ngoài”.

Nhận định chung về thị trường năm 2020, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cho hay, thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế để tiếp tục đà phát triển, bao gồm lợi thế về tăng trưởng kinh tế tích cực, nhu cầu nhà ở vẫn còn dồi dào tại các thành phố lớn nhờ nhu cầu nhà ở của người trẻ, nhu cầu thay đổi chỗ ở và tách hộ gia đình, cũng như tốc độ đô thị hóa nhanh.

Ngoài ra, các yếu tố hỗ trợ khác như mặt bằng kinh tế vĩ mô, lãi suất và lạm phát vẫn tiếp tục được kiểm soát ở mức độ ổn định. Nếu những yếu tố này, đặc biệt là yếu tố tăng trưởng kinh tế, tiếp tục được duy trì, thì thị trường bất động sản có nhiều cơ hội để tiếp tục đà phát triển của những năm vừa qua.

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài và các chủ đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục gia tăng sự quan tâm tới thị trường bất động sản Việt Nam, đồng thời làm gia tăng mức độ cạnh tranh của thị trường, cũng như giúp nâng cao mặt bằng chất lượng và chuẩn mực của các loại hình sản phẩm trên thị trường bất động sản. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top