Aa

Doanh nghiệp bất động sản vào cuộc đua thị trường

Thứ Tư, 27/12/2017 - 06:01

Cuối năm, các doanh nghiệp bất động sản TP.HCM thông báo bắt đầu vào cuộc đua thị trường. Những chiến lược marketing tạo độ phủ khách hàng, sản phẩm cũng được thông báo mở bán… tất cả cho thấy thị trường chính thức vào cuộc đua.

Cuộc đua chiếm thị trường

Đây được coi là tháng quyết định của nhiều doanh nghiệp địa ốc, đặc biệt là những đơn vị đang có dự án chuẩn bị đưa ra thị trường. Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều hình thức truyền thông dự án để tạo độ phủ và tiếp cận khách hàng.

Cuộc chiến chiến thị trường sẽ tăng mạnh vào năm 2018.

Cuộc chiến chiến thị trường sẽ khốc liệt hơn vào năm 2018.

“Trước đây, doanh nghiệp thường lấy sim điện thoại rác nhắn tin giới thiệu dự án cho khách hàng nhưng nay chính sách quản lý sim rác của Bộ Thông tin Truyền thông khiến các doanh nghiệp không thể thực hiện chiến lược này, buộc phải thực hiện hình thức khác để khách hàng biết tới dự án chuẩn bị mở bán”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nói.

Tìm hiểu của phóng viên, cách tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp địa ốc, đặc biệt là doanh nghiệp lớn hiện nay khá bài bản. Đơn cử như việc Công ty Cổ phần bất động sản Vạn Phúc chuẩn bị cho sự ra mắt dự án Vạn Phúc City tại quận Thủ Đức, TP.HCM. Để tiếp cận khách hàng, ngoài chạy truyền thông trên báo chí, băng rôn tại các tuyến đường trong khu vực, đơn vị này còn chạy trên các trang mạng xã hội như Facebook, zalo, youtube… đây được coi là phương thức tiếp cận khách hàng tốt nhất thay cho việc nhắn tin quảng cáo trên SMS điện thoại.

Số tiền bỏ ra cho các chương trình quảng cáo dự án là không lớn, đơn cử như một dự án tại Thủ Thiêm thuộc quận 2, để quảng cáo tới khách hàng, đơn vị chủ đầu tư là HungThinh Land đã phải bỏ ra số tiền trên 10 tỷ đồng chi phí truyền thông dự án đến với khách hàng.

Cuộc chiến lấy thị trường càng trở nên căng thẳng trong những tháng cuối 2017 khi tỷ lệ dự án thông báo mở bán cao hơn các quý khác trong năm, đặc biệt các dự án này đều chung một phân khúc đó là nhà ở tầm trung với giá từ 1,2 - 2 tỷ đồng.

Một vị tổng giám đốc công ty địa ốc lớn tại TP.HCM cho biết, để làm được điều này, công ty ông phải nghiên cứu thị trường thật kỹ. Đơn cử như dự án chuẩn bị mở bán tại khu Đông, phải nghiên cứu thị trường xem khu đông hiện có bao nhiêu dự án đang bán, tiến độ, giá cả những dự án này thế nào và thời gian tới sẽ có dự án nào mở bán nữa hay không. Sau đó nghiên cứu tới việc chính sách bán hàng, tiếp cận khách hàng của các công ty để rồi lên phương án truyền thông và tiếp cận khách hàng.

“Đây là khâu quan trọng, dự án có bán được hay không cũng nhờ vào khâu này. Đặc biệt, thời điểm tháng 12 đến tháng 2/2018 thị trường sôi động nhất, với việc các sàn bắt đầu mở bán trở lại, dự án mới cũng bắt đầu được các chủ đầu tư ra hàng nên sự cạnh tranh thời điểm này của các doanh nghiệp địa ốc hết sức khốc liệt. Ngoài ra, việc siết chặt quảng cáo đang làm cho doanh nghiệp địa ốc phải căng đầu tìm hướng đi truyền thông khi không còn được quảng cáo trên SMS điện thoại, cột điện bờ tường… thì giờ sẽ phải nhắm vào công nghệ, mạng xã hội và thậm chí là thuê cả đội người mẫu đi xe đạp, xe máy trên các tuyến đường khắp thành phố quảng cáo cho dự án, miễn là khách hàng có thể thấy được”, vị tổng giám đốc dấu tên nói.

Khách hàng được hay mất?

Đánh giá điều này, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, việc các doanh nghiệp cạnh tranh nhau chiếm thị trường sẽ có hai mặt đối với người dân. Điều lợi lớn nhất mà người dân nhận được đó là giá bán sẽ cạnh tranh dẫn đến giá giảm, chính sách bán hàng, chính sách hậu mãi và tín dụng đưa ra tốt cho khách hàng mua nhà,...

“Tuy nhiên, khách hàng sẽ có những cái mất, đó là chi phí truyền thông dự án, tạo độ phủ mà chủ đầu tư đưa ra thì khách hàng sẽ là người chịu. Bởi thường chủ đầu tư sẽ bỏ ra khoảng 1% giá trị căn hộ bán để làm truyền thông, số tiền này sẽ do khách hàng mua nhà trả trong giá trị căn nhà chứ không bao giờ chủ đầu tư bỏ tiền túi ra. Việc phí bảo trì chung cư chỉ là 2% mà phí truyền thông là 1% cho thấy cái mất của khách hàng là khá cao”, ông Châu nói.

Nhìn tổng quan thị trường, có thể thấy điều ông Châu nói là đúng. Tại khu Tây Bắc hiện vẫn có hai tên tuổi lớn chiếm lĩnh là Công ty Cổ phần bất động sản Trần Anh Long An và Công ty Cổ phần Cát Tường Đức Hòa. Cùng một phân khúc là đất nền và nhà phố, cùng ra những dự án gần nhau khiến hai công ty này phải thực hiện khá nhiều cách quảng bá sản phẩm của mình, cuộc cạnh tranh bằng giá, chiết khấu, hậu mãi… diễn ra rầm rộ tại đây.

Ở khu Đông TP.HCM nơi đang là tâm điểm của thị trường thì cuộc đua này lại càng cao. Công ty địa ốc HimLam Land, Công ty Hưng Thịnh, Công ty Nova Land, Thuduc House, Đất Xanh, Kepple… đều có dự án đang bán, đặc biệt lượng hàng này được cho là đến từ các dự án cũ, buộc doanh nghiệp phải làm mọi cách để truyền thông bán được hết hàng trong đầu năm 2018 để còn triển khai kế hoạch bán dự án mới khiến cuộc chiến chiếm thị trường khu này diễn ra rầm rộ trên mặt báo, cột điện, các trang mạng xã hội… chi phí này tất nhiên các công ty sẽ cộng vào giá bán căn hộ và khách hàng sẽ chịu. Đổi lại cái khách hàng nhận được là những chính sách hấp dẫn chủ đầu tư đưa ra.

Đánh giá về thị trường bất động sản cuối năm 2017, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc Công ty CP bất động sản Asian Holding cho biết giao dịch tại thị trường TP.HCM khá tốt. Lượng giao dịch tại nhiều sàn rất khả quan bởi các chủ đầu tư làm rất tốt việc thuyền thông dự án.

“Trong giai đoạn này, thị trường đang có sự biến động, nhà đầu tư đều đang “nín thở” đợi thông tin từ dự án căn hộ tại TP.HCM. Dự kiến, chỉ một thời gian ngắn nữa, thị trường sẽ bắt đầu đi vào ổn định vì các chính sách cụ thể và dự án được các chủ đầu tư đưa tạo nên một cuộc đua cả về giá lẫn hậu mãi mới cho thị trường thay vì như trước đây chủ đầu tư chỉ đưa ra việc hỗ trợ vay ngân hàng thì giờ sẽ là chiết khấu, thời gian thanh toán…”, ông Hậu nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top