Aa

Doanh nghiệp địa ốc bày “canh bạc mới”

Thứ Sáu, 14/07/2017 - 06:20

Làn sóng doanh nghiệp đồng loạt tăng vốn điều lệ lên hàng nghìn tỷ đồng lại bùng phát với những dự cảm khó lường.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Cty Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) được tổ chức mới đây, ông Lê Chí Hiếu – Chủ tịch HĐQT tuyên bố đến năm 2020, TDH sẽ đưa ra thị trường 3.567 căn hộ chung cư, 1.192 lô đất nền, 14.554 m2 văn phòng cho thuê và 8,62 ha bất động sản nghỉ dưỡng.

Để sắp xếp nguồn vốn phát triển dự án mới, doanh nghiệp sẽ hợp tác với quỹ đầu tư quốc tế Pavo Capital, là nguồn quỹ huy động vốn từ nhiều quốc gia châu Âu, Australia, Hàn Quốc và Thái Lan.

Được nhiều, mất cũng lớn

"Với vai trò là thành viên sáng lập, TDH sẽ được ưu tiên đầu tư từ nguồn quỹ này. Và nếu dự án thành công, TDH sẽ có nguồn lực rất mạnh bên cạnh vốn vay ngân hàng để phát triển nhiều dự án" - ông Hiếu tự tin cho biết.

Ông Hiếu cũng tiết lộ, năm 2017, TDH đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất là 1.358 tỷ đồng, tăng 28,5% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đặt mục tiêu 130 tỷ đồng, tăng 20,16% và cổ tức dự kiến 10%.

Không nằm ngoài cuộc đua, ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch HĐQT Novaland vừa quyết định tăng thêm quỹ đất lên hơn 10 triệu m2 thông qua hoạt động M&A một số dự án tại TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Vũng Tàu… đủ để doanh nghiệp phát triển dự án trong vòng 5 năm tới.

Mục tiêu này khiến nhiều người e ngại khi Novaland đang sở hữu lượng hàng tồn kho và dư nợ không phải ở mức thấp. Tuy nhiên, ông Nhơn tự tin: “Hiện tại Novaland đã cơ cấu lại sản phẩm phù hợp, chia lại mảng đầu tư, củng cố đội ngũ nhân sự, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao quản trị, minh bạch… và rất nhiều biện pháp phòng vệ khác để chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi sắp tới”.

Không ít chủ đầu tư thất bại chỉ vì lâm trận quá nhanh mà chưa có sự nghiên cứu rõ về thị trường.

Không ít chủ đầu tư thất bại chỉ vì lâm trận quá nhanh mà chưa có sự nghiên cứu rõ về thị trường. (ảnh minh họa)

Sức hấp dẫn của thị trường địa ốc khiến những doanh nghiệp chuyên về môi giới như Đất Xanh cũng đặt ra mục tiêu tăng vốn điều lệ gấp 4 lần, từ 750 tỷ đồng năm 2015 lên hơn 3.000 tỷ đồng năm 2017. Đối tác của Đất Xanh là SGR cũng đã có kế hoạch nâng tổng mức đầu tư lên đến 2.020 tỷ đồng trong năm 2017, gấp gần 4 lần so với 2016.

Thực chất, việc các doanh nghiệp lớn đặt cược vào canh bạc địa ốc không mới. Hơn một thập niên trước, làn sóng này đã kéo hàng loạt đại gia tham gia và kết quả không mấy khả quan. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đều phải nếm trái đắng trái ngành.

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đua tăng vốn như một chiến lược sống còn trong bối cảnh ngân hàng đang dần siết lại tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Điển hình có thể kể đến trường hợp của Cty cổ phần Licogi 13. Tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản nhằm tăng doanh thu mà quên đi hoạt động kinh doanh cốt lõi đã kéo theo sự thụt lùi về kết quả kinh doanh.

Cụ thể, 9 tháng năm 2016, tổng doanh thu của Licogi 13 đạt 664,24 tỷ đồng, giảm 30,72% so với cùng kỳ năm trước (958,75 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế đạt 14,18 tỷ đồng, giảm 35,83% so với cùng kỳ năm trước.

Thậm chí một nhà thầu có nhiều năm kinh nghiệm, Cty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) cũng từng gặp không ít khó khăn với hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản. Sau đó, Cty này đã bán lại dự án và cũng rút vốn đầu tư khỏi kinh doanh bất động sản mà chỉ tập trung vào chuyên môn nhà thầu.

Hạ sức nóng, cách nào?

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Cty Địa ốc Đất lành cho rằng để thành công trong lĩnh vực bất động sản đòi hỏi rất nhiều yếu tố bên cạnh tiềm lực về tài chính như khả năng đánh giá, phân tích thị trường, truyền thông, quảng cáo cho dự án...

Cũng theo ông, không ít chủ đầu tư thất bại chỉ vì lâm trận quá nhanh mà chưa có sự nghiên cứu rõ về thị trường. Do đó, các nhà đầu tư mới tham gia vào lĩnh vực này nên có những bước đi thận trọng, tìm kiếm đối tác tốt và làm từ dự án quy mô nhỏ. “Nếu ngay từ đầu đã ôm tham vọng lớn, làm dự án hoành tráng ngay, trong khi tiềm lực tài chính không có sẽ phải chịu sức ép đi vay, dễ dẫn tới sa lầy do không đảm bảo dòng tiền cho hoạt động chính cũng như khó rút chân khỏi bất động sản” – ông Đực cho biết.

Điển hình như thị trường BĐS TP HCM từng chứng kiến sự đổ bộ hào nhoáng của đại gia Thảo Loan với dự án Thảo Loan Plaza đình đám. Do đầu tư sai phân khúc, dự án trì trệ nhiều năm với khoản nợ vay hàng trăm tỷ đồng. Nữ đại gia sau đó “biến mất” khỏi thị trường địa ốc. Dự án được Tập đoàn H.T mua lại từ ngân hàng, thay tên đổi họ, định vị lại thương hiệu và lập tức bán đắt như tôm tươi.

Theo các chuyên gia đầu ngành, thành hay bại trong “canh bạc địa ốc” rất khó để đoán định. “Trong bối cảnh thị trường địa ốc năm nay có dấu hiệu chững lại, tuy chưa có dấu hiệu xảy ra bong bóng nhưng cũng tìm ẩn nhiều rủi ro khi nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng sẽ giảm bởi việc siết tín dụng từ Thông tư 06 đối với lĩnh vực địa ốc thì hơn ai hết các doanh nghiệp nên có những bước đi thận trọng, cần hạn chế phát triển nóng trước khi quá muộn” - Tiến sĩ Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cao cấp đưa ra lời khuyên.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top