Aa

Doanh nghiệp địa ốc kỳ vọng lớn vào thị trường năm mới

Thứ Năm, 04/01/2018 - 14:01

Làn sóng hội nhập sẽ tác động lớn đến thị trường 2018; Doanh nghiệp địa ốc kỳ vọng lớn vào thị trường năm mới; Nhộn nhịp sang nhượng ki-ốt cuối năm; Bức tranh thị trường văn phòng cho thuê 2017;… là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Làn sóng hội nhập sẽ tác động lớn đến thị trường 2018

Theo nhận định của ông Jeremy Bates, Trưởng Bộ phận Dịch vụ khách thuê của Savills, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Trong đó, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã thay đổi hướng đi của thị trường và tạo ra nhiều cơ hội mới. Những thị trường được khám phá 10 năm trước đây hiện đang phát triển với tốc độ chóng mặt.

Ngoài ra, các loại hình bất động sản truyền thống cung cấp nguồn thu nhập ổn định, lâu dài cũng đang nhanh chóng chuyển mình. Hành vi xã hội cũng đang thay đổi.

“Nhưng những vấn đề toàn cầu quan trọng như khan hiếm tài nguyên thiên nhiên hay phát triển đi đôi với bền vững hiện đang bị xem nhẹ ở nhiều nơi trên thế giới, thường là do những bất ổn về chính trị. Tương lai những yếu tố này sẽ có tác động lớn hơn đến thị trường bất động sản toàn cầu”, ông Jeremy Bates cho biết.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi thị trường bất động sản. Ảnh: Nguyễn Thành./

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi thị trường bất động sản. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trong khi đó, ông Rasheed Hassan, Trưởng Bộ phận Đầu tư xuyên quốc gia Savills cho biết, các thị trường đầu tư giờ đây đã toàn cầu hóa. Giá bất động sản tại các thành phố lớn trên thế giới đang biến đổi chưa từng thấy để hướng đến một mức giá đồng nhất.

“10 năm trước, các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến chu kỳ bất động sản của thị trường trong nước, đến nay, nhà đầu tư này đã có sự so sánh giữa các thị trường trên toàn cầu. Chẳng hạn, một nhà đầu tư người Hồng Kông (Trung Quốc) mua một tòa nhà văn phòng ở London (Anh) sẽ đối chiếu giá với các tòa nhà văn phòng ngay tại Hồng Kông và cân nhắc giá trị của khoản đầu tư tại Munich (Đức), Paris (Pháp), Sydney (Úc) hoặc New York (Mỹ). Điều này đặt ra thách thức ngày một lớn hơn cho các nhà đầu tư địa phương. Họ sẽ buộc phải làm quen với các thước đo giá quốc tế”, ông Hassan nhận định.

Xem chi tiết tại đây.

Doanh nghiệp địa ốc kỳ vọng lớn vào thị trường năm mới

Chọn thời điểm mở đầu năm mới, nhiều doanh nghiệp địa ốc TP.HCM bắt đầu cho ra mắt những “đứa con cưng” của mình.

Chẳng hạn, ngày 6/1/2018 này, nhà phát triển bất động sản Phú Long chính thức công bố dự án Dragon Village theo mô hình thành phố của những giá trị sống mới ngay tại trung tâm đô thị năng động của TP.HCM. Dự án này kề bên đường cao tốc nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông, chỉ cách khu công nghệ cao Samsung, Trường đại học Fulbright và các dịch vụ tiện ích của khu Đông trong bán kính 3km.

Dragon Village có quy mô hơn 21ha, được quy hoạch đồng bộ, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh với trên 70% diện tích dành cho cây xanh, mặt nước và dịch vụ tiện ích.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

“Với Dragon Village, chúng tôi cam kết luôn làm tất cả vì khách hàng và cộng đồng, phát triển dự án theo những chuẩn mực tốt nhất để đảm bảo mỗi căn nhà luôn gia tăng giá trị thông qua phương thức quản lý quốc tế, được quảng bá rộng rãi, có trách nhiệm cao và hình thành nên một cộng đồng sống văn minh, hiện đại”, ông Phùng Chu Cường, Tổng giám đốc Phú Long chia sẻ và cho biết, Dự án Dragon Villlage sẽ được triển khai với chất lượng và tiến độ cao nhất để có thể bàn giao vào cuối năm 2018.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Hưng Thịnh Corp cho biết, năm 2017 đơn vị này đã thực hiện 8 thương vụ M&A quỹ đất tại TP.HCM để vào tháng 1/2018 này sẽ chính thức bấm nút phát triển dự án tại quận 7, với số căn hộ lên tới 3.000 căn. Bên cạnh đó, Hưng Thịnh Corp cũng đã lên kế hoạch phát triển dự án tại Hà Nội và Vũng Tàu trong năm nay.

“Chúng tôi chú trọng phát triển những dự án tầm trung, phục vụ nhu cầu ở thực của người dân TP.HCM. Dự kiến, năm 2018 Hưng Thịnh sẽ cho ra thị trường ít nhất 6.000 căn hộ. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục M&A quỹ đất để phát triển dự án mới trong năm 2019”, ông Trung nói.

Xem chi tiết tại đây.

Nhộn nhịp sang nhượng ki-ốt cuối năm

Các ki-ốt đều tọa lạc ở các vị trí mặt tiền đường, nơi diễn ra hoạt động buôn bán nhộn nhịp. Bề ngoài của dãy ki-ốt giống như những dãy nhà trọ chia phòng nhỏ.

So với các mặt bằng kinh doanh truyền thống thì loại hình ki-ốt có số lượng ít hơn, nằm rải rác ở các khu chợ, xen lẫn ở các khu dân cư đông đúc với giá cho thuê thấp hơn. Diện tích mỗi ki-ốt đa số nhỏ hơn các mặt bằng kinh doanh.

Những ki-ốt do nhà đầu tư tự xây rồi bán hoặc cho thuê xuất hiện chủ yếu ở khu vực ven thành phố. Tại đây, cộng đồng cư dân mới đang trong quá trình hình thành nên quỹ đất trống còn khá dồi dào để phát triển các ki-ốt nhỏ lẻ. Nhiều nhà đầu tư có quỹ đất mua trước đó thay vì xây nhà hoặc dãy trọ đã xây ki-ốt lẻ cho thuê nhằm thu lợi nhuận cao hơn.

Đầu tư ki-ốt có thể mang về lợi nhuận cao nếu nhà đầu tư săn được quỹ đất đẹp.

Đầu tư ki-ốt có thể mang về lợi nhuận cao nếu nhà đầu tư săn được quỹ đất đẹp.

Theo ghi nhận của PV, hoạt động sang nhượng ki-ốt tại TP.HCM diễn ra nhộn nhịp từ cuối năm 2016 đến nay. Giai đoạn này cư dân mới đổ về khu ven khá đông đã tác động đến nhu cầu bán buôn tại đây. Nhiều tiểu thương tìm kiếm mặt bằng kinh doanh truyền thống nhưng do giá thuê “chát” nên đã chuyển hướng tìm các ki-ốt. Ngoài ra, những người kinh doanh mặt hàng nhỏ lẻ, thời vụ thường tìm kiếm các ki-ốt diện tích nhỏ để phù hợp với nhu cầu.

Tại Q.9 (khu Đông TP.HCM), nhiều nhà đầu tư “săn” các khu đất diện tích rộng từ 125-200m2 xây thành các dãy ki-ốt, cho thuê hoặc bán lẻ cho giới tiểu thương. Mỗi ki-ốt diện tích từ 20-25m2, nhà đầu tư có thể khai thác cho thuê với giá từ 4-6 triệu đồng/tháng. Những ki-ốt diện tích lớn hơn (50-70m2), giá thuê dao động từ 8 - 9 triệu đồng/ki-ốt/tháng.

Xem chi tiết tại đây.

Bức tranh thị trường văn phòng cho thuê 2017

Theo thống kê của Savills, trong năm 2017, tổng nguồn cung văn phòng cho thuê tại TP.HCM tăng 6% lên mức 1,7 triệu mét vuông sàn. Đặc biệt, năm qua ghi nhận 2 dự án văn phòng cho thuê cao cấp ở khu vực trung tâm đi vào hoạt động. Đây là lần đầu tiên trong ba năm trở lại đây, thị trường đón nhận nguồn cung hạng A mới, đánh dấu một bước phát triển mới.

Nhận định cụ thể hơn về phân khúc này, đại diện Savills cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, thị trường văn phòng cho thuê đã duy trì trạng thái thiếu hụt nguồn cung, tỷ lệ sàn trống luôn ở ngưỡng tối thiểu và rất khó tìm được mặt bằng văn phòng diện tích lớn trong khu vực trung tâm.

Nguyên nhân được cho là do nền kinh tế phục hồi sau khủng hoảng cùng nguồn vốn FDI ồ ạt chảy vào Việt Nam đã càng làm tăng nhanh chóng nhu cầu văn phòng cao cấp. Các tòa nhà văn phòng đi vào hoạt động được lấp đầy khá nhanh chóng và công suất cho thuê toàn thị trường vấn tiếp tục duy trì ở mức cao, trên 95% trong tất cả các quý trong năm 2017.

Bên cạnh nguồn khách chủ lực từ khu vực F.I.R.E (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản), các nhân tố mới về nguồn cầu cũng xuất hiện trên thị trường trong năm 2017.

“Trong xu thế chung của thế giới và khu vực, các công ty trong lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng ở Việt Nam, sử dụng một lực lượng lớn lao động và nhu cầu sàn làm việc. Đây cũng chính là nhóm ngành có nhu cầu văn phòng làm việc tăng ấn tượng nhất trong hai năm trở lại đây”, Savills cho biết.

Cũng từ những lực đẩy đó mà thị trường văn phòng cho thuê TP.HCM đang là điểm sáng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nhờ vào công suất hoạt động và giá thuê cao. Bên cạnh việc nằm trong nhóm 2 thị trường có công suất hoạt động cao nhất khu vực Đông Nam Á, cùng với Manila (Phillippines), giá thuê văn phòng tại TP.HCM cũng bỏ xa các thành phố khác trong khu vực. Mặc dù có nguồn cung đang tăng trưởng nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với nhu cầu thị trường.

Xem chi tiết tại đây.

Hết thời lướt sóng căn hộ chung cư

70% nguồn cung mới của thị trường trong năm 2017 thuộc phân khúc trung cấp (khoảng giá từ 20-35 triệu/m2). Tại Hà Nội, các dự án tập trung chủ yếu ở phía Tây và phía Nam thành phố. Còn tại Tp.HCM, nguồn cung phân bổ ở cả phía Đông, Tây và Nam.

Nguồn cung lớn đã buộc các chủ đầu tư phải tìm hướng đi riêng, tạo sự khác biệt trong phát triển sản phẩm nhằm tăng thanh khoản. Một số xu hướng tiêu biểu có thể kể đến như xu hướng công trình xanh, căn hộ nghỉ dưỡng hay các chính sách thanh toán, hỗ trợ vay vốn ưu đãi…

Trong năm 2017, cơ cấu sản phẩm trên thị trường có sự thay đổi. Điều này thể hiện rõ khi nguồn cung căn hộ cao cấp không còn bùng nổ như năm 2016. Ở cả hai thị trường trọng điểm, những dự án cao cấp (mức giá từ 35 triệu/m2 trở lên) không nhiều. Trung bình mỗi quý có từ 1 đến 3 dự án được giới thiệu trên thị trường, có quý thị trường không đón thêm dự án mới.

70% nguồn cung mới của thị trường trong năm 2017 thuộc phân khúc trung cấp.

70% nguồn cung mới của thị trường trong năm 2017 thuộc phân khúc trung cấp.

Theo số liệu của một tổ chức nghiên cứu thị trường, tính đến hết quý III/2017, nguồn cung căn hộ cao cấp ở Hà Nội đã giảm 38% so với trung bình 4 quý gần nhất, Tp.HCM giảm 32% so với quý trước đó.

Tuy nhiên, đáng chú ý, ba tháng cuối năm, căn hộ cao cấp lại áp đảo thị trường Hà Nội và Tp.HCM. Đây đều là những dự án đã được lên kế hoạch từ 2016. Bên cạnh việc hoàn thiện các vấn đề pháp lý, các chủ đầu tư đều chọn giai đoạn cuối năm 2017 để giới thiệu hoặc ra hàng nhằm đón dòng tiền tích lũy và lượng kiều hối đổ về lớn.

Các dự án tập trung chủ yếu ở các khu đất vàng. Tại Hà Nội, một số cái tên có thể kể đến như D’. El Dorado, The Golden Amor, 6th Element, Liễu Giai Tower, Kosomo Tây Hồ. Tại Tp.HCM là D’edge, Tilia Residence, Masteri An Phú, D1mension.

Xem chi tiết tại đây.

Nguồn cung căn hộ ven kênh rạch TP.HCM bùng nổ mạnh mẽ trong năm 2018

Điển hình là dự án cải tạo kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo khu vực Bến Vân Đồn, quận 4. Sau khi nâng cấp mở rộng với chiều dài gần 3km cho 6 làn xe, tuyến đường Bến Vân Đồn đã chính thức đi vào khai thác từ tháng 2/2013. Cùng với đường Võ Văn Kiệt, chạy song song bên kênh Tàu Hũ, tuyến đường này đã tạo nên cảnh quan đẹp cho khu vực trung tâm thành phố.

Tiếp đó là khu vực Bến Vân Đồn đã trở thành “điểm nóng” về đầu tư bất động sản. Một cuộc chạy đua để chiếm lĩnh “đất vàng” tại Bến Vân Đồn diễn ra quyết liệt giữa các ông lớn địa ốc trong một hời gian ngắn. Theo báo cáo mới nhất của các công ty nghiên cứu bất động sản, giá căn hộ của các dự án tại Bến Vân Đồn đã tăng từ 30-50% trong thời gian qua.

“Giá nhà tại các dự án cao cấp vẫn đang theo đồ thị đi lên, đặc biệt các dự án trung tâm ven sông có thể tăng giá 200%. Điều này mang đến lợi ích lớn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư khi biết nắm bắt cơ hội tại các khu vực được hưởng lợi từ chương trình chỉnh trang đô thị, cải tạo kênh rạch của TP.HCM.”, đại diện CBRE Việt Nam nhận định.

Xem chi tiết tại đây.

HoREA ủng hộ 'Chúa đảo' Tuần Châu làm Đại lộ ven sông Sài Gòn

Trong văn bản gửi Thủ tướng báo cáo một số nội dung về tình hình thị trường giai đoạn 2011-2017 và các giải pháp để lành mạnh hóa thị trường, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nêu quan điểm hoan nghênh ý tưởng về Đại lộ ven sông Sài Gòn từ Bến Súc, huyện Củ Chi qua huyện Hóc Môn, quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, sau đó về quận 1.

Trước đó, một số ý kiến lo ngại cho rằng không nên làm tuyến đường này vì đây là trục đường hướng tâm sẽ làm tăng nạn ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, HoREA cho rằng, rất nhiều tuyến đường trục hướng tâm đang phát huy hiệu quả giao thông như Đại lộ Đông - Tây, trục đường Bắc Nam... 

"Đại lộ ven sông Sài Gòn nếu được đưa vào quy hoạch và có lộ trình triển khai, thực hiện phù hợp sẽ tăng thêm tuyến đường song song với Quốc lộ 22 (đường Xuyên Á) kết nối tỉnh lộ 8 và các đường ngang khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực phía Tây Bắc của thành phố, lan tỏa sang các huyện Thuận An, Bến Cát (Bình Dương), huyện Đức Hòa (Long An) và huyện Trảng Bàng (Tây Ninh)", văn bản của Hiệp hội cho hay.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top