Aa

Doanh nghiệp đợi sửa Nghị định 20: Đã hồi tố phải hồi tố toàn bộ

Thứ Năm, 23/04/2020 - 14:27

Các doanh nghiệp và chuyên gia kiến nghị, việc áp dụng hồi tố xử lý năm 2017, 2018 khi sửa đổi khoản 3 Điều 8, Nghị định 20 phải khấu trừ hết khoản thuế đã nộp, không thể chỉ hồi tố nửa vời.

Doanh nghiệp lo không được khấu trừ toàn bộ

Như Reatimes đã đưa tin, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 8, Nghị Định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết gửi các đồng chí thành viên Chính phủ. Theo đó, đa số thành viên Chính phủ chọn quy định cho phép hồi tố xử lý đối với các năm 2017, 2018; cho phép chuyển chi phí lãi vay không được trừ sang các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng không quá 5 năm.

Tiếp đó, ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phải khẩn trương hoàn thiện, ký tắt Nghị định sửa đổi, bố sung khoản 3 Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP để Chính phủ ban hành trong ngày 20/4. Tuy nhiên, đến thời điểm này (ngày 23/4), nghĩa là sau gần 1 tháng kể từ khi đa số các thành viên Chính phủ đồng ý cho hồi tố khi sửa Nghị định 20, các doanh nghiệp vẫn "sống trong chờ đợi" và thấp thỏm không biết Nghị định 20 sửa đổi cụ thể sẽ như thế nào.

Một trong những nội dung được doanh nghiệp quan tâm nhất chính là câu chuyện hồi tố. Số tiền hồi tố sẽ bao gồm những khoản nào và thời gian khấu trừ trong bao nhiêu năm?

Giả sử Bộ Tài chính áp dụng phương án chỉ cho phép hồi tố năm 2017, 2018 đối với nội dung khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%, đồng thời áp dụng cách tính chi phí lãi vay cho trừ lãi tiền gửi, lãi cho vay, không xử lý hồi tố đối với quy định chuyển tiếp chi phí lãi vay sang các kỳ tính thuế tiếp theo.

Và về thời hạn khấu trừ, trường hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 không đủ khấu trừ hết thì phần còn lại được khấu trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong các năm tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm kể từ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý hồi tố số thuế còn lại chưa khấu trừ hết. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp có thể không được khấu trừ hết số thuế đã nộp nếu như thời hạn kéo dài quá 5 năm.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện một tập đoàn lớn cho rằng, Bộ Tài chính đã cho hồi tố thì phải hồi tố toàn bộ mới tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, để tạo ra công bằng giữa doanh nghiệp đã thanh kiểm tra và chưa thanh kiểm tra, đề nghị hồi tố cả phần tiền xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

“Việc hồi tố đáng lý Nhà nước phải dùng ngân sách trả lại doanh nghiệp ngay, tuy nhiên do ngân sách không bố trí được nguồn thì phải cho doanh nghiệp bù trừ với tất cả các nghĩa vụ thuế khác từ năm 2020 cho đến hết chứ không thể chỉ cho khấu trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp và sau 5 năm không hết không được khấu trừ nữa, điều này sẽ rất vô lý”, đại diện tập đoàn này nói thêm.

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhìn nhận: “Nếu đã hồi hố thì phải hồi tố hết chứ không phải tiếp tục chia nhỏ các phần ra, phần này hồi tố, còn phần kia phức tạp hơn thì thôi, bỏ hồi tố. Ở đây doanh nghiệp không có lỗi, do vậy, khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 đã sai thì phải sửa triệt để, chứ không thể tiếp tục sửa nửa vời, dẫn đến không khắc phục được hậu quả đã gây ra đối với các doanh nghiệp trong nước”.

Theo vị chuyên gia này, việc khấu trừ trong vòng 5 năm là thời hạn vừa phải, không nên kéo dài hơn càng gây khó cho doanh nghiệp. “Tuy nhiên, Bộ Tài chính cần hiểu, 5 năm là thời gian tối đa để cơ quan thuế phải hoàn tất việc bù trừ cho doanh nghiệp. Để tính đến trường hợp làm thế nào trong vòng 5 năm đó phải khấu trừ hết khoản thuế mà doanh nghiệp đã nộp sai chứ không phải để qua 5 năm nếu chưa khấu trừ xong thì hủy bỏ, xí xóa luôn phần thuế chưa được khấu trừ cho doanh nghiệp dẫn đến doanh nghiệp đi trước nộp thuế vẫn bị thiệt thòi”, PGS.TS. Doãn Hồng Nhung nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV, Công ty Luật Basico cho rằng, việc khấu trừ thuế cho doanh nghiệp là điều cần thiết nhưng phải được thực hiện một cách triệt để với thời hạn hợp lý nhất:

“Tôi cho rằng, cần đấu tranh đến cùng để Nghị định 20 loại bỏ áp dụng đối với các doanh nghiệp không có yếu tố chuyển giá. Nhưng nếu tạm thời chấp nhận sửa theo hướng nâng trần lãi vay và cho hồi tố thì phải khấu trừ hết. Nếu như áp dụng bù trừ chỉ trong 5 năm thì nên xem xét khấu trừ vào các loại thuế khác cho doanh nghiệp như thuế giá trị gia tăng. Còn nếu chỉ khấu trừ vào thuế TNDN thì cần xem xét kéo dài thời hạn khấu trừ (có thể lên đến 10 năm) để xử lý triệt để cho doanh nghiệp”.

Đây không phải là sự hỗ trợ, ưu ái cho doanh nghiệp khó khăn, mà là sửa sai

Luật sư Trương Thanh Đức.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, việc áp đặt khống chế chi phí lãi vay dù là 20% hay 30% cho các doanh nghiệp trong nước không có động cơ chuyển giá là sai đối tượng và không hợp lý. Nên việc sửa sai cần phải thực hiện nhanh để khắc phục hậu quả đã gây ra cho doanh nghiệp.

“Việc Bộ Tài chính viện nhiều lý do khó khăn là không phù hợp. Đây không phải là sự hỗ trợ, ưu ái cho doanh nghiệp khó khăn mà là sửa sai. Đã sai thì phải sửa, khắc phục triệt để, kịp thời”, ông Đức nói.

Về phía doanh nghiệp, đại diện một doanh nghiệp lớn đề nghị Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính ưu tiên rà soát lại số liệu của các doanh nghiệp đã thanh kiểm tra bị ảnh hưởng của Nghị định 20 trước để tính lại nghĩa vụ, hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh. Bởi các doanh nghiệp chưa qua thanh kiểm tra thì họ chưa phát sinh việc thu nộp gì.

“Nếu không cho bù trừ sớm thì các nghĩa vụ mình nợ Nhà nước cứ bị tính lãi quá hạn, còn Nhà nước nợ mình lại không tính lãi”, vị đại diện doanh nghiệp nói.

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung cũng cho rằng, đã quá muộn để Bộ Tài chính tiếp tục viện “cớ”, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 cần được hoàn thiện và ban hành ngay theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị của các doanh nghiệp.

“Lợi nhuận thu được trong kinh doanh đôi khi không đủ bù đắp cho chi phí lãi vay của doanh nghiệp. Vì thế việc sửa đổi quy định khống chế chi phí lãi vay tại Nghị định 20 sẽ tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp khi đưa ra chiến lược vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Bản chất của việc hồi tố được đặt ra là để khắc phục được những hậu quả đã xảy ra trước đây trong thực thi pháp luật nói trên. Bên cạnh đó, triển khai quy định hồi tố này có thể khôi phục lại những lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường bất động sản cho kỳ tính thuế năm 2017 – 2018, giúp doanh nghiệp có thêm khoản tài chính để vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh", PGS.TS. Doãn Hồng Nhung phân tích.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, việc sửa sai phải sửa tận gốc, hồi tố lại khoản thuế đã nộp cho doanh nghiệp.

“Việc hồi tố khoản thuế đặc biệt có ý nghĩa với các doanh nghiệp trong hoàn cảnh dịch Covid -19 đang đẩy các doanh nghiệp rơi vào khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp lớn còn phải nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội”, ông Thịnh nói.

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Huy Công, Phó TGĐ Công ty Tư vấn và Kiểm toán Deloitte Việt Nam nhận định, việc nâng trần khống chế chi phí lãi vay là một quyết định kịp thời của Chính phủ và phản ánh đúng thực tế hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam trong điều kiện quy mô vốn chủ sở hữu còn nhỏ, hoạt động của doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào vốn vay. Do vậy, Chính phủ nên sớm ban hành Nghị định sửa đổi.

Bên cạnh đó, theo ông Công, các doanh nghiệp cần chuẩn bị trước các dữ liệu điều chỉnh cũng như các hồ sơ liên quan để sẵn sàng nộp/nộp lại tờ khai quyết toán thuế TNDN của các năm 2017, 2018 khi Nghị định mới được ban hành.

“Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thể tối ưu và cân đối được dòng tiền, phản ánh kịp thời các thông tin khi lập báo cáo tài chính để cung cấp cấp tới người sử dụng thông tin trung thực và tích cực về kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kép do dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể tìm đến các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để được trợ giúp trong quá trình thực hiện điều chỉnh”, vị chuyên gia đánh giá./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top