Aa

Doanh nghiệp môi giới bất động sản lo tìm nguồn hàng phân phối

Thứ Năm, 21/02/2019 - 14:01

Doanh nghiệp môi giới bất động sản lo tìm nguồn hàng phân phối; Bất động sản cao cấp tại Việt Nam: Thời điểm đầu tư đã tới?; Món hời mới cho các nhà đầu tư; Yêu cầu thẩm tra dự án hầm đường bộ gần 8.000 tỷ tại Quảng Ninh;... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

Doanh nghiệp môi giới bất động sản lo tìm nguồn hàng phân phối

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều công ty môi giới địa ốc tại Tp.HCM vẫn chưa khai xuân vì chưa có hàng để bán. Anh Nguyễn Văn Thắng, nhân viên kinh doanh SGD Thắng Lợi (quận 7) cho biết, từ cuối năm 2018 đến nay, anh chỉ “ngồi chơi xơi nước” vì sàn không có sản phẩm mới để chào bán. Hiện tại, sàn của anh chủ yếu chỉ giao dịch sản phẩm thứ cấp và bán rất chậm, khoảng một tháng gần đây chưa được giao dịch nào thành công. Nhiều nhà đầu tư lâu năm không có hứng thú với dự án hiện hữu, chủ yếu tìm dự án mới mà sàn anh Thắng hiện giờ không có hàng mới nên chấp nhận chờ thời.

Theo chia sẻ từ đại diện một công ty chuyên môi giới đất nền và căn hộ tại quận 9, năm nay sẽ là một năm khó khăn cho doanh nghiệp của anh khi khá nhiều đối tác quen thuộc tại Tp.HCM không thể hoàn thành thủ tục để ra hàng, nghĩa là các sàn giao dịch liên kết cũng không có hàng để bán. Do đó, doanh nghiệp dự tính phải chuyển hướng về thị trường tỉnh để tìm sản phẩm. Tuy nhiên, do ở tỉnh chủ yếu chào bán đất nền, nguồn hàng không đa dạng, sức mua lại không cao và cạnh tranh trực tiếp với các sàn địa phương nên môi giới sẽ phải chấp nhận nhiều thách thức mới.

Xem chi tiết tại đây

Nhiều sàn môi giới bất động sản quyết định tiến về tỉnh lẻ để có việc làm nuôi quân

Nhiều sàn môi giới bất động sản quyết định tiến về tỉnh lẻ để có việc làm nuôi quân

Bất động sản cao cấp tại Việt Nam: Thời điểm đầu tư đã tới?

Xét về nhiều khía cạnh, 2018 là một năm mang tính bước ngoặt với những thay đổi nhanh chóng tại thị trường nhà ở Việt Nam. Ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam phân tích, động lực tăng trưởng của thị trường nhà ở Việt Nam tiếp tục được thúc đẩy bởi cơ cấu dân số vàng, triển vọng kinh tế tích cực và các dự án cơ sở hạ tầng mới. TP.HCM và Hà Nội đang đi vào giai đoạn chuyển mình và sánh ngang với những thành phố khác trong khu vực.

Không có gì ngạc nhiên khi nhu cầu đầu tư bất động sản tại Việt Nam đã tăng đáng kể từ khi chính sách sở hữu nhà ở cho người nước ngoài có hiệu lực vào năm 2015. Với sự thiếu hụt rõ rệt trong dự án cao cấp tại các đô thị lớn, người mua có thể thấy được tiềm năng tăng vốn dài hạn rõ rệt. Trong khi đó, với khoản lợi nhuận cho thuê vượt quá 5%, đây là một kênh đầu tư hấp dẫn so với lợi nhuận sụt giảm ở những địa điểm khác trong khu vực.

Ông Neil MacGregor nhận định: “Sự xuất hiện ngày một nhiều của những cơ hội đầu tư dài hạn trong phân khúc nhà ở cao cấp, đặc biệt là khi các chỉ số kinh tế vẫn phát triển vượt trội, người mua hoàn toàn sẽ được hưởng lợi từ việc gia tăng giá trị đầu tư. Mặc dù chặng đường để thị trường bất động sản Việt Nam đạt đến đỉnh cao như thị trường Hong Kong và Singapore còn dài; nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bùng nổ tầng lớp trung lưu và giá cả phải chăng, Việt Nam sẽ tiếp tục tiến bước, trở thành mãnh hổ tiếp theo của Châu Á”.

Xem chi tiết tại đây

Món hời mới cho các nhà đầu tư

Nhà đầu tư và phát triển đang rất quan tâm đến việc rót vốn vào tài sản cư trú - một nhóm các sản phẩm bất động sản mới nổi trong phân khúc nhà ở. Phân khúc này gồm các loại tài sản phục vụ cho nhu cầu ở tùy theo từng giai đoạn tuổi: ký túc xá, co-living, chung cư, viện chăm sóc người cao tuổi.

Ông Rohit Hemnani, Giám đốc bộ phận đầu tư thay thế, thị trường vốn tại Châu Á Thái Bình Dương của JLL cho biết: “Khối lượng vốn đầu tư đổ vào tài sản cư trú tại Châu Á Thái Bình Dương tăng lên chóng mặt là nhờ vào nhu cầu nhà ở bình dân mạnh mẽ, đây được xem một phương án gỡ rối. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng không ngừng tìm kiếm các món đầu tư lâu dài, lợi nhuận cao và danh mục đầu tư đa dạng nên họ sẽ đặt cược vào tài sản cư trú”.

Theo ông, các nhà đầu tư đã sẵn sàng mạo hiểm để tận dụng thời cơ cho phân khúc này tại một số nước. Cụ thể, với hơn 34 triệu sinh viên đại học trên cả nước, nhu cầu về ký túc xá sinh viên ở Mumbai luôn nóng. Ấn Độ chưa thực sự khai thác phân khúc này và cần thêm vốn để có thể phát triển, dự kiến thị trường này sẽ mang lại lợi nhuận từ 10 đến 12%.

Xem chi tiết tại đây

Dự kiến dự án có tổng chiều dài 2.140m, đường hầm dài 1.310m, tổng vốn đầu tư 7.875 tỷ đồng.

Dự kiến dự án có tổng chiều dài 2.140m, đường hầm dài 1.310m, tổng vốn đầu tư 7.875 tỷ đồng.

Yêu cầu thẩm tra dự án hầm đường bộ gần 8.000 tỷ tại Quảng Ninh

UBND tỉnh Quảng Ninh hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trên, trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định...

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục, tỉnh Quảng Ninh.

Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục, tỉnh Quảng Ninh.

Trên cơ sở kết quả thẩm định, UBND tỉnh Quảng Ninh hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trên, trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan.

UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, dự án hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục nhằm giảm tải giao thông cho cầu Bãi Cháy, tạo điểm nhấn du lịch hấp dẫn, thông xe cả 4 mùa, nhất là mùa mưa bão. Hiện tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi thực hiện dự án hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục tại vị trí nối 2 đường Hạ Long (Bãi Cháy) và Lê Thánh Tông (Hồng Gai).

Xem chi tiết tại đây

Phó Tổng giám đốc Viglacera muốn mua 1 triệu cổ phiếu VGC

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Viglacera (HNX: VGC) vừa đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu VGC trong thời gian 21/2 đến 21/3 theo phương thức khớp lệnh.

Trước giao dịch, ông Tuấn đang nắm giữ 708.000 cổ phiếu VGC. Mục đích giao dịch lần này được báo cáo là đầu tư cá nhân.

Trên thị trường chứng khoán, tạm chốt phiên sáng 20/2, cổ phiếu VGC đứng tại mức giá 20.500 đồng/cổ phiếu. Nếu tạm tính theo mức giá này, ông Minh Tuấn sẽ chi ra khoảng 20,5 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phiếu VGC trên.

Mới đây ngày 2/1/2019, HoSE đã chấp thuận cho Viglacera niêm yết 448 triệu cổ phiếu VGC, tương ứng tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 4.483 tỷ đồng.

Việc chuyển sàn niêm yết sang HoSE không chỉ giúp cổ phiếu thu hút sự quan tâm của giới đầu tư mà còn là tiền đề cho việc thoái gần 54% vốn của Bộ Xây dựng tại Tổng Công ty Viglacera trong năm 2019.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top