Aa

Doanh nghiệp nắm chắc cơ hội trong thời đại kỹ thuật số

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 05/10/2018 - 21:40

Doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động trực tiếp của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong tương lai gần có ngành phải thu hẹp kinh doanh, nhiều lao động của con người được thay thế bằng robot; đồng thời có ngành mới ra đời tạo ra nhiều việc làm đòi hỏi kỹ năng cao. Đặc biệt một số ngành như du lịch, thương mại, công nghệ thông tin, xây dựng được hưởng lợi từ nền tảng số hóa, kết nối dữ liệu lớn (Big Data).

Theo số liệu từ Vụ Công nghệ thông tin, trong hai năm 2016 – 2017, số tỉnh, thành phố làm công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đã tăng từ con số 50 của năm 2016 lên 57 năm 2017. Năm 2017, tổng doanh thu công nghiệp CNTT đạt 91.592 triệu USD, tăng  hơn 35%, kim ngạch xuất khẩu CNTT đạt 83.364 triệu USD, tăng trên 28,7%; tổng số nhân lực CNTT là 928.103 người, tăng hơn 21,1%; và nộp thuế trên 23.600 tỷ đồng, tăng hơn 26% năm 2016. Năm 2017, cả nước có 50.304 doanh nghiệp CNTT, gấp hơn 2 lần năm 2016  (24.501 doanh nghiệp). Trong đó 21.880 doanh nghiệp kinh doanh phân phối CNTT, 12.338 doanh nghiệp dịch vụ CNTT, 8.883  doanh nghiệp phần mềm, 4.001 doanh nghiệp phần cứng, điện tử; và 3.202 doanh nghiệp nội dung số.

Tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp CNTT, doanh thu, kim ngạch xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc trong những năm tới. Một tín hiệu mới là nhiều tập đoàn kinh tế sau thời gian tích lũy vốn, nâng cao trình độ công nghệ, nguồn nhân lực đã chuyển hướng kinh doanh sang ngành công nghiệp tương lai thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo nhiều nghiên cứu của thế giới thì để thay đổi bắt nhịp với cách mạng 4.0 quan trọng là đổi mới tư duy theo hướng sáng tạo, cũng cần vốn đầu tư nhưng không phải vượt quá khả năng của đại bộ phân doanh nghiệp, bởi vì ứng dụng công nghệ AI, IoT, Robotic, AR, VRR, Blockchain, Big Data đòi hỏi chi phí không nhiều.

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Tại toạ đàm “Phát triển kinh tế tư nhân: Rào cản và giải pháp” sáng 5/10 do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, GS.  Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho hay: “Trên thực tế đã có nhiều doanh nghiệp là minh chứng năng lực sáng tạo trong kinh doanh của người Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là ý tưởng mới, tính sáng tạo “làm khác trước, khác mọi người” mang lại thành công của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội, đổi mới nhanh công nghệ và mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường thì tăng trưởng nhanh và có hiệu quả cao. Ngược lại nếu “lạc nhip” sẽ kinh doanh thua lỗ, thậm chi phá sản”.

GS. Nguyễn Mại phân tích, mặc dù số lượng tập đoàn kinh tế hiện nay không nhiều nhưng đã chứng minh được tiềm năng và sự thích ứng với thời đại kỹ thuật số. Đặc biệt cũng cần có hệ sinh thái riêng được bảo đảm bằng hành lang pháp lý thuận lợi để mỗi năm có thêm nhiều tập đoàn mới thành lập. Những tập đoàn hiện có được định hướng vào ngành và lĩnh vực ưu tiên, cần được khuyến khích vươn ra thị trường thế giới để Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên bản đồ các tập đoàn kinh tế hàng đầu khu vực và từng bước trên thế giới. 

Kinh nghiệm của Viettel, FPT, TH True Milk trong đầu tư ở nước ngoài là bài học để các tập đoàn kinh tế khác nghiên cứu để vươn ra thị trường thế giới. Thành công của Vingroup, Sun Group trong đầu tư vào nhiều ngành, lĩnh vực đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường nội địa đã khẳng định năng lực của doanh nghiệp Việt Nam. Đáng chú ý, sự chuyển đối của Vingroup sang công nghiệp công nghệ cao rất cần được Chính phủ hổ trợ để nhanh chóng gặt hái được những thành quả lớn.

GS. Nguyễn Mại đưa ra nhận định: “Doanh nghiệp khởi nghiệp đang là trào lưu sôi động thu hút hàng vạn lớp người trẻ tuổi có ý chí, có hoài bão, có sức sáng tạo dám nghĩ, dám làm. Mặc dù tỷ lệ thất bại không nhỏ, nhưng số người trẻ thành đạt ngày càng nhiều, báo hiệu xu thế mới của kinh tế tư nhân nước ta.

Tôi cho rằng doanh nghiệp Việt Nam có quy mô ngày càng lớn hơn, kinh doanh đa dạng hơn, đa số coi trọng kinh doanh gắn với sáng tạo, năng động đang và sẽ là bộ phận đông đảo và quan trong nhất của đội ngũ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn, bao gồm hàng nghìn tập đoàn kinh tế đã khẳng định vị thế trên thương trường, một số đã được xếp hạng cao trong khu vực và trên thế giới, là lực lượng tiên phong trong kinh doanh thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

GS. Mại cũng cho biết thêm, tiềm năng lớn của kinh tế tư nhân cần được khai thác có hiệu quả bằng hệ sinh thái thuận lợi với hành lang pháp lý thông thoáng. Cơ hội mới sẽ được tận dụng đối với những doanh nghiệp lấy đổi mới, sáng tạo, làm khác trước, khác với mọi người; nếu “chệch nhịp” sẽ không thể thành công.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top