Aa

Doanh nghiệp, người nổi tiếng đua nhau rao bán khách sạn

Thứ Bảy, 04/04/2020 - 11:00

Ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn sang nhượng khách sạn, một số nghệ sỹ nổi tiếng cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Mới đây, ca sỹ Ngọc Khuê bất ngờ rao bán khách sạn Delta Sa Pa Hotel với quy mô 58 phòng kinh doanh, 5 phòng phụ trợ với giá 110 tỷ đồng.

Tòa nhà Nathan Lee rao bán tọa lạc ngay giữa trung tâm Paris sầm uất

Được biết, đây là khách sạn 3 sao, có diện tích đất 350m2 nằm trên phố cổ Cầu Mây – thị trấn Sapa, cách nhà thờ đá cổ và chợ tình Sapa 50m. Khách sạn được hoàn thiện và đi vào hoạt động tháng 6/2017 với phong cách kiến trúc Pháp cổ điển.

Từ trăm cho đến nghìn tỷ

Theo ca sỹ Ngọc Khuê, những năm gần đây, khi đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai và cáp treo Fansipan hoàn thành, Sapa trở thành điểm nóng về du lịch, số lượng khách tăng vọt theo thời gian khiến khách sạn của cô luôn trong tình trạng "cháy phòng". Tuy nhiên, 2 tháng gần đây do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình kinh doanh khách sạn bắt đầu ế ẩm.

Đặc biệt, thời điểm phát hiện một du khách nhiễm virus corona đang lưu trú tại Sapa, buộc chính quyền phải dừng đón khách du lịch trong 14 ngày, khiến tình hình kinh doanh trở nên "lao dốc" buộc cô phải rao bán khách sạn để duy trì các hoạt động khác.

Đồng cảnh ngộ, mới đây nghệ sỹ Nathan Lee cũng phải rao bán khách sạn nghìn tỷ tại Pháp vì thua lỗ giữa mùa dịch COVID-19. Tòa nhà có quy mô 7 tầng với 15 căn hộ và một mặt bằng kinh doanh 3 mặt tiền, ngay khu “đất kim cương” quảng trường Hotel De Ville - một trong những biểu tượng huyền thoại của kinh đô ánh sáng, địa điểm không thể không tới dành cho khách du lịch.

Nathan Lee cho biết, tất cả các căn hộ đều có ban công nhìn ra chính diện tòa thị chính, phố Rivoli, sông Seine và Nhà thờ Đức Bà. Căn nhỏ nhất 3 phòng ngủ 135m2, trần cao 4,2m, 2 phòng tắm và một bếp đầy đủ tiện nghi, 2 thang máy, trong đó có 1 thang máy riêng lên thẳng phòng khách.

Nathan Lee chia sẻ, 3,8 triệu euro là định mức giá của căn hộ rẻ nhất trong tòa nhà. Và tòa nhà anh muốn rao bán có tổng giá trị lên tới 150 triệu euro (tương đương gần 3.865 nghìn tỷ đồng).

Theo Nathan Lee, trước thời điểm phong tỏa toàn thành phố Paris, hàng loạt khách sạn ghi nhận sự sụt giảm mạnh về doanh số. Điển hình như khách sạn Le Muguet có tuổi đời 50 năm ở thành phố Paris cũng chỉ ghi nhận 1/4 trong số 40 phòng tại đây được đặt, đây là “cơn bão” khó khăn nhất mà khách sạn này gặp phải trong lịch sử 50 năm hoạt động của mình.

Cơn bĩ cực của ngành khách sạn

Thời điểm vừa phát hiện bệnh nhân nhiễm COVID-19 số 17, hàng loạt nhà hàng, khách sạn từ lớn đến nhỏ tại Hà Nội và các thành phố nổi tiếng về du lịch ghi nhận khó khăn khi suy giảm lượng khách, hủy tour, hủy phòng. Các khách sạn cố gắng giảm giá, cắt giảm nhân lực để cố gắng duy trì hoạt động. Thế nhưng đến thời điểm này, không chỉ các khách sạn nhỏ lẻ, hàng loạt ông lớn cũng công bố thua lỗ trầm trọng.

Trước lệnh cách ly toàn dân, theo đại diện một doanh nghiệp lớn tại Hà Nội trong hai tháng, con số thua lỗ đã lên đến 100 tỷ đồng, còn hệ thống khách sạn thuộc top đầu Hà Nội cũng chỉ hoạt động 10% công suất.

Ông Lê Đức Phong - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Daeha thừa nhận, là khách sạn thuộc top 5 sao lớn tại Hà Nội, Daewoo đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy phòng đang ở mức dưới 20% - mức thấp nhất trong suốt quá trình 24 năm hoạt động của khách sạn.

Nhiều khách sạn tại Hà Nội đang rao bán giữa mùa dịch bệnh

Theo ghi nhận thực tế, những ngày gần đây, trên các sàn giao dịch nhà đất, nhiều khách sạn trên khắp các tỉnh thành được rao bán với mức giá dao động từ 10 tỷ đến hàng trăm tỷ đồng.

Đơn cử như một khách sạn trên phố Nguyễn Thị Định, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính đang được rao bán với giá 210 tỷ. Đây là khách sạn 3 sao gồm 105 phòng tiêu chuẩn. Tương tự, nhiều khách sạn tại quận Ba Đình, Hai Bà Trưng… cũng đang rao bán rầm rộ.

Tại Nha Trang, một số khách sạn trên đường Nguyễn Thiện Thuật, đường Nguyễn Biểu cũng đang rao bán vì không đủ quỹ chi trả phí vận hành.

Theo đánh giá của Savills Việt Nam, khó khăn lan rộng, các chủ đầu tư chỉ có thể chờ đợi cho đợt khủng hoảng này trôi qua nếu tài sản và tiềm lực tài chính của họ vẫn trong khả năng kiểm soát. Còn đối với các cá nhân, doanh nghiệp không đủ sức cầm cự qua khó khăn, việc bán đi tài sản sẵn có là điều buộc phải làm.

Trong thời gian tới có thể thị trường sẽ chứng kiến các thương vụ mua bán và chuyển nhượng dự án, tài sản ở quy mô lớn. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ có cơ hội mua được những tài sản tốt với giá rẻ hơn so với giai đoạn trước.

"Hiện tại một số nhà đầu tư tại các thị trường địa phương lại tìm được “lối thoát” bằng việc mua lại quyền vận hành khách sạn, nội thất với giá cực rẻ để “chờ thời” hết dịch" - đại diện Savills cho biết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top