Aa

Doanh nghiệp “sân sau”

Thứ Sáu, 23/11/2018 - 12:52

“Có những người không chỉ một mà có tới 14, 15 sân sau”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước sáng 21/11.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Làm việc trong nghề báo, tôi chứng kiến không ít sự hình thành và phát triển của những từ lóng, hay lối ví von mà sau này được dùng một từ tiếng Việt chính thức. "Sân sau" là một từ như vậy.

Hơn 10 năm trước, khi đưa tin về vụ PMU 18, khái niệm "sân sau" bắt đầu được sử dụng phổ biến để miêu tả mối quan hệ của một số lãnh đạo quản lý dự án và doanh nghiệp. Có thể khái niệm này đã xuất hiện đâu đó sớm hơn. Tôi không dám chắc về thời điểm nó được dùng đầu tiên, nhưng cho tới lúc đó, nó vẫn là một lối ví von tương đối mới và thú vị. Khi ấy, chắc ít người nghĩ rằng "sân sau" có ngày được đưa vào các văn bản chính thức trên nghị trường và phát ngôn của lãnh đạo Chính phủ như hôm nay.

Hôm 20/11, khi thông qua Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), báo cáo giải trình của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho hay, quy định "người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn..." là để điều chỉnh đối với các doanh nghiệp "sân sau".

Điều Luật này cũng nêu rõ, các lãnh đạo không được để người thân kinh doanh trong những lĩnh vực mà mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước; không được để người thân giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mà mình là người đứng đầu hoặc cấp phó.

Đây là một thực tế mà người đứng đầu Chính phủ biết và nhiều người dân cũng biết. Những cụm từ "chống lưng", "sân sau", "nhóm lợi ích"... không cần đến định nghĩa chính thức nào, chỉ cần nói ra thì ai cũng hiểu. Ở nhiều địa phương, khi phóng viên nhắc tên doanh nghiệp là người dân nói ngay "của ông nọ, bà kia".

Hồi tháng 7/2017, thông báo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho thấy một câu chuyện là, "sân sau" của lãnh đạo có thể kéo dài nhiều năm, qua nhiều vị trí khác nhau. Bà Phan Thị Mỹ Thanh, nguyên Phó bí thư Đồng Nai, trong thời gian làm Giám đốc Sở Công thương và Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, đã tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Khi ngồi ở vị trí Phó chủ tịch UBND tỉnh, bà Thanh ký các văn bản của tỉnh chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án; thậm chí ký các văn bản không thuộc lĩnh vực phụ trách để cấp phép và gia hạn cho Công ty này kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng...

Lạ lùng là những vi phạm trên diễn trong gần 10 năm - bà Thanh làm Giám đốc Sở Công Thương năm 2008 - nhưng không rõ các cơ quan chức năng địa phương ở đâu, phải đợi đến khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì những điều rõ như ban ngày mới được trông thấy.

Một trường hợp khác mà tôi đã đưa tin cách đây nhiều năm, là việc nguyên Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng tham gia doanh nghiệp làm hầm Đèo Cả. Ông Dũng rời ghế lãnh đạo ngành giao thông vào tháng 8/2011 thì 8 tháng sau, ông tham gia "làm cố vấn" và sau đó là thành viên Hội đồng quản trị của một công ty hoạt động trong lĩnh vực mà ông có trách nhiệm quản lý khi là Bộ trưởng.

Sau khi báo chí công bố thông tin trên, ông Hồ Nghĩa Dũng đã rút khỏi vị trí trong ban lãnh đạo công ty này và doanh nghiệp cũng đưa ra lời xin lỗi.

Sự việc đã khép lại. Nhưng nó cho thấy rằng, một vị từng là thành viên Chính phủ vẫn có thể "quên" quy định do Chính phủ ban hành liên quan trực tiếp đến mình. Theo nghị định 102, thời gian không được kinh doanh đối với người thôi giữ chức vụ trong lĩnh vực giao thông vận tải ít nhất từ 12-18 tháng. Song mới nghỉ hưu được 8 tháng ông Hồ Nghĩa Dũng đã "đi làm".

Nhiều đại biểu Quốc hội khi được phỏng vấn đã cho rằng, cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn tình trạng cán bộ "lót ổ" cho mình khi rời nhiệm sở, "nghĩa là lúc đương chức anh tạo cánh hẩu, tạo sân sau và rồi hạ cánh an toàn vào đó sau khi nghỉ hưu".

Điều quan trọng không chỉ là "giữ cán bộ" mà giữ sự minh bạch, bình đẳng của môi trường kinh doanh. Một số người bạn làm doanh nghiệp chia sẻ với tôi, "bây giờ không có quan hệ làm gì cũng khó, đi đâu cũng gặp sân sau". Rõ ràng, môi trường kinh doanh bị chi phối bởi các mối quan hệ, bởi cách góp vốn bằng chính sách của cán bộ đương chức hoặc về hưu thì sẽ méo mó, và như vậy, những nỗ lực cải cách, cắt giảm gánh nặng thủ tục hành chính sẽ không còn ý nghĩa.

Không ngăn chặn, đẩy lùi được những đặc quyền trên sân chơi chung, "sân sau" sẽ trở thành "sân trước", thành "đại lộ" của các nhóm lợi ích. Kết quả là, các cơ quan thanh tra, kiểm tra sẽ phải làm việc nhiều hơn, báo chí cũng có nhiều hơn các tin bài nóng, nhưng cộng đồng doanh nghiệp thì lắc đầu, kiệt quệ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top